Nghĩa trang liệt sĩ giữa trùng khơi

Thứ Ba, 26/07/2022, 20:39 [GMT+7]
In bài này
.

Trong số hàng ngàn nghĩa trang liệt sĩ trên khắp mọi miền Tổ quốc, nghĩa trang nằm ở thềm lục địa phía Nam có vị trí và ý nghĩa rất đặc biệt. Đây là nơi yên nghỉ của nhiều cán bộ, chiến sĩ Hải quân hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh khi bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.
Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh khi bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

Trong chuyến công tác cùng tàu KN 491 (Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân) đến thăm, động viên quân, dân quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 mới đây, chúng tôi đã có dịp dự một buổi lễ đặc biệt: Lễ tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh trên thềm lục địa phía Nam. Đến vùng biển gần Nhà giàn DK1/12 (bãi Tư Chính) tàu dừng lại thả neo để hành lễ. Sau khi xếp hàng ngay ngắn tại boong tàu, các thành viên trong đoàn làm lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

Chuẩn đô đốc Phạm Văn Quang, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân xúc động nói: “Quần đảo Trường Sa là một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Mỗi tảng san hô, từng hạt cát, nhành cây, ngọn cỏ nơi đây đều thấm đẫm mồ hôi, xương máu của các thế hệ người con đất Việt”.

Cách đây 34 năm (14/3/1988), quân Trung Quốc bất ngờ dùng lực lượng hải quân với nhiều tàu chiến và vũ khí trang bị hiện đại tấn công đảo Gạc Ma, bắn chìm, cháy 3 tàu vận tải của Hải quân Việt Nam, đánh chiếm một số đảo. Với ý chí quyết tâm bảo vệ biển, đảo, bộ đội Hải quân, bao gồm cán bộ, chiến sĩ trên các tàu vận tải và những người lính công binh xây dựng đảo, trong tay chỉ có cuốc, xẻng, xà beng và súng bộ binh vẫn mưu trí, dũng cảm, thực hiện đúng đối sách nhằm kiềm chế tối đa sức mạnh của địch. Dù biết rằng có thể sẽ hy sinh, nhưng các anh không hề run sợ, dũng cảm, ngoan cường, sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ biển, đảo đến hơi thở cuối cùng.

Vòng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc được thả xuống biển.
Vòng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ được thả xuống biển.

Trong cuộc chiến đó, nhiều chiến sĩ Hải quân đã anh dũng ngã xuống như: Trung tá Trần Ðức Thông, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146; Ðại úy Vũ Phi Trừ, Thuyền trưởng tàu HQ 604. Đặc biệt, Thiếu úy Trần Văn Phương, Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma, trước lúc hy sinh đã hiên ngang quấn lá cờ Tổ quốc quanh thân mình, động viên đồng đội: “không được lùi bước, phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Hải quân”.

Máu, xương nhiều chiến sĩ đã vĩnh viễn hòa vào biển khơi. Đại dương bao la chính là nơi các anh an giấc ngàn thu. 

Cũng trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc còn một nghĩa trang liệt sĩ đặc biệt khác, là nơi yên nghỉ của 10 cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1 hy sinh từ năm 1990 đến tháng 10/2014.

Cụ thể, tháng 12/1990, cơn lốc tố lúc nửa đêm đánh sập nhà giàn Phúc Tần 3, cuốn xuống biển 8 cán bộ, chiến sĩ. Trong trận bão tố này, 3 cán bộ, chiến sĩ hy sinh là Trung úy - Chính trị viên Nguyễn Hữu Quảng, chiến sĩ Hồ Văn Hiền và chiến sĩ Trần Văn Là. Sau đó một năm, tháng 1/1991, Thuyền phó quân sự Phạm Tảo và máy trưởng Lê Tiến Cường thuộc tàu HQ 666 đã bị những con sóng lừng lững nhấn chìm tại Nhà giàn Tư chính 1A (Bãi cạn Tư Chính) khi tàu đang làm nhiệm vụ trực tại đây.

Đêm 12/12/1998, cơn bão Fathes có sức gió mạnh trên cấp 12 tràn vào vùng biển Vũng Tàu, Nhà giàn Phúc Nguyên 2A nằm đúng vệt bão quét. Bão đánh sập Nhà giàn Phúc Nguyên 2A, cuốn xuống biển 9 cán bộ, chiến sĩ và 3 người trong số họ vĩnh viễn nằm lại biển khơi gồm Đại úy - Chỉ huy trưởng Vũ Quang Chương, Chuẩn úy Lê Đức Hồng và Thiếu úy Nguyễn Văn An. 13 năm sau, đêm 21/4/2001, tại Nhà giàn DK1/16, chiến sĩ Tạ Ngọc Tú hy sinh trong cơn đau thắt đột ngột khi đang theo dõi, bám sát mục tiêu lạ giữa màn đêm.

Trước sự hung dữ của những cơn bão làm đổ một số nhà giàn DK1, nhiều cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ canh giữ biển, đảo đã hy sinh, viết nên những bản anh hùng ca về chủ nghĩa anh hùng cách mạng thời kỳ mới, là những tượng đài thép khẳng định cột mốc chủ quyền bất tử trên biển Đông, trên thềm lục địa của Tổ quốc. Để rồi trên vùng biển DK1 ngày nay cũng có một nghĩa trang liệt sĩ. 

Các đại biểu thăm quần đảo Trường Sa bày tỏ lòng tri ân trước các anh hùng, liệt sĩ.
Các đại biểu thăm quần đảo Trường Sa bày tỏ lòng tri ân trước các anh hùng liệt sĩ.

34 năm trôi qua, Ðảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, các cấp, các ngành, trực tiếp là cán bộ, chiến sĩ Hải quân đã và đang cố gắng làm hết sức mình tìm kiếm hài cốt các anh. Song, biển rộng và sâu, sức người lại có hạn nên đến nay nhiều người vẫn đang nằm lại. Vì lẽ đó mà vùng biển Trường Sa hôm nay được ví như có một nghĩa trang đặc biệt, là nơi yên nghĩ vĩnh hằng của các cán bộ, chiến sĩ Hải quân đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. 

Trường Sa ngày càng “thay da đổi thịt”, nước biển ở vùng Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao vẫn mặn mòi, nhưng máu của 64 liệt sĩ mãi hòa vào lòng biển. Để rồi hàng năm, những người con đất Việt ra thăm Trường Sa và nhà giàn DK1 lại dừng lại nơi đây tiến hành  nghi thức không thể thiếu là dâng hương, thả vòng hoa, lễ vật tưởng niệm những cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh vì chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Bài, ảnh: MINH NHÂN

;
.