Ở huyện đảo Trường Sa, phương tiện truyền thông, giải trí không đa dạng như ở đất liền nên mỗi cuốn sách, tờ báo luôn được quân và dân trên đảo xem như người bạn tâm tình, tri kỷ.
Chiến sĩ đảo Trường Sa lớn hứng thú với các loại sách, báo do các đại biểu mang từ đất liền ra tặng. |
“Bạn thân” của lính đảo
Vừa hoàn thành ca trực tuần tra, canh gác biển đảo, nhóm chiến sĩ trẻ đang công tác tại đảo An Bang lập tức đến phòng đọc sách của đơn vị để bổ sung thêm kiến thức từ sách, báo. Các chiến sĩ chuyền tay nhau những tờ báo như Quân đội nhân dân, Nhân dân, Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, Thanh Niên, Tuổi Trẻ,... cùng nhau đọc say mê rồi trao đổi kiến thức với nhau.
Đang là sinh viên năm thứ hai Khoa Kỹ thuật cơ khí, Trường Đại học Nha Trang, nhưng vì nghĩa vụ liêng thiêng, vì tình yêu với biển đảo của Tổ quốc, chiến sĩ Trần Hoàng Trung (SN 2001) đã quyết định tạm gác việc học để nhập ngũ và đến với quần đảo Trường Sa. Trần Hoàng Trung chia sẻ, ở trong đất liền, lúc rảnh các em có tivi, máy tính, điện thoại,… để giải trí. Ra đảo, giữa mênh mông sóng nước, không có sóng 3G, 4G, thì sách, báo là “món ăn tinh thần” hằng ngày, nhiều chiến sĩ đã hình thành thói quen đọc sách, báo.
Phòng đọc sách trên đảo An Bang hiện có trên 2.000 đầu sách về các lĩnh vực như khoa học kỹ thuật, văn hóa, pháp luật, kinh tế, xã hội, truyện ngắn và một số báo, tạp chí. Đại úy Phan Văn Anh, Chính trị viên đảo An Bang cho biết, vào giờ nghỉ, bộ đội hăng hái tham gia các phong trào văn nghệ, thể dục thể thao, đặc biệt là đọc sách và dần hình thành phong trào sôi nổi về đọc sách, báo tìm hiểu tri thức.
Tương tự, hôm chúng tôi đến với đảo Thuyền Chài B, hình ảnh mọi người truyền tay nhau, nâng niu những cuốn sách vừa nhận được từ các đại biểu mang ra tặng, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên về nét đẹp văn hóa đọc của cán bộ, chiến sĩ nơi đây.
Thiếu úy Trần Triệu Hoàng, Bí thư Chi đoàn đảo Thuyền Chài A chia sẻ: “Đối với chúng tôi, sách là món quà quý giá nên mỗi khi có đoàn công tác mang sách, báo ra tặng, chúng tôi thường nghiên cứu kỹ để giới thiệu cho đoàn viên những cuốn sách hay, từ đó tạo nguồn cảm hứng cho đoàn viên tìm đọc nhằm nâng cao hiểu biết về pháp luật, xã hội, khoa học kỹ thuật sau những giờ học tập, huấn luyện”.
Còn tại đảo Đá Lát, một tủ sách có hơn 500 đầu sách đa dạng chủ đề về lịch sử, văn hóa, pháp luật… Càng đọc sách, báo, cán bộ, chiến sĩ càng biết nhiều thêm về chủ quyền biển đảo quê hương, về những tấm gương đã hy sinh quên mình cho đất nước, qua đó nâng cao quyết tâm bám biển, bám đảo, hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Nhận nhiệm vụ ở đảo Đá Lát được 4 tháng, binh nhất Nguyễn Phúc Thịnh (21 tuổi, quê huyện Cam Lâm) chia sẻ, thời gian đầu mới ra đảo, Thịnh không tránh khỏi nỗi nhớ gia đình. Cùng với sự động viên của cán bộ, chiến sĩ trên đảo thì sách báo chính là người bạn tâm tình, giúp anh vượt qua được thời gian bỡ ngỡ ban đầu.
Lan tỏa văn hóa đọc
Trong chuyến công tác đến 10 đảo của quần đảo Trường Sa, bất cứ nơi nào đoàn công tác đến thăm, dù đảo chìm hay đảo nổi luôn có một tủ sách, báo với nhiều loại sách đa dạng, phong phú. Ở đảo nổi, diện tích rộng rãi, các phòng đọc ở được trang bị giá và tủ sách bằng gỗ chắc chắn, số lượng sách có từ 1.500-3.000 cuốn. Còn ở đảo chìm, diện tích nhỏ hơn lại ảnh hưởng bởi gió biển nên được trang bị các tủ nhôm kính để bảo quản tốt, số lượng sách báo có từ 500-700 cuốn. Báo và tạp chí được đảm bảo đúng, đủ số lượng theo quy định. Sách ở Trường Sa chủ yếu là nguồn ở trên cấp bổ sung định kỳ và các cơ quan, tổ chức, chính quyền các địa phương gửi tặng.
Để khơi dậy niềm đam mê đọc sách, bên cạnh việc đọc báo, điểm báo mỗi ngày, các đơn vị đều tổ chức những buổi sinh hoạt để giới thiệu một cuốn sách hay để các chiến sĩ cùng nhau trao đổi và bình luận những nội dung tâm đắc. Định kỳ 6 tháng một lần, Phòng Chính trị Lữ đoàn 146 - Vùng 4 Hải quân sẽ luân chuyển sách ở các điểm đảo với nhau để bộ đội được đọc nhiều loại sách hơn.
“Các hoạt động đọc sách, báo; sinh hoạt chi đoàn, văn hóa văn nghệ… diễn ra sôi nổi đã kịp thời động viên, cổ vũ những người giữ đảo yên tâm làm nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”, Đại úy Hoàng Văn Thảo, Chính trị viên đảo Đá Lát cho biết.
Bên cạnh việc phục vụ cán bộ, chiến sĩ, phòng đọc, thư viện còn là nơi để nguời dân sinh sống trên đảo đến đọc và mượn sách. Riêng phòng đọc ở các đảo Song Tử Tây, Trường Sa lớn còn có cả tủ sách thiếu nhi để cho các cháu học sinh trên đảo dành thời gian ngoài giờ đến đọc sách. Các cháu đến thư viện như là hoạt động ngoại khóa, vừa học tập vừa bổ sung kiến thức và giải trí.
“Ở nơi không có sóng 3G, 4G thì giá trị của sách, báo vô cùng quan trọng. Chính vì vậy mà tôi luôn nhắc học trò của mình hãy xem sách, báo là kho tri thức hiệu quả để hàng ngày, ngoài giờ lên lớp, các em có thể đến để tham khảo, tìm những nội dung phù hợp phục vụ quá trình học tập”, thầy Bành Hữu Tình, giáo viên Trường TH thị trấn Trường Sa chia sẻ.
Bài, ảnh: MINH NHÂN