BR-VT cần phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có

Thứ Năm, 14/07/2022, 20:54 [GMT+7]
In bài này
.

Để tiếp tục phát huy thế mạnh của vùng Đông Nam Bộ thời gian tới, BR-VT cần định vị lại mình trong khu vực để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có và hỗ trợ các địa phương khác phát triển.

Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại hội nghị.
Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Đó là những nội dung chính được đặt ra tại Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW, Kết luận số 27-KL/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 diễn ra ngày 14/7 tại tỉnh BR-VT. Hội nghị do ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy và Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đồng chủ trì.

Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh BR-VT cũng kiến nghị Bộ KH-ĐT xem xét, hỗ trợ tháo gỡ một số vấn đề liên quan đến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; vướng mắc trong thủ tục lựa chọn nhà đầu tư dự án trọng điểm của tỉnh; xử lý các vướng mắc liên quan đến dự án thu gom nước thải TP. Bà Rịa sử dụng vốn ODA của Thụy Sỹ; phê duyệt dự án lưới điện quốc gia Côn Đảo và triển khai nâng cấp, mở rộng sân bay Cỏ Ống (Côn Đảo); đồng ý chủ trương cho tỉnh đầu tư tiếp 16,5km cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua TP. Bà Rịa bằng nguồn ngân sách tỉnh…
Đối với hạ tầng cảng biển, BR-VT đề nghị cụm 5 cảng Cái Mép - Thị Vải cần có cơ chế để trở thành cảng mở, chỉ cần 1 hàng rào cho 5 cảng để cụm này trở thành cụm cảng nước sâu trung chuyển chuyên nghiệp.

Vừa phát triển kinh tế vừa bảo vệ môi trường

Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho biết, mục tiêu BR-VT đề ra khi thực hiện Nghị quyết số 53 và Kết luận số 27 là trở thành tỉnh công nghiệp, cảng biển và dịch vụ hậu cần cảng, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao; có nền kinh tế phát triển trong nhóm dẫn đầu cả nước; phát triển văn hóa-xã hội đồng bộ, hài hòa với kinh tế, đáp ứng yêu cầu chăm lo thực hiện các mục tiêu phát triển con người; bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Qua 15 năm thực hiện, tỉnh đã đạt được những thành tựu nổi bật về xây dựng và phát triển kinh tế. Cụ thể, quy mô kinh tế của tỉnh đến năm 2020 đạt 309.730 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2005 (nằm trong số 4 địa phương đứng đầu của vùng); quy mô GRDP trên địa bàn tỉnh năm 2021 xếp top đầu của 63 tỉnh thành. Chất lượng cuộc sống người dân ngày một nâng cao…

Thông tin tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh cho biết, cơ cấu thu ngân sách của tỉnh đang dần thay đổi qua các năm. Trong đó thay đổi lớn nhất là thu ngân sách của tỉnh hiện không phụ thuộc vào dầu khí. BR-VT đang dần chuyển hướng sang thu nội địa với các ngành kinh tế trọng điểm như: công nghiệp, cảng biển, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt, nhiều năm qua, BR-VT đã theo đuổi chính sách không thu hút đầu tư các dự án gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng lao động.

“Tỉnh đang hướng đến một ngành công nghiệp sản xuất và chế biến với mục tiêu vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ môi trường”, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh nhấn mạnh.

Để các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tiếp tục duy trì động lực phát triển, góp phần vào sự phát triển chung của Quốc gia, thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của đảng, Tỉnh ủy BR-VT kiến nghị Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045 với 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược và 4 giải pháp chủ yếu.
Cụ thể, 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược gồm: đổi mới phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong Vùng; thành lập Khu mậu dịch tự do Cái Mép Hạ (thuộc Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải) cần có cơ chế đặc thù thu hút nhà đầu tư; đẩy nhanh quá trình chuyển đối số đi cùng với nâng cấp các dịch vụ hành chính công và môi trường kinh doanh.
4 giải pháp chủ yếu gồm: thể chế hóa mô hình tổ chức liên kết vùng nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý thực hiện quản lý nhà nước; ban hành cơ chế thúc đẩy áp dụng các mô hình tổ chức vận tải tiên tiến theo chuẩn mực quốc tế; lập quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ dựa vào thiên nhiên; tiếp tục ưu tiên đầu tư cho Côn Đảo.

Tăng cường liên kết vùng

Các bộ, ngành Trung ương thời gian qua đã triển khai nhiều chương trình, dự án đầu tư trọng điểm trên địa bàn tỉnh như: Quy hoạch nhóm cảng biển số 5 tại khu vực Cái Mép-Thị Vải; xây dựng hệ thống đường ống dẫn khí; các dự án sản xuất điện, phân bón, hóa chất, cán thép… trên cơ sở tham khảo ý kiến của các địa phương trong vùng về các vấn đề có liên quan. Đã có nhiều nhà đầu tư từ các địa phương khác trong vùng, đặc biệt là từ TP. Hồ Chí Minh tham gia đầu tư vào lĩnh vực mà BR-VT có tiềm năng như: phát triển dịch vụ, thương mại, xuất nhập khẩu, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản, hạ tầng giao thông, thủy lợi, cấp thoát nước.

Về liên kết vùng, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 53, vai trò của vùng Đông Nam bộ thể hiện rõ nét với tứ giác động lực là TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, BR-VT. Việc đầu tư các tuyến đường giao thông quan trọng, có tính kết nối, liên kết vùng như đường vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; nâng cấp QL1, QL51, QL13… đã tăng cường kết nối vùng. Tuy nhiên, các tuyến giao thông này đã lạc hậu, thường xuyên ùn tắc, nhất là vào các ngày cuối tuần, ngày lễ, Tết.

Lãnh đạo tỉnh BR-VT cũng đã chỉ ra những tồn tại trong liên kết vùng trong giai đoạn vừa qua. Đó là, các quy định về liên kết bắt buộc còn chung chung nên khó triển khai áp dụng và chưa có chế tài đủ mạnh để ràng buộc liên kết vùng; chất lượng liên kết chưa như kỳ vọng. Liên kết mang tính lâu dài, chiến lược như: phát triển mạng lưới KCN, mạng lưới giao thông, thu hút và quản lý đầu tư, giải quyết ô nhiễm chưa được chú trọng và chậm triển khai. Các hoạt động liên kết bắt buộc khác như huy động vốn và xây dựng; cung cấp hệ thống thông tin vùng gần như chưa triển khai. Ngoài ra, thiếu bộ máy cấp vùng để thực thi, giám sát và điều phối việc thực hiện các văn bản, chính sách vùng. Một bất cập đối với vấn đề liên kết vùng nữa là tình trạng thiếu cơ sở dữ liệu theo vùng.

BR-VT kiến nghị Bộ Chính trị tiếp tục ưu tiên đầu tư cho Côn Đảo để  phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh.  Trong ảnh: Khách du lịch đến Côn Đảo bằng máy bay.
BR-VT kiến nghị Bộ Chính trị tiếp tục ưu tiên đầu tư cho Côn Đảo để phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh. Trong ảnh: Khách du lịch đến Côn Đảo bằng máy bay.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao kết quả mà BR-VT đạt được trong 15 năm qua. Đồng thời, nhấn mạnh, BR-VT là một tỉnh năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, đi đầu trong thể chế, cải cách và thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tiềm năng như: dầu khí, cảng biển nước sâu, trung tâm du lịch của vùng… mà địa phương chưa khai thác hết.

Do đó, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT đề nghị, tỉnh thời gian tới cần định vị lại mình. Bởi, BR-VT có vai trò đặc biệt quan trọng, là cửa ngõ khu vực phía Nam, là trung tâm du lịch, dịch vụ, cảng biển, xuất nhập khẩu, lọc - hóa dầu… Sự phát triển của tỉnh có tác động đến sự phát triển của vùng, của khu vực phía Nam và của cả nước. Với sứ mệnh này đòi hỏi tỉnh phải có tốc độ phát triển kinh tế cao hơn vùng.

“Tỉnh cần phải chủ động kiến tạo lại hệ thống cảng biển để trở thành cảng trung chuyển lớn, xứng tầm khu vực châu Á; hình thành trung tâm logistics, trở thành vành đai công nghiệp; tập trung công nghiệp chế biến chế tạo; du lịch chất lượng cao. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh các dự án trọng điểm giao thông kết nối vùng trong giai đoạn mới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

 
;
.