Làm ngày làm đêm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

Thứ Hai, 26/09/2022, 18:19 [GMT+7]
In bài này
.

Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trong cả nước về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, diễn ra ngày 26/9.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm

Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết, dự kiến đến hết tháng 9, giải ngân vốn đầu tư ngân sách Nhà nước cả nước hơn 253.148 tỷ đồng, đạt 46,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (47,38%). Đến nay, có 39/51 bộ, cơ quan trung ương và 22/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới  mức trung bình của cả nước (46,7%), trong đó có 14 bộ, cơ quan trung ương và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20% kế hoạch vốn được chính phủ giao. Đặc biệt, có 2 cơ quan trung ương và 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 70% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Bà Rịa-Vũng Tàu với tỷ lệ giải ngân đạt 72,4% kế hoạch trong tổng nguồn vốn được Chính phủ giao khoảng 7.500 tỷ đồng, đứng thứ 9 trong top 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao nhất cả nước.

Mặc dù tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm 2022 chưa đạt như kỳ vọng nhưng cũng đã phản ánh đúng xu hướng, đặc thù của vốn đầu tư, đó là đầu năm thi công tích lũy khối lượng, cuối năm triển khai thanh toán. Minh chứng là kết thúc 8 tháng, tỷ lệ giải ngân của cả nước mới đạt 39,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, nhưng bước sang tháng 9, chỉ trong vòng 1 tháng, tiến độ giải ngân đã có sự thay đổi tích cực khi đạt tỷ lệ 46,7%”.

Theo Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương, nguyên nhân chính ảnh hưởng đến công tác giải ngân vốn đầu tư công có khoảng 25 loại tồn tại, vướng mắc, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó phân thành 3 nhóm chính gồm: Nội dung liên quan đến thể chế, chính sách, chủ yếu về lĩnh vực đất đai, tài nguyên-môi trường, xây dựng, đấu thầu…; khó khăn liên quan đến tổ chức triển khai thực hiện; tính đặc thù của kế hoạch năm 2022.

Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra dự án đường ven biển.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra dự án đường ven biển.

Hành động quyết liệt, tích cực, có hiệu quả

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ban, ngành, địa phương phải tập trung chỉ đạo quyết liệt, chủ động tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy vốn đầu tư công. Trong bối cảnh nguồn vốn cho các dự án đã có, người dân mong mỏi, đất nước trông chờ, yêu cầu công việc cao, Thủ tướng yêu cầu các địa phương, cơ quan tập trung làm rõ những khó khăn, vướng mắc, nút thắt, điểm nghẽn; làm rõ trách nhiệm để chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, ngành, cơ quan, địa phương; chia sẻ những mô hình, cách làm hay, sáng tạo; đề ra định hướng, giải pháp và nhiệm vụ cụ thể từ nay đến hết năm 2022 bảo đảm tổ chức thực hiện thiết thực, hiệu quả, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế.

“Chỉ còn một quý của năm 2022, thời gian không chờ đợi ai cả, chúng ta phải hành động quyết liệt, tích cực, có hiệu quả. Tôi mong các đồng chí nêu cao tinh thần trách nhiệm, động viên nhau cùng làm, nêu gương cho cấp dưới, làm ngày làm đêm, làm hết việc chứ không hết giờ, tất cả vì lợi ích quốc gia dân tộc, vì nhân dân phục vụ, đã cố gắng rồi thì cố gắng hơn nữa trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, tình hình không bình thường thì làm việc cũng phải khác bình thường”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục giao vốn chi tiết (75.000 tỷ đồng còn lại) cho các dự án đủ điều kiện. Bộ KH-ĐT tập hợp, báo cáo các vướng mắc liên quan thể chế, cơ chế, chính sách trước ngày 20/10, vướng ở cấp nào cấp đó giải quyết, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT bám sát tình hình, giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan giá nguyên vật liệu biến động.

Thủ tướng yêu cầu đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn; tiếp tục rà soát lại các dự án, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó, tránh chia cắt, dàn trải, manh mún, kéo dài.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

;
.