.

Nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong kiểm soát quyền lực

Cập nhật: 20:06, 05/08/2022 (GMT+7)

Chiều 5/8, Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Quy định số 205-QĐ/TW, ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị (Quy định 205) về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; Tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 8/11/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (Nghị quyết 04).

Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh và các đại biểu tham dự hội nghị.
Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh và các đại biểu tham dự hội nghị.

Tăng cường kiểm soát quyền lực và chống chạy chức chạy quyền

Trình bày dự thảo báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Quy định 205, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Lưu Tài Đoàn cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghiêm túc, quyết liệt trong chỉ đạo quán triệt triển khai, tổ chức thực hiện Quy định 205 đến các cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức chạy quyền.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên thực hiện điều động, chuyển đổi vị trí đối với cán bộ làm công tác nhân sự tại một địa bàn, lĩnh vực (cấp tỉnh đã điều động, chuyển đổi 13 trường hợp; cấp huyện điều động, chuyển đổi 17 trường hợp); hủy bỏ, thu hồi 2 quyết định không đúng về công tác cán bộ; cách chức 2 trường hợp sử dụng hành vi tiêu cực nhằm có được vị trí, chức vụ, quyền lợi.

Đại diện Ban Tiếp Công dân tỉnh trao đổi với người dân tại trụ sở (số 588/1 Cách Mạng Tháng Tám, phường Phước Trung, TP. Bà Rịa).
Đại diện Ban Tiếp Công dân tỉnh trao đổi với người dân tại trụ sở (số 588/1 Cách Mạng Tháng Tám, phường Phước Trung, TP. Bà Rịa).

Tỉnh cũng tăng cường thực hiện kiểm tra, giám sát chuyên đề về công tác cán bộ đối với các cơ quan tham mưu, giúp việc, các cơ quan cấp dưới và cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý trong thực hiện nhiệm vụ về công tác cán bộ. Cụ thể, cấp tỉnh đã thực hiện 50 cuộc kiểm tra, giám sát; cấp huyện và tương đương đã thực hiện 34 cuộc kiểm tra, giám sát.

91,2% vụ khiếu nại liên quan đến lĩnh vực đất đai

Trình bày dự thảo báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 04, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Trần Tuấn Lĩnh cho biết, từ ngày 1/1/2017 đến ngày 31/12/2021, cấp tỉnh và cấp huyện đã tiếp và hướng dẫn 45.286 lượt người, giảm 8% so với giai đoạn 2011-2015. Số lượt tiếp đoàn đông người toàn tỉnh là 542 đoàn với 11.637 lượt người, giảm 8,44% số đoàn so với giai đoạn 2011-2015. Nội dung tiếp công dân phát sinh chủ yếu ở lĩnh vực đất đai (chiếm hơn 91%); các thủ tục hành chính về đất đai và một số lĩnh vực khác.

Trong lĩnh vực tư pháp, cấp tỉnh và cấp huyện đã tiếp 5.003 lượt người; có 17 đoàn đông người/03 vụ việc. Hầu hết các nội dung khiếu nại, tố cáo tập trung vào các lĩnh vực như: chậm thi hành án, chậm xác minh tài sản, chậm thông báo, khiếu kiện hành chính, trong tố tụng dân sự, khiếu nại, tố cáo hành vi của cán bộ có chức danh tư pháp.

Về giải quyết đơn khiếu nại, các cơ quan được giao nhiệm vụ xác minh đã giải quyết 3.919/4.067 vụ khiếu nại thụ lý, đạt 96,36%, đang giải quyết 148 vụ ; tỷ lệ tham mưu giải quyết năm 2021 tăng 1,5% so với năm 2016. Số vụ giải quyết đúng hạn 3.497 vụ, đạt 89,2%, năm 2021 tăng 8,99% so với năm 2016; số vụ việc quá hạn 422 vụ, chiếm tỷ lệ 10,8%. Trong đó, có 91,2% (3.709 vụ) liên quan đến lĩnh vực đất đai và 8,8% (358 vụ) liên quan đến các nội dung khác như: lĩnh vực tư pháp, xử phạt hành chính trong lĩnh vực xây dựng, môi trường, giao thông, an toàn thực phẩm…

Bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý thông qua thi tuyển
Từ tháng 9/2019 đến 30/5/2022, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã thực hiện thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý đối với 9 vị trí thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý (Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Phó Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy, Phó Tổng Biên tập Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT, Phó Giám đốc Sở GT-VT, Phó Giám đốc Sở TN-MT, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Giám đốc Sở Công thương, Phó Giám đốc Sở Nội vụ). Có 11/22 cơ quan hành chính cấp tỉnh; 8/8 UBND cấp huyện và 1/3 đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh đã hoàn thành tổ chức thi tuyển và bổ nhiệm đối với 226/372 vị trí (105 cấp trưởng và 111 cấp phó); cơ quan khối Đảng cấp tỉnh, cấp huyện thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý cấp phòng 24 vị trí (10 cấp trưởng, 14 cấp phó).
Việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý thông qua thi tuyển cạnh tranh đã hạn chế và ngăn ngừa tình trạng tiêu cực trong công tác cán bộ cũng như góp phần thực hiện tốt việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.
 

Về giải quyết tố cáo, tổng số vụ tố cáo thụ lý là 291 vụ, các cơ quan được giao nhiệm vụ xác minh đã tham mưu giải quyết 282 vụ, đạt 96,9%. Số vụ giải quyết đúng hạn 221 vụ, đạt 78,4%, tỷ lệ giải quyết đúng hạn năm 2021 tăng 19,06% so với năm 2016…

Ngoài ra, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã tiếp nhận và tham mưu xử lý 2.137/2.137 đơn, đạt tỷ lệ 100%. Đối với những đơn khiếu nại, tố cáo có nội dung phức tạp, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã chủ động làm việc trực tiếp với một số cơ quan, đơn vị, địa phương để giải quyết.

Giải quyết dứt điểm khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Quy định 205 và Nghị quyết 04 vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Tại hội nghị, lãnh đạo Vụ địa phương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương đã đề xuất các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, nâng cao chất lượng kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền và công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Đại tá Bùi Văn Thảo, Giám đốc Công an tỉnh nhận định, thời gian tới, tình hình khiếu kiện phức tạp vẫn còn, vì tỉnh sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm. Do đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cần chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan các lĩnh vực thường phát sinh khiếu kiện phức tạp như đất đai, tài nguyên - môi trường rà soát, báo cáo tình hình để phát hiện những tồn tại, thiếu sót,  giải quyết những yêu cầu hợp pháp, chính đáng của người dân, tránh gây bức xúc, khiếu kiện đông người. Đồng thời phối hợp xử lý nghiêm các chủ đầu tư, dự án cố tình kéo dài, không thực hiện nghĩa vụ của mình, gây thiệt hại quyền lợi của người dân.

Công an tỉnh sẽ chỉ đạo các lực lượng tăng cường công tác nắm tình hình để kịp thời xử lý những vụ việc khiếu kiện đông người ngay từ cơ sở; xử lý các đối tượng vi phạm pháp luật. “Đề nghị các lực lượng, địa phương phát huy vai trò của đội ngũ cốt cán ở cơ sở để kịp thời phát hiện những bức xúc trong nhân dân và tăng cường tuyên truyền, giải thích cho nhân dân thực hiện khiếu kiện theo đúng quy định pháp luật”, Đại tá Bùi Văn Thảo nói.

Theo ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, công tác phân loại, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở rất quan trọng. Có vụ việc khiếu nại không rõ ràng, nhưng khi phân loại ban đầu không phát hiện đến khi các cơ quan vào cuộc xử lý kéo quá dài thời gian. Đề nghị lãnh đạo cấp huyện chỉ đạo các địa phương quan tâm công tác tiếp dân ngay từ cơ sở để biết người dân khúc mắc, khiếu nại gì từ đó tuyên truyền, giải thích rõ ràng, giải quyết “đến nơi đến chốn” tránh khiếu nại ngay từ cơ sở.

“Một giải pháp căn cơ để giảm bớt khiếu kiện là lực lượng công an tham gia ngay từ đầu vào công tác kiểm kê, bồi thường giải phóng mặt bằng”, ông Nguyễn Công Vinh đề nghị.

Trao đổi tại hội nghị, ông Cao Văn Học, Phó Vụ trưởng Vụ địa phương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị tỉnh giải quyết dứt điểm khiếu nại ngay từ cơ sở, không để khiếu nại vượt cấp, không để khiếu nại từ ít người thành đông người, phức tạp hơn. Đồng thời nâng cao năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ của những người làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Thị Yến tiếp thu các ý kiến phát biểu, đề xuất để bổ sung vào 2 dự thảo báo cáo; đồng thời yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền nêu cao vai trò, trách nhiệm trong thực hiện Quy định 205 và Nghị quyết 04.

Về Quy định 205, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu chỉ đạo chi bộ, đảng viên nghiên cứu kỹ toàn bộ 15 điều của Quy định 205 để thực hiện tốt. Đội ngũ làm công tác tổ chức, cán bộ phải bản lĩnh, công tâm, khách quan, trách nhiệm. Khi quy hoạch, điều động, bổ nhiệm cán bộ phải bố trí cán bộ phù hợp với sở trường, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

“Hơn 91% đơn thư khiếu nại liên quan đến đất đai, do đó phải công khai, minh bạch, công tâm trong kiểm kê, bồi thường giải phóng mặt bằng. Đơn gửi đến cấp nào cấp đó phải giải quyết. UBND tỉnh phải chỉ đạo phân loại nội dung, thẩm quyền giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy  Nguyễn Thị Yến nhấn mạnh.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 548 tổ hòa giải với 3.631 hòa giải viên, đã hòa giải thành 2.104/2.782 vụ, đạt 75,6%; qua đó, các tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh được giải quyết ngay từ cơ sở, giảm thiểu số đơn, thư khiếu nại, tố cáo không đúng thẩm quyền, vượt cấp.

Bài, ảnh: PHÚC LƯU

.
.
.