.
KỶ NIỆM 92 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG NGÀNH TUYÊN GIÁO (1/8/1930 - 1/8/2022)

Học tập, quán triệt nghị quyết phải gắn với thực tiễn

Cập nhật: 19:03, 28/07/2022 (GMT+7)

Hội thảo khoa học “Đổi mới, nâng cao công tác nghiên cứu, học tập, quán triệt, triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức sáng 28/7 đã ghi nhận nhiều giải pháp cụ thể, cách làm hay, sáng tạo của địa phương, đơn vị. Theo đó, việc học tập, quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng phải gắn với thực tiễn công tác và đời sống.

Ông Lê Văn Minh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu kết luận hội thảo.
Ông Lê Văn Minh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu kết luận hội thảo.

Tham dự hội thảo có ông Nguyễn Hữu Việt, hàm Vụ trưởng Cơ quan Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại TP. Hồ Chí Minh; lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long, Đồng Nai, Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh và lãnh đạo các địa phương, ban, ngành, đoàn thể tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Thống nhất về nhận thức và hành động

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, học tập, quán triệt, triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, thời gian qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành kế hoạch tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết từ tỉnh đến cơ sở; chỉ đạo đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, kết hợp trực tiếp và trực tuyến; quan tâm nâng cao chất lượng báo cáo viên, bí thư cấp ủy và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị là người trực tiếp báo cáo, quán triệt nghị quyết tại địa phương, đơn vị mình.

Việc học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh đã giúp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng, chủ trương, đường lối của Đảng trong công cuộc đổi mới đất nước, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình hiện nay.

Với sự đa dạng về hình thức quán triệt, triển khai, chất lượng báo cáo viên được nâng cao và sự kịp thời trong tham mưu, phối hợp của các cơ quan, đơn vị liên quan, công tác học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhiệm kỳ 2020-2025 đạt 98,3% tổng số đảng viên tham dự, tuyên truyền ra dân đạt 83,25%; tuyên truyền Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025 đạt 99,36% tổng số đảng viên tham dự và tuyên truyền ra dân đạt 80,1%... Hầu hết các cấp ủy đã quán triệt thực hiện nghiêm túc, đúng yêu cầu, gắn kết chặt chẽ giữa việc học tập, quán triệt những nội dung cơ bản của các chỉ thị, nghị quyết với liên hệ thực tiễn, lồng ghép nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế công tác học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết trong Đảng bộ tỉnh thời gian qua còn những hạn chế nhất định: Hình thức học tập, quán triệt chưa phù hợp với từng đối tượng cán bộ, đảng viên; một số báo cáo viên chưa đầu tư tốt cho bài giảng, chưa đi sâu, phân tích và ít có sự liên hệ thực tiễn tại địa phương, đơn vị; vai trò của cấp ủy, người đứng đầu có nơi còn chưa phát huy hiệu quả.

 Ông Lê Minh Đức (thứ tư từ trái qua), Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long trao quà lưu niệm cho Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu tại hội thảo.
Ông Lê Minh Đức (thứ tư từ trái qua), Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long trao quà lưu niệm cho Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu tại hội thảo.

Nêu cao trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên

TS Bùi Ngọc Hiền, Trưởng Phòng Phòng Quản lý Khoa học - Thông tin - Tư liệu (Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, nghiên cứu, học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng là nhiệm vụ của từng cán bộ, đảng viên. Để phát huy tính tự giác, trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên cần quy định yêu cầu, kết quả cụ thể đối với việc nghiên cứu, học tập từng chỉ thị, nghị quyết của Đảng, xem đây là một trong những tiêu chí xem xét, đánh giá đảng viên.

TS Bùi Ngọc Hiền đề nghị thay đổi hình thức triệu tập, điểm danh sang hình thức linh hoạt để cán bộ, đảng viên lựa chọn phương thức nghiên cứu, học tập phù hợp với điều kiện thực tiễn. Giải pháp này góp phần làm giảm sự nhàm chán trong nghiên cứu, học tập của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Bên cạnh đó, phải đổi mới các hình thức tổ chức nghiên cứu, học tập của cán bộ, đảng viên theo hướng biến quá trình tổ chức nghiên cứu, học tập thành tự nghiên cứu.

Cùng với việc thực hiện giải pháp trên, TS Bùi Ngọc Hiền đề nghị các cơ quan, tổ chức nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc tổ chức nghiên cứu, học tập chỉ thị, nghị quyết của Đảng; cần xem xét, nghiên cứu xây dựng các hình thức thu hoạch sau nghiên cứu, học tập của từng cán bộ, đảng viên đối với từng chỉ thị, nghị quyết. Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống tài khoản số của từng đảng viên và thay hình thức thu hoạch viết giấy như hiện nay thành việc thực hiện phiếu khảo sát trực tuyến và yêu cầu cụ thể khác được gửi tới từng tài khoản đảng viên. Phiếu thu hoạch gửi tới tài khoản đảng viên được tự động hóa và không giống nhau. Đảng viên có thể hoàn thành ở mọi lúc, mọi nơi trong một khoảng thời gian xác định. Kết quả được công khai và cập nhật vào hệ thống dữ liệu quản lý đảng viên và là cơ sở đánh giá đảng viên.

ÔNG LÊ MINH ĐỨC, PHÓ TRƯỞNG BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY VĨNH LONG
Khắc phục “căn bệnh” ngại học, lười học 
Các cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị phải khẳng định vai trò quan trọng và tinh thần nêu gương trong việc tổ chức, học tập, quán triệt nghị quyết, chỉ thị của Đảng cho cán bộ, đảng viên. Các đơn vị, địa phương cần khắc phục “căn bệnh” ngại học, lười học nghị quyết, nhất là tình trạng “khai mạc thì đông, cuối giờ thì thưa thớt”; lấy lý do công việc mà bỏ học hoặc học hình thức, chiếu lệ, không chịu suy nghĩ, phân tích để hiểu rõ những điểm, yêu cầu mới mà thực tế đòi hỏi.

Để tránh việc mang nghị quyết, chỉ thị ra đọc toàn văn gây nhàm chán cho người nghe, ông Trần Ngọc Hà, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Vũng Tàu cho rằng nội dung phổ biến, quán triệt nghị quyết, chỉ thị cần  chuẩn bị một cách chu đáo, kỹ lưỡng. Đồng thời, phải xem xét đối tượng mình phổ biến, quán triệt là ai để chuẩn bị nội dung phù hợp. 

Ông Trần Ngọc Hà nêu dẫn chứng, Thành ủy Vũng Tàu rất chú trọng vấn đề này. Khi chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng phổ biến, quán triệt nghị quyết, chỉ thị, Thành ủy Vũng Tàu đều yêu cầu nhấn mạnh, phân tích rõ vấn đề gì, những nội dung nào cần cô đọng, ngắn gọn, nhất là phải gắn với tình hình địa phương và vai trò, trách nhiệm của đảng viên, giúp cho đảng viên thấy nội dung nghị quyết, chỉ thị gần gũi, gắn với thực tiễn.

ÔNG NGUYỄN THÁI BÌNH, PHÓ TRƯỞNG BAN DÂN VẬN TỈNH ỦY BÀ RỊA-VŨNG TÀU

Nội dung tuyên truyền cần thiết thực, gần gũi

Nên tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai chỉ thị, nghị quyết của Đảng dành riêng cho đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo. Với đối tượng đặc thù là đồng bào dân tộc thiểu số, báo cáo viên cần giới thiệu dưới hình thức trực quan sinh động, lồng ghép hình ảnh dễ nhìn, dễ hiểu để người dân tiếp cận tốt hơn. Nội dung tuyên truyền cũng cần thiết thực, gần gũi với đời sống của đồng bào và tổ chức tại địa bàn dân cư, nơi có đông người dân tộc thiểu số sinh sống.

Đối với đồng bào tôn giáo, báo cáo viên nên giới thiệu những nội dung trọng tâm, cốt lõi, Trong đó, cần tập trung vào những vấn đề cụ thể, thiết thực, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, gắn tình hình thực tế với quyền và lợi ích chính đáng hợp pháp nhằm tạo sự thông suốt về nhận thức, tư tưởng và đời sống của đồng bào.

Ngoài ra, để nâng cao chất lượng, năng lực thuyết trình, phổ biến, quán triệt nghị quyết, chỉ thị của đội ngũ báo cáo viên, Thành ủy Vũng Tàu đã giao Ban Tuyên giáo nghiên cứu biên soạn Hướng dẫn phương pháp, quy trình, cách thức phổ biến nghị quyết, chỉ thị. “Hướng dẫn sau khi được ban hành đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao năng lực thuyết trình của đội ngũ báo cáo viên và các đồng chí tham gia cấp ủy”, ông Trần Ngọc Hà nói.

Phát biểu kết luận hội thảo, ông Lê Văn Minh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết, 20 tham luận cùng các ý kiến phát biểu tại hội thảo đã đánh giá đúng thực trạng, tìm ra giải pháp hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

“Chúng tôi xin tiếp thu các ý kiến đóng góp và sẽ vận dụng vào điều kiện thực tế của địa phương để tiếp tục đổi mới hình thức, nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, học tập, quán triệt, triển khai các chỉ thị, nghị quyết. Qua đó, góp phần đưa nghị quyết bám rễ và phát huy tác dụng tích cực hơn trong thực tiễn, tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng, sự đồng thuận trong xã hội”, ông Lê Văn Minh nhấn mạnh.

Bài, ảnh: PHÚC LƯU

.
.
.