Sáng 27/9, trước diễn biến khó lường của bão số 4 (Noru), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp triển khai công tác ứng phó với siêu bão này.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân vùng bị ảnh hưởng do cơn bão số 4. Ảnh: DƯƠNG GIANG |
Cuộc họp được tổ chức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ kết hợp trực tuyến với điểm cầu UBND 8 tỉnh, thành phố; 88 quận, huyện, thị xã; 1.155 xã, phường, thị trấn các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên dự báo có bão đổ bộ và ảnh hưởng hoàn lưu sau bão.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các địa phương báo cáo công tác kêu gọi ngư dân, tàu thuyền đánh bắt hải sản vào nơi tránh trú an toàn; đảm bảo an toàn lòng bè nuôi trồng thủy sản; các sinh kế của người dân; an toàn cho học sinh, khách du lịch; phương án bảo vệ các di sản, nhất là di sản thế giới; bảo vệ các công trình hạ tầng, cơ sở kinh tế - xã hội...
Theo đó, công tác ứng phó bão số 4 đang được các địa phương thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ” và cơ bản đảm bảo, sẵn sàng ứng phóng với các tình huống có thể xảy ra.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, bão số 4 diễn biến tương đối phức tạp, cường độ mạnh, di chuyển nhanh; nhất trí với quan điểm công tác phòng, chống bão phải chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống “cao hơn 1 cấp” để có sự chủ động trong chuẩn bị và phòng, chống bão.
Thủ tướng đánh giá cao sự vào cuộc của các cấp, ngành từ Trung ương tới xã, phường trong chủ động phòng, chống bão số 4; đồng thời yêu cầu các cấp, ngành, người dân tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác và không hốt hoảng, lo sợ để ứng phó với bão số 4.
Thủ tướng yêu cầu phải đặt mục tiêu bảo vệ tính mạng người dân lên trên hết, trước hết, chú trọng bảo vệ người yếu thế, người già, trẻ em, người tàn tật, khách du lịch; cương quyết di dời người dân khỏi khu vực có nguy cơ mất an toàn do bão lũ, cần thiết có thể phải cưỡng chế, với mục tiêu cao nhất là không để thiệt hại về người.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị kết hợp dự báo trong nước và tham khảo dự báo của các tổ chức khí tượng thế giới, theo dõi sát diễn biến của bão để chủ động thông tin, cảnh báo; không được để bị động, bất ngờ, gây thiệt hại tính mạng, tài sản; với tinh thần “phòng tốt, chống có hiệu quả theo phương châm 4 tại chỗ”.
Cấp ủy, chính quyền các cấp dự báo có bão đổ bộ, gây ảnh hưởng hoãn các cuộc họp không cần thiết; phân công lãnh đạo xuống địa bàn, trực tiếp ứng trực, chỉ đạo phòng, chống bão. Các địa phương từ tỉnh, thành phố đến cơ sở tiếp tục rà soát, triển khai ngay các công việc phòng, chống bão theo phương châm 4 tại chỗ. “Cán bộ cấp tỉnh thì xuống huyện, cán bộ huyện thì xuống xã, cán bộ xã xuống thôn, bản để ứng trực, chỉ đạo”, Thủ tướng nhắc nhở.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ TN-MT theo dõi, thông tin dự báo kịp thời, chính xác nhất có thể để chủ động phòng, chống bão; các cơ quan thông tin đại chúng thông tin kịp thời, bằng mọi phương tiện để người dân cập nhật tình hình bão lũ, hướng dẫn người dân kỹ năng phòng, chống, xử lý các tình huống do bão lũ gây nên.
Các đơn vị công an, quân đội, biên phòng huy động lực lượng hỗ trợ nhân dân di dời, thu hoạch hoa màu, thủy, hải sản; triển khai các biện pháp phòng, chống bão và bảo vệ an ninh trật tự, bảo vệ tài sản cho người dân.
Các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trong phòng, chống bão số 4 và mưa lũ sau bão; đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng của người dân; đảm bảo an toàn các cơ sở kinh tế - kỹ thuật; dự trữ lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc men... phục vụ người dân, đặc biệt tại các địa bàn có thể bị chia cắt do bão lũ.
Ban Chỉ đạo tiền phương trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc ứng phó và khắc phục hậu quả bão, lũ lụt. Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai theo dõi, cập nhật diễn biến kịp thời để báo cáo Ban Chỉ đạo và Thủ tướng Chính phủ các vấn đề vượt thẩm quyền.
PHẠM TIẾP