.
THỦ TƯỚNG PHẠM MINH CHÍNH

Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, chống suy thoái

Cập nhật: 18:54, 28/07/2022 (GMT+7)

Sáng 28/7, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với lãnh đạo một số bộ, ngành bàn về những giải pháp, đối sách phù hợp cả trước mắt và lâu dài để tiếp tục kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.

Theo báo cáo của các bộ, ngành và đánh giá của nhiều tổ chức trong nước, quốc tế, trong bối cảnh rất khó khăn, bất ổn của tình hình quốc tế, nhất là xung đột tại Ukraine, dịch COVID-19 diễn biến khó lường, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, điều hành bám sát thực tiễn, điều hành vĩ mô đúng hướng, linh hoạt, hiệu quả, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Việt Nam là một điểm sáng trong kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và phục hồi tăng trưởng mạnh mẽ.

Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tình hình thế giới đang tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ; lạm phát tăng cao, đồng tiền của nhiều quốc gia mất giá; cạnh tranh chiến lược gay gắt và thay đổi định hướng chính sách ở nhiều nước đã tác động tiêu cực đến nước ta trên nhiều lĩnh vực, nhất là xuất, nhập khẩu, giá xăng dầu, nguyên liệu đầu vào… Với độ mở của nền kinh tế lớn, một biến động nhỏ ở bên ngoài có thể tác động lớn đến trong nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu việc chỉ đạo điều hành vĩ mô phải bảo đảm tính tổng thể, bài bản, khoa học, hiệu quả, hợp lý cả trước mắt và lâu dài. Bộ KH-ĐT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên tham vấn chuyên gia, nhà khoa học và củng cố, phát huy vai trò của Tổ điều phối kinh tế vĩ mô trong chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên số 1 hiện nay là tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, chống suy thoái, thúc đẩy phục hồi, tăng trưởng kinh tế; chú trọng phòng, chống dịch COVID-19, nhất là đẩy mạnh tiêm vắc xin. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo nền tảng cho phát triển bền vững.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu: Tiếp tục phối hợp hài hòa, hợp lý, đồng bộ, chặt chẽ, linh hoạt, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác. Trong đó, thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, chắc chắn, hiệu quả; điều hành tỷ giá, lãi suất ổn định hợp lý, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, chống đô la hóa, vàng hóa; bảo đảm tăng trưởng tín dụng phù hợp theo hướng tập trung cho sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, phát triển khu công nghiệp và nhà ở xã hội.

Thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, bảo đảm hiệu quả; phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi; tiếp tục rà soát, giảm thuế, phí, lệ phí, các chi phí đầu vào cho doanh nghiệp. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tăng cường hợp tác công tư, khơi thông mọi nguồn lực, thu hút đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài, lấy nguồn lực nhà nước kích hoạt, dẫn dắt mọi nguồn lực hợp pháp khác, góp phần tạo công ăn việc làm, thúc đẩy tăng trưởng. 

Phát triển mạnh thị trường trong nước; đa dạng hóa các thị trường, thúc đẩy mạnh mẽ xuất khẩu; tăng cường phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại. Đảm bảo điện cho sản xuất, tiêu dùng và an ninh lương thực, thực phẩm. Phát triển mạnh thị trường lao động, bảo đảm đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Phát triển thị trường vốn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững. Kiểm soát chặt chẽ giá cả, thị trường, nhất là những mặt hàng chiến lược, thiết yếu cho sản xuất và đời sống. Tiếp tục xử lý hiệu quả những vấn đề tồn đọng, nhất là những dự án kém hiệu quả kéo dài.

PHẠM TIẾP

.
.
.