Phát biểu thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam sáng 3/6, đại biểu Dương Tấn Quân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng, nghị quyết này rất quan trọng, sẽ tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục cải tạo phạm nhân, tạo điều kiện để phạm nhân được lao động, hướng nghiệp, học nghề, tăng khả năng thích ứng tái hòa nhập cộng đồng, hạn chế nguy cơ tái phạm tội.
Đại biểu Dương Tấn Quân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu thảo luận về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. Ảnh: CHÂU VŨ |
Cấp chứng chỉ, chứng nhận đào tạo nghề
Theo dự thảo nghị quyết, 1/3 số trại giam của Bộ Công an quản lý, được ký kết hợp đồng với tổ chức, cá nhân để tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, theo kế hoạch do trại giam xây dựng và được Cục thi hành án Hình sự thuộc Bộ Công an phê duyệt. Trại giam có trách nhiệm: xây dựng kế hoạch, trực tiếp quản lý, giám sát khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam, quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo và tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân. Tổ chức, cá nhân: hợp tác với trại giam chịu trách nhiệm đầu tư tài chính, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ quản lý giam giữ, bàn giao cho trại giam quản lý và phối hợp với trại giam thực hiện tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân. Thu nhập của tổ chức hợp tác với trại giam từ hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam trong thời gian thí điểm được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp. Phạm nhân tham gia lao động, hướng nghiệp, học nghề ngoài trại giam được trả một phần công lao động. Thời gian thực hiện nghị quyết thí điểm là 5 năm kể từ ngày 1/9/2022.
Qua nghiên cứu những quy định nêu trên, đại biểu Dương Tấn Quân đề nghị xem xét, đánh giá làm rõ một số vấn đề: Khi đi vào hoạt động lao động hướng nghiệp, dạy nghề sẽ có thu nhập và phát sinh lợi nhuận. Như vậy, việc phân chia lợi nhuận giữa tổ chức, cá nhân và trại giam như thế nào? Công lao động của phạm nhân được trả như thế nào? Bên nào sẽ trả công lao động khi đã chia lợi nhuận? Chưa được quy định.
Khoản 1 Dự thảo Nghị quyết quy định đối tượng hợp tác với trại giam để tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam là tổ chức và cá nhân tuy nhiên điểm d khoản 2 điều 1 chỉ quy định: tổ chức hợp tác với trại giam trong thời gian thí điểm được miễn thế thu nhập doanh nghiệp. Đại biểu Dương Tấn Quân cho rằng, dự thảo Nghị quyết chưa quy định cá nhân có đủ điều kiện hợp tác với trại giam trong tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam thì sẽ được hưỡng chính sách ưu đãi gì.
Để làm hành trang tìm việc làm sau khi chấp hành xong án phạt đồng thời tạo động lực để phạm nhân tích cực học nghề, đại biểu Dương Tấn Quân đề nghị cấp chứng chỉ, chứng nhận đào tạo nghề cho những phạm nhân hoàn thành chương trình học nghề.
Cần có chính sách chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư
Về quy định: Tổ chức, cá nhân hợp tác với trại giam chịu trách nhiệm đầu tư tài chính, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ quản lý giam giữ và bàn giao cho trại giam quản lý. Đại biểu Dương Tấn Quân cho rằng, bàn giao cho trại giam quản lý cơ sở vật chất, nhà xưởng của tổ chức cá nhân thì cần tính toán tình huống có thể xảy ra. Đó là: Trong quá trình trại giam quản lý, tổ chức lao động, dạy nghề nếu xảy ra sự cố, hư hỏng máy móc, cơ sở vật chất do phạm nhân gây ra thì bên nào sẽ chịu trách nhiệm sửa chữa, khắc phục.
Ngoài ra, Dự thảo Nghị quyết quy định: Để xây dựng được một cơ sở đào tạo nghề đạt tiêu chuẩn, phù hợp với đặc thù đối tượng lao đông, dạy nghề, đảm bảo an toàn, chất lượng hướng đến việc là sau khi phạm nhân lao động, học nghề có thể tìm được việc làm ổn định khi chấp hành xong án phạt hòa nhập tốt với cộng đồng, thì… tổ chức, cá nhân phải đầu tư nguồn tài chính khá lớn và có thể gặp rủi ro phải dừng hoạt động nếu trong thời gian thí điểm không đạt kết qua tốt.
Do đó, để đảm bảo Nghị quyết thí điểm đạt hiệu quả tốt nhất, thu hút được nhà đầu tư, các nguồn lực xã hội cùng chia sẻ với Nhà nước tham gia thực hiện tốt công tác này. Đại biểu Dương Tấn Quân đề nghị Chính phủ cần đánh giá một cách toàn diện, chi tiết, đầy đủ các vấn đề có thể phát sinh trong quá trình thực hiện; cần có những chính sách chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư để giúp họ yên tâm hơn, mạnh dạng hợp tác đầu tư; và ngoài chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cần có thêm các chính sách ưu đãi khác như: chính sách tín dụng, chính sách đất đai…
PHÚC LƯU - CHÂU VŨ