Trăn trở "bài toán" phân luồng, hướng nghiệp

Thứ Năm, 14/07/2022, 21:16 [GMT+7]
In bài này
.

Trong phiên thảo luận ngày 14/7, Kỳ họp thứ Tám HĐND tỉnh khóa VII, vấn đề phân luồng, hướng nghiệp cho HS THCS đã làm “nóng” nghị trường.

HS Trường THCS Hùng Vương (TX. Phú Mỹ) tham quan, trải nghiệm tại Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ BR-VT. Ảnh: KHÁNH CHI
HS Trường THCS Hùng Vương (TX. Phú Mỹ) tham quan, trải nghiệm tại Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ BR-VT. Ảnh: KHÁNH CHI

Thiếu sự phối hợp và giải pháp đồng bộ

Ông Mai Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ tọa kỳ họp cho biết, hiện nay, rất nhiều cử tri quan tâm tới vấn đề phân luồng HS THCS dù đây là vấn đề không mới. “Dư luận bày tỏ sự lo lắng, bản thân nhiều HS vừa tốt nghiệp THCS băn khoăn không biết tương lai của mình sẽ như thế nào”, ông Thuận nói.

Giải trình vấn đề trên, bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT cho hay, việc phân luồng HS trong giáo dục phổ thông được thực hiện theo Quyết định 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”.  Mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 40% HS tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã xây dựng Kế hoạch số 135/KH-UBND ngày 12/9/2019 để triển khai thực hiện Đề án. Theo đó, tỷ lệ phân luồng HS tốt nghiệp THCS vào THPT năm học 2022-2023 là 67%. Lộ trình này đã được xây dựng và cụ thể trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII.

Căn cứ Kế hoạch số 135/KH-UBND, Sở GD-ĐT xây dựng kế hoạch thực hiện hàng năm. Trong đó tập trung một số nhiệm vụ và giải pháp chính để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng HS THCS và THPT vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh, hội nhập với các nước trong khu vực và quốc tế.

Bà Trần Thị Ngọc Châu cũng chỉ ra những hạn chế trong thực hiện công tác phân luồng, hướng nghiệp. “Trước hết, khâu tuyên truyền về công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng chưa hiệu quả. Bởi vì nếu hiệu quả thì đã không có nội dung thảo luận này. Bên cạnh đó, khâu phối hợp tổ chức thực hiện, giải pháp đồng bộ chưa có”, bà Châu thẳng thắn nhìn nhận.

Cần có sự chuẩn bị chu đáo và lộ trình phù hợp

Theo bà Châu, trong thời gian tới, ngành GD-ĐT sẽ tăng cường tuyên truyền về công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng. Trong đó tập trung thông tin rõ về Chương trình GDTX cấp THPT. Cùng với đó, ngành sẽ nâng cao chất lượng dạy Chương trình GDTX cấp THPT trên địa bàn tỉnh; tiếp tục nâng cao nhận thức và hiệu quả thực hiện công tác hướng nghiệp phân luồng trong đội ngũ ngành giáo dục. Đồng thời phối hợp với Sở LĐTBXH và các địa phương công tác giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng HS phổ thông; tổ chức điều tra, thống kê, cập nhật số liệu, tạo cơ sở dữ liệu về phân luồng, hướng nghiệp trên địa bàn để quản lý, tư vấn hỗ trợ cho HS.

Giải trình tại kỳ họp, ông Trần Quốc Khánh, Giám đốc Sở LĐTBXH cho biết, trong những năm qua, để thực hiện công tác phân luồng HS, Sở đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho đội ngũ GV tư vấn, Ngày hội tư vấn hướng nghiệp cho HS. Hiện nay, Sở đang rà soát số lượng, danh sách cụ thể HS sau THCS không vào THPT, TT GDTX để có phương án tiếp nhận, hỗ trợ, tư vấn học nghề. Trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tuyên truyền, tư vấn chế độ hỗ trợ khuyến khích học nghề cho HS theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Đồng thời, phối hợp với Sở GTVT đề xuất UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ giá phương tiện công cộng (xe buýt) cho HS, SV theo quy định tại Quyết định số 13/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Về lâu dài, Sở sẽ trình UBND tỉnh xin chủ trương xây dựng nghị quyết về chính sách hỗ trợ thêm cho HS tốt nghiệp THCS, THPT tham gia học nghề ngoài 2 chính sách đã được quy định; đề xuất UBND tỉnh đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề, mở rộng và nâng cấp ký túc xá của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập do tỉnh quản lý…

Ông Khánh cũng cho biết thêm, qua rà soát, quy mô tuyển sinh hiện nay của 11 trường TC, CĐ trên địa bàn tỉnh là 4.540 HS, SV/năm. Đối chiếu với số HS không vào THPT, GDTX là trên 3.000 em thì các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh hoàn toàn có thể tiếp nhận số HS này vào học trung cấp nghề.

Quan tâm tới HS vùng xa

Đưa ra ý kiến phản biện, đại biểu Bùi Chí Tình cho rằng, toàn tỉnh hiện có 11 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (gồm 5 trường CĐ, 6 trường TC) nhưng hiện chỉ có 4 trường CĐ, 2 trường TC có tiếp nhận HS hoàn thành chương trình THCS gồm: Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ  BR-VT, CĐ Du lịch Vũng Tàu, CĐ Dầu khí, CĐ Quốc tế Vabis, TC Kỹ thuật Công nghệ Phước Lộc, TC chuyên nghiệp Bà Rịa với chỉ tiêu tuyển sinh là 2.520 HS. Không chỉ vậy, hiện nay, việc phát triển mạng lưới các trường phổ thông dân lập, trường nghề chưa đồng bộ, hầu hết chỉ tập trung ở đô thị. Các huyện (trừ huyện Đất Đỏ) không có cơ sở đào tạo nghề, nhiều địa phương không có tư thục. Vậy, các em HS ở vùng xa, vùng khó khăn phải làm thế nào để tiếp tục học tập cũng là vấn đề rất cần được quan tâm.

Về vấn đề này, bà Lê Thị Trang Đài, Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc cho biết, trước mắt, đề nghị tỉnh có phương án hỗ trợ phương tiện đi lại, chỗ ở KTX cho HS và mở thêm phân hiệu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Về lâu dài, cần có cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở khu vực nông thôn, hoặc có thể tạo cơ chế mở thêm phân hiệu của các trường đào tạo nghề để HS được tiếp cận dễ dàng hơn. Bà Trang Đài nhấn mạnh, việc phân luồng , hướng nghiệp nên có chuẩn bị dài hơi, kỹ lưỡng với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, để tạo cơ hội học tập cho các em HS, để Sở GD-ĐT, Sở LĐTBXH, các nhà trường không đơn độc trong việc thực hiện nhiệm vụ này.

KHÁNH CHI - PHÚC LƯU

;
.