Tiếp tục chương trình thảo luận ngày làm việc thứ 2 của Kỳ họp thứ Tám HĐND tỉnh Khóa VII, nhiệm kỳ 2021-2026, qua các nội dung chất vấn, các đại biểu đã phân tích, làm rõ những những bất cập trong quản lý đất đai, thay đổi quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chậm triển khai, kéo dài làm ảnh hưởng đến quyền sử dụng đất của người dân, gây bức xúc trong dư luận.
Đánh giá khả năng triển khai dự án của chủ đầu tư
Đại biểu Trần Văn Trường nêu, quyết định thu hồi đất KCN dầu khí Long Sơn (xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu) ban hành cho người dân từ năm 2009, đến nay đã qua 13 năm nhưng KCN này chưa triển khai các bước tiếp theo, chưa thực hiện công tác thu hồi. Người dân sống trong vùng quy hoạch không được gia hạn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không thực hiện được quyền gắn với đất… Cử tri đề nghị UBND tỉnh rà soát tổng thể dự án, tiến độ, tính pháp lý, khả năng thực hiện để có phương án xử lý phù hợp, dứt điểm trả lời cho bà con.
Ông Lê Anh Tú, Phó giám đốc Sở TN-MT (ảnh dưới), cho biết, Luật Đất đai năm 2013 không quy định trường hợp các Quyết định thu hồi đất không thực hiện sẽ thu hồi, hủy bỏ. Cũng theo Luật Đất đai năm 2013, chỉ giải quyết quyền lợi của người sử dụng đất đối với các khu vực phải chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất 5 năm hoặc hàng năm.
Tuy nhiên, việc thu hồi đất được căn cứ vào dự án đầu tư. Do đó cần phải xem xét lại các dự án đầu tư, quyết định đầu tư về hiệu lực, tiến độ, xử lý vi phạm của các chủ đầu tư. Trường hợp thu hồi, chấm dứt dự án đầu tư thì Sở TN-MT sẽ thu hồi, hủy bỏ các thủ tục về thu hồi đất… Sở TN-MT cũng đề nghị UBND tỉnh giao các cơ quan tham mưu về chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư; UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp rà soát tất cả các dự án có thu hồi đất nhưng chưa được thực hiện để xem xét tính hiệu lực, khả năng triển khai, tiến độ, các vi phạm… để làm cơ sở thực hiện việc điều chỉnh, thu hồi hủy bỏ quyết định thu hồi đất, trả lại quyền lợi hợp pháp cho người dân sử dụng đất.
Sẽ rà soát điều chỉnh theo quy hoạch tỉnh khi đã được Chính phủ phê duyệt
Bản đồ điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Khu đô thị Bắc Vũng Tàu, TP. Vũng Tàu. |
Cũng liên quan đến đất đai, đại biểu Trần Thị Bạch Huệ nêu, cử tri xã Phước Long Thọ, Đất Đỏ phản ánh đất trước đây thuộc quy hoạch đất ở nông thôn nhưng đến thời điểm hiện tại lại thuộc quy hoạch đất trồng cây hàng năm. Việc thay đổi quy hoạch đất làm ảnh hưởng đến quyền sử dụng và giá trị sử dụng đất.
Trao đổi thông tin về nội dung này, ông Lê Anh Tú, cho hay, Điều 13 Luật Đất đai năm 2013 quy định: Quyền của đại diện chủ sở hữu đất đai (là Nhà nước) là quyết định quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất, mục đích sử dụng đất. Như vậy, quy hoạch sử dụng đất là do Nhà nước quyết định.
Luật Quy hoạch và Luật Đất đai hiện nay quy định hệ thống quy hoạch sử dụng đất chỉ còn quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia và quy hoạch sử dụng đất cấp huyện. Không còn quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh mà thay bằng phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện là một nội dung của quy hoạch tỉnh.
Đối với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện do UBND huyện lập, thông qua HĐND cùng cấp trước khi trình cho UBND tỉnh phê duyệt theo quy định tại Điều 42 Luật Đất đai.
Trước khi trình thông qua HĐND cùng cấp, UBND tỉnh phê duyệt, UBND cấp huyện phải tổ chức lấy ý kiến nhân dân được thực hiện thông qua hình thức tổ chức hội nghị, lấy ý kiến trực tiếp và công khai thông tin về nội dung của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên trang thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh và UBND cấp huyện theo quy định tại Điều 43 Luật Đất đai.
Như vậy, Luật Đất đai đã quy định rất cụ thể về thẩm quyền, nội dung, căn cứ, việc lấy ý kiến nhân dân đối với công tác quy hoạch sử dụng đất.
Người dân xem bản đồ điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Khu đô thị Bắc Vũng Tàu, TP. Vũng Tàu. Ảnh: BẢO KHÁNH |
Tuy nhiên, khi quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt vẫn có ý kiến nhân dân không đồng thuận, phản ánh. Ông Tú nhận định nguyên nhân có thể do định hướng phát triển của địa phương giai đoạn trước tại khu vực đó được quy hoạch là khu dân cư hoặc đất ở; giai đoạn này định hướng thay đổi, không bố trí quy hoạch dàn trải, mở rộng mà tập trung theo các tuyến đường giao thông để đảm bảo hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kết nối.
Cũng có nguyên nhân nền bản đồ hiện trạng không đầy đủ chính xác dẫn đến các khu vực này trước đây khi kiểm kê, thống kê đất đai lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất được xác lập là khu dân cư hoặc đất ở, nay rà soát điều chỉnh lại để đảm bảo diện tích phù hợp với thực tế sử dụng. Hoặc công tác khảo sát thực tế trước khi lập quy hoạch hoặc điều chỉnh quy hoạch các khu vực này chưa được tiến hành đầy đủ; việc lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch chưa được tổ chức chặt chẽ đến từng người dân, thôn/ấp/khu phố…
Ông Tú thông tin thêm, hiện nay quy hoạch tỉnh đang được UBND tỉnh lập và dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2022. Theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16/8/2019: “Các quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch và các luật, pháp lệnh đã được sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến quy hoạch có thể lập đồng thời. Quy hoạch nào được lập, thẩm định xong trước thì được quyết định hoặc phê duyệt trước. Sau khi quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt, nếu có mâu thuẫn thì quy hoạch thấp hơn phải điều chỉnh theo quy hoạch cao hơn”.
Ông Tú đề nghị, sau khi quy hoạch tỉnh được phê duyệt, các huyện, thị xã, thành phố tổ chức rà soát, khảo sát các khu vực có sự kiến nghị, phản ánh của cử tri để xem xét, điều chỉnh lại cho phù hợp với hiện trạng, định hướng phát triển, kết nối hạ tầng khu vực… thống nhất quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng, quy hoạch nông thôn mới.
Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA
Tính toán sinh kế lâu dài cho người ở vùng quy hoạch Trao đổi thêm về vấn đề trên, ông Mai Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, bà con nằm trong vùng quy hoạch chậm triển khai giờ không bức xúc nữa mà cầu khẩn để gia hạn giấy chứng nhận QSDĐ và được thực hiện quyền gắn với đất. Do đó, tôi đề nghị các sở, ngành khi giải quyết các bức xúc của người dân phải đặt vào hoàn cảnh của chính mình và người thân mình. Ông Thuận đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan tìm giải pháp rốt ráo xử lý, không để kéo dài tình trạng người dân có đất nằm trong vùng quy hoạch chậm triển khai bị ảnh hưởng các quyền gắn liền với đất. Khi xử lý chỉ rõ đâu là trách nhiệm của chủ đầu tư. Đồng thời, kiến nghị trong sửa đổi luật đất đai đối với những khu vực đã có quyết định thu hồi đất thì trong thời gian bao lâu không triển khai phải thu hồi lại quyết định để trả lại quyền cho người dân. Đối với các dự án quy hoạch phục vụ cho phát triển kinh tế, lãnh đạo các địa phương trong quá trình vận động thuyết phục người dân nên kết hợp với chủ đầu tư tạo công ăn việc làm mới cho người dân chính tại khu đất của họ, gắn với mục tiêu xây dựng và phát triển DN. Nếu làm tốt được việc này, người dân thấy được sinh kế lâu dài cho cuộc sống ổn định, tôi tin chắc người dân sẽ đồng thuận, chia sẻ cao. |
Đối với kiến nghị của cử tri về việc sau khi tự nguyện hiến đất làm được, làm thủ tục chỉnh lý Giấy CNQSDĐ người dân vẫn phải nộp phí, trong khi khoản phí này lý ra phải được miễn, ông Lê Anh Tú trả lời giải pháp trước mắt là Văn phòng Đăng ký Đất đai không thu phí đối với những trường hợp người dân tự nguyện hiến đất cho nhà nước mở đường ở các địa phương nông thôn mới. Với những trường hợp tự mở đường mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép thì phải đo đạc lại, chỉnh lý hồ sơ địa chính và thu phí. Đối với những trường hợp này địa phương phải thống kê lại các công trình đã làm phù hợp với quy hoạch chung của địa phương, hàng quý hoặc cuối năm thanh toán lại cho Văn phòng Đăng ký Đất đai hoặc các đơn vị đo đạc nếu thuê đơn vị đó. Về phản ánh của cử tri xã An Nhứt, huyện Long Điền liên quan đến vấn đề này, mới đây Văn phòng Đăng ký Đất đai đã làm việc với các hộ dân và xác định phần đất hiến để làm đường nông thôn nên không thu phí. |