.
THỦ TƯỚNG PHẠM MINH CHÍNH

Thực hiện chiến lược tài chính toàn diện, tránh đề ra rồi để đó

Cập nhật: 19:42, 07/08/2022 (GMT+7)

Chiều 6/8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính-Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về tài chính toàn diện, chủ trì phiên họp của Ban Chỉ đạo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại phiên họp. Ảnh: DƯƠNG GIANG
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại phiên họp. Ảnh: DƯƠNG GIANG

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, Chiến lược đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc nâng cao khả năng tiếp cận sản phẩm, dịch vụ tài chính cho người dân, doanh nghiệp trong nền kinh tế. Theo đó, khuôn khổ pháp lý không ngừng được hoàn thiện, tạo môi trường thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu của tài chính toàn diện. Mạng lưới cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính phát triển rộng khắp các địa bàn trên cả nước, đặc biệt là các kênh cung ứng dịch vụ trên nền tảng hiện đại như điện thoại di động, internet.

Cùng với đó, các sản phẩm, dịch vụ tài chính được phát triển đa dạng, hiện đại, an toàn, tiện lợi, với chi phí hợp lý, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng nhờ ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0. Cơ sở hạ tầng thanh toán tiếp tục được đầu tư, hoàn thiện.

Tại phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo tập trung xem xét, đánh giá quá trình thực hiện Chiến lược thời gian qua, những việc đã làm được, chưa làm được; cập nhật tình hình mới để lãnh đạo, chỉ đạo sát tình hình, đưa chính sách đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng.

“Các ngành phải hoàn thiện thể chế; tích cực học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia; tham gia các khuôn khổ hợp tác, diễn đàn quốc tế về tài chính toàn diện nhằm tăng cường hội nhập quốc tế về tài chính toàn diện, tiếp nhận sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế trong triển khai Chiến lược tài chính toàn diện Quốc gia nhằm gia tăng nguồn lực cho việc thực thi Chiến lược.
Thủ tướng Phạm Minh Chính 

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao, biểu dương các bộ, ngành, các thành viên Ban Chỉ đạo đã làm tốt vai trò trong việc thực hiện tài chính toàn diện; nhờ đó nâng cao khả năng tiếp cận sản phẩm, dịch vụ tài chính cho người dân, doanh nghiệp trong nền kinh tế. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Chiến lược này phải có lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc để bảo đảm hiệu quả, tránh hình thức, tránh việc “đề ra rồi để đó”.

Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước nghiêm túc tiếp thu các ý kiến để rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay. Xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể của Ban Chỉ đạo liên quan đánh giá mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, phân công nhiệm vụ cụ thể. Văn phòng Chính phủ cùng Ngân hàng Nhà nước khẩn trương dự thảo Kết luận của cuộc họp.

Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ những khó khăn, thách thức trong thực hiện mục tiêu của tài chính toàn diện như: Mạng lưới điểm cung ứng dịch vụ tài chính phát triển còn chưa đồng đều, cần phải sắp xếp hợp lý và mở rộng độ bao phủ hơn nữa đến các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế còn khó khăn.

Bên cạnh đó, với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, xuất hiện thêm các chủ thể, các kênh phân phối, các sản phẩm, dịch vụ tài chính mới dựa trên đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ số nhưng cũng đi kèm rủi ro, đòi hỏi khuôn khổ pháp lý phải được nhanh chóng bổ sung, hoàn thiện.

Các sản phẩm, dịch vụ tài chính hiện đại có nhiều ưu điểm nhưng cần phù hợp để người dân ở vùng sâu, vùng xa dễ tiếp cận và sử dụng. Hạ tầng tài chính cần tiếp tục nâng cao chất lượng và kết nối liên thông giữa các cơ sở hạ tầng. Đặc biệt, phải cải thiện được hiểu biết và kỹ năng sử dụng dịch vụ tài chính cho người dân, khiến người dân thấy được sự tiện ích, an toàn thì họ mới tin và sử dụng.

Người đứng đầu Chính phủ cho biết, Chiến lược tài chính toàn diện Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030 đã đề ra những giải pháp nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện. Tuy nhiên, thực tiễn đang đặt ra cần có những điều chỉnh phù hợp.

Ban Chỉ đạo Quốc gia về tài chính toàn diện được thành lập theo Quyết định 1394/QĐ-TTg ngày 11/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là tổ chức phối hợp liên ngành, giúp Thủ tướng Chính phủ trong việc chỉ đạo và điều phối hoạt động giữa các bộ, ngành, cơ quan, địa phương về tài chính toàn diện, thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện Quốc gia.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, vai trò của tài chính toàn diện ngày càng trở nên quan trọng hơn trong bối cảnh hiện nay để đảm bảo mọi người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận các nguồn lực và giải pháp tài chính phù hợp, nâng cao khả năng ứng phó, vượt qua những hậu quả do thiên tai, dịch bệnh gây ra, hướng tới ổn định và phát triển bền vững. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan có liên quan, các địa phương nhận thức đầy đủ, sâu sắc ý nghĩa của Chiến lược tài chính toàn diện trong việc đạt được các mục tiêu quốc gia, đồng thời tổ chức triển khai tốt hơn nữa các nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược. Hàng năm đánh giá, cập nhật tình hình để điều chỉnh kịp thời.

Thủ tướng chỉ đạo một số nội dung chủ yếu thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan liên quan, các địa phương nhận thức đầy đủ, sâu sắc ý nghĩa của Chiến lược để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, phát triển tốt hơn nữa các dịch vụ cho người dân thuận lợi, tiện dụng, giảm chi phía đầu vào, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Các thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện đầy đủ trách nhiệm của thành viên Ban Chỉ đạo; bố trí nguồn nhân lực và kinh phí phù hợp; ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại để gia tăng hiệu quả và tiết kiệm chi phí, đáp ứng những yêu cầu của thực tiễn cuộc sống, sự mong đợi của người dân và doanh nghiệp.

Các cơ quan phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước-Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo để triển khai đồng bộ, thống nhất các nhiệm vụ; tổ chức theo dõi, định kỳ đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch hành động của đơn vị mình để kịp thời rút kinh nghiệm cho giai đoạn tiếp theo; kịp thời phát hiện mọi bất cập để khắc phục. Các bộ, ngành, địa phương phải phối hợp, phản ứng chính sách kịp thời hơn, tranh thủ kinh nghiệm của quốc tế, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị.

UBND các tỉnh, thành phố phải chỉ đạo các tổ chức cung ứng nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ tài chính đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp ở cơ sở, nhất là các đối tượng người nghèo, người thu nhập thấp, những đối tượng yếu thế trong xã hội, người dân ở vùng sâu, vùng xa, để thực hiện thành công công cuộc xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương. Đẩy mạnh thu thuế, phí bằng các biện pháp công nghệ...

PHẠM TIẾP

 
.
.
.