.

Đồng chí Võ Chí Công - Nhà lãnh đạo tài năng

Cập nhật: 19:40, 05/08/2022 (GMT+7)

Trong kháng chiến cũng như trong hòa bình xây dựng đất nước, đồng chí Võ Chí Công (1912-2011), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước  là mẫu người tiêu biểu sống hết lòng vì Ðảng, vì dân, có phẩm chất đạo đức cách mạng cao đẹp của người cộng sản, cống hiến trọn đời cho Tổ quốc.

Đồng chí Võ Chí Công thăm hỏi bà con huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam năm 1989. Ảnh: TƯ LIỆU
Đồng chí Võ Chí Công thăm hỏi bà con huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam năm 1989. Ảnh: TƯ LIỆU

Bản lĩnh của người lãnh đạo

Đồng chí Võ Chí Công tên thật là Võ Toàn, sinh ngày 7/8/1912, tại làng Tam Mỹ, tổng Phú Quý, phủ Tam Kỳ, nay là thôn Khương Mỹ, xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.

Sớm giác ngộ cách mạng, đồng chí Võ Chí Công đã tham gia hoạt động phong trào thanh niên ở cơ sở từ những năm 1930-1931. Tháng 5/1935, đồng chí được kết nạp vào Ðảng Cộng sản Ðông Dương (nay là Ðảng Cộng sản Việt Nam).

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đồng chí Võ Chí Công được rèn luyện trực tiếp trong ngọn lửa đấu tranh cách mạng của vùng đất Quảng Nam kiên cường và chiến trường Khu 5 ác liệt. Đồng chí lần lượt được giao giữ trọng trách Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy Khu 5. Là người giữ chức vụ cao nhất ở Khu 5, Đồng chí được coi là linh hồn của phong trào cách mạng Khu 5, luôn có mặt ở những địa bàn trọng yếu, ác liệt nhất của chiến trường Khu 5. Đồng chí cùng tập thể Trung ương Cục miền Nam, Khu ủy Khu V trực tiếp chỉ đạo việc đoàn kết, tập hợp, động viên mọi lực lượng trong Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, lãnh đạo quân và dân miền Nam vượt qua muôn vàn hy sinh, gian khổ, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. 

Đồng chí Võ Chí Công từ trần ngày 8/9/2011. Hơn 80 năm hoạt động cách mạng, đồng chí đã có nhiều đóng góp đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Đồng chí đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng.

Đồng chí Võ Chí Công là một trong những nhà lãnh đạo thực tiễn xuất sắc trong cuộc trường chinh giải phóng dân tộc. Bản lĩnh của người lãnh đạo cao cấp thể hiện nổi bật ở sự quyết đoán, năng động và dám chịu trách nhiệm trong những thời khắc có tính chuyển biến quyết định của cách mạng và chiến tranh, tận dụng triệt để thời cơ một đi không trở lại. 

Là người xem trọng thực tiễn, sâu sát với phong trào cách mạng, vận dụng sáng tạo kinh nghiệm, đường lối chiến tranh nhân dân, đồng chí đã lãnh đạo quân và dân Khu 5 vượt qua những giai đoạn khó khăn. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, đồng chí đã lãnh đạo quân và dân Khu 5 sát cánh cùng các cánh quân chủ lực giải phóng Tây Nguyên, Đà Nẵng và các tỉnh duyên hải miền Trung, làm thay đổi cục diện chiến trường, tạo đà thắng lợi cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đổi mới đất nước

Sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, đồng chí Võ Chí Công được Đảng và nhân dân ta giao nhiều trọng trách. Đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị các khóa IV, V, VI và giữ các trọng trách: Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Hải sản; Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Trưởng Ban Cải tạo nông nghiệp miền Nam; Bí thư Trung ương Đảng, Thường trực Ban Bí thư; Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng; Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng; Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII, VIII và là đại biểu Quốc hội các khóa VI, VII,VIII; là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa III, IV, V, VI. 

Trên cương vị công tác nào, đồng chí Võ Chí Công cũng luôn thể hiện rõ tài năng lãnh đạo xuất sắc của mình. Với tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng và nhân dân, trên mọi cương vị công tác, đồng chí luôn trăn trở về con đường đi lên của cách mạng, tìm tòi đổi mới tư duy về kinh tế, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.

Năm 1978, trên cương vị phụ trách khối nông, lâm, hải sản, kiêm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, đồng chí Võ Chí Công ngày đêm trăn trở, suy nghĩ, tìm tòi, làm thế nào để tháo gỡ khó khăn của hàng triệu nông dân trong các hợp tác xã. Đồng chí đã đi xuống nhiều cơ sở nắm tình hình, ra tận đồng ruộng gặp bà con xã viên, hỏi thăm công việc sản xuất và nhận rõ: nhiều hợp tác xã thực hiện khoán đến nhóm và người lao động đã đem lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho xã viên, như các hợp tác xã ở Vĩnh Phú, Hải Phòng. Từ thực tế đó, đồng chí đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư và nhận trách nhiệm chỉ đạo dự thảo Chỉ thị 100-CT/TW về khoán sản phẩm trong hợp tác xã nông nghiệp đến nhóm và người lao động.

Chỉ thị 100-CT/TW (ngày 13/1/1981) của Ban Bí thư ra đời là bước đột phá quan trọng trong nông nghiệp; phù hợp với lòng dân và được nhân dân phấn khởi đón nhận. Trên cơ sở đó, Trung ương đã ra Nghị quyết 10 (năm 1988) về đổi mới cơ chế quản lý nông nghiệp, tạo động lực mới trong sản xuất, làm tăng năng suất và sản phẩm lao động, đưa nước ta từ chỗ thiếu lương thực đến đủ ăn và từng bước có dư để xuất khẩu.

Không dừng lại ở sự đổi mới cơ chế quản lý nông nghiệp, đồng chí Võ Chí Công đã phát triển tư duy của mình để đóng góp cho Đảng, Nhà nước về đổi mới cơ chế quản lý kinh tế chung của đất nước. Là Trưởng ban nghiên cứu đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, đồng chí đã tích cực xuống các cơ sở kinh tế, mở nhiều cuộc hội thảo, tập hợp ý kiến của các chuyên gia kinh tế, các viện nghiên cứu. Sau đó, hoàn thiện trình Bộ Chính trị ra Nghị quyết 306 (tháng 4/1986) về phát huy quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh của đơn vị kinh tế, bao gồm cả nông nghiệp, công nghiệp và phân phối lưu thông.

Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, đồng chí Võ Chí Công đã có những đóng góp quan trọng vào đổi mới hoạt động của Quốc hội, đặc biệt là công tác lập hiến và lập pháp. 

Với trọng trách là Chủ tịch Ủy ban sửa đổi Hiến pháp năm 1980, dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của Bộ Chính trị, sự góp ý của Hội đồng Nhà nước, đồng chí Võ Chí Công đã cùng Ủy ban tập hợp ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân; tập trung được nhiều chuyên gia, nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng Hiến pháp của một số nước, vận dụng vào thực tiễn Việt Nam; kiên trì đấu tranh với những quan điểm sai trái trong việc sửa đổi Hiến pháp, giữ vững những điều cơ bản về dân chủ, về pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Hiến pháp sửa đổi năm 1992 - Hiến pháp của thời kỳ đổi mới, được Trung ương Đảng, Quốc hội thông qua, đánh dấu mốc lịch sử về công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, làm cơ sở vững chắc cho việc xây dựng hệ thống pháp luật, quản lý mọi mặt hoạt động của đất nước. Trong thành công đó có sự đóng góp rất quan trọng của đồng chí Võ Chí Công.

Nhiều hoạt động kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Võ Chí Công
Vào 6h30 ngày 6/8, tỉnh Quảng Nam tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm đồng chí Võ Chí Công tại Khu lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công (thôn Khương Mỹ, xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành). Thành phần tham dự gồm các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương, tỉnh Quảng Nam và đại diện gia tộc đồng chí Võ Chí Công.
Tiếp đó, lúc 8h ngày 6/8, tại Hội trường UBND tỉnh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức hội thảo khoa học “Đồng chí Võ Chí Công - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Quảng Nam”.
Vào lúc 19h cùng ngày, tại hội trường Trung tâm Văn hóa Quảng Nam sẽ diễn ra lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Võ Chí Công.
Ngoài ra còn nhiều hoạt động do các cơ quan Trung ương và tỉnh Quảng Nam tổ chức như: Hãng phim Tài liệu và khoa học Trung ương bổ sung tư liệu mới phim tài liệu về đồng chí Võ Chí Công; tỉnh Quảng Nam tổ chức viếng hương Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công tại tư gia (số nhà 76/14 đường Quốc Hương, phường Thảo Điền, thành phố Thủ Đức, TP.HCM); Tỉnh Đoàn Quảng Nam chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan tổ chức hoạt động về nguồn tại Khu di tích căn cứ Khu ủy V.
(Theo baochinhphu.vn)


NGUYÊN CHƯƠNG
(Tổng hợp)

.
.
.