Chia sẻ từ những điều nhỏ nhất như: bữa ăn sáng, ly nước, bao gạo... đến suất học bổng cho HS nghèo, khó khăn đến trường. Đó là việc làm ý nghĩa xuất phát từ tấm lòng yêu thương, chia sẻ của phụ nữ huyện Xuyên Mộc.
Chị Huỳnh Thị Mỹ Dung (huyện Xuyên Mộc) chụp ảnh lưu lại kỷ niệm khi đến thăm, trao tiền hỗ trợ hàng tháng và tặng SGK cho con đỡ đầu khi cháu chuẩn bị vào lớp 1. |
Những tấm lòng nhân ái
Chị Lý Thị Nguyệt (xã Xuyên Mộc) là chủ một DN buôn bán nông sản tại địa phương với hơn 10 nhân công cố định và 50 nhân công thời vụ. Nhiều năm qua, chị luôn đồng hành với các công việc thiện nguyện tại địa phương. Từ nấu những bữa ăn ngon đến tặng các phần quà là gạo, tiền mặt, vừa qua chị Nguyệt nhận đỡ đầu 4 HS có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi. Chia sẻ về việc làm ý nghĩa của mình, chị Nguyệt cho biết: “Tôi luôn tâm niệm nếu muốn nhận lại những điều tốt đẹp thì khi sống phải cho đi và làm những điều tốt đẹp, từ đó tôi cùng bạn bè, người thân tích cực làm những việc thiện nguyện giúp ích cho đời. Nhận hỗ trợ và trở thành “Mẹ đỡ đầu” của các trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn không nằm trong các hoạt động thiện nguyện của tôi. Các con đến như một nhân duyên và tôi tự tin về khả năng của mình. Nếu các con hoàn thành hết bậc THPT và muốn tiếp tục theo đuổi ước mơ trên con đường CĐ, ĐH, tôi sẽ đồng hành đến khi con thành tài”.
Tại chợ Xuyên Mộc, gần 10 năm qua người dân quen thuộc với hình ảnh người phụ nữ trung niên bán thịt heo luôn “nhìn người mua để bán”. Đó là chị Lương Thị Ánh (xã Xuyên Mộc), người phụ nữ có tấm lòng nhân ái nhiều năm không mệt mỏi với công việc thiện nguyện. Với những người công nhân, lao động tự do quần áo lem luốc, ướt đẫm mồ hôi đến mua hàng tại sạp thịt của mình, chị Ánh thường cân dư hoặc tặng thêm thịt để bữa cơm gia đình họ thêm đủ đầy. Còn với gia đình khá giả hoặc khách hàng thân quen, họ đều nhắc chị Ánh phải “cân đúng” hoặc “không được bớt tiền” như một cách nhường yêu thương lại cho những người cần hơn.
Cân dư đã đành, người phụ nữ này còn sẵn sàng dúi vào tay cụ già neo đơn đi bán mớ rau dại cây chả lụa và nói “con biếu cụ” hoặc gửi nhờ ký thịt cho nhà cô Sáu vì “cả tuần nay không thấy cô đi chợ”. Những ngày chợ ít người, các tiểu thương nơi đây còn quen thuộc hơn với việc chị Ánh tặng hết số thịt còn dư tại sạp cho bà con. Hay hình ảnh chị ngồi nán lại tới tối mịt để chờ những gia đình nghèo buổi chiều đi làm về ghé ngang chợ tìm mua đồ “ngon-rẻ” về ăn. Mỗi dịp cuối tuần, sạp thịt heo của chị Ánh lại trở thành địa điểm quen thuộc tặng gạo, rau, thịt cho người nghèo, người già neo đơn trong vùng. Với tính cách xởi lởi, giản dị, chân chất mà gần gũi đã làm cho chị Ánh trở nên đặc biệt và được người dân nơi đây tin yêu, quý trọng.
Chia sẻ về những việc làm “khác người” của mình, chị Ánh tâm sự: “Mỗi ngày mở sạp hàng ra bán tôi đều xác định, bán 3 con heo, tôi dành tiền lãi của 1 con để san sẻ yêu thương với người nghèo. Vì công việc này rất ít người làm được và duy trì thực hiện nên tôi cảm thấy rất vui và nghĩ đó là cái duyên nên càng phải trân quý điều đó. Tôi luôn muốn giúp đỡ nhiều hơn những hoàn cảnh khó khăn”.
Biến yêu thương thành động lực
Thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, chị Ánh xem được những video về các lao động xa quê đèo nhau lũ lượt rời thành phố. Những hình ảnh đó khiến chị Ánh nhiều đêm không ngủ được. Lướt xem zalo, chị thấy Hội LHPN huyện Xuyên Mộc đang tìm “Mẹ đỡ đầu” cho các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn mồ côi do dịch bệnh và mồ côi do nguyên nhân khác. Chị ngay lập tức liên hệ và bày tỏ mong muốn được nhận đỡ đầu 10 cháu, với mức hỗ trợ 500 ngàn đồng/cháu/tháng và hỗ trợ đến khi nào các con tự đứng vững trên đôi chân của mình.
Chị Ánh cho biết: “Ở nhà tôi còn 3 người con đang tuổi ăn tuổi học. Thế nhưng các con tôi từ nhỏ đến lớn may mắn hơn vì có ba mẹ lo lắng. Tôi nhận thấy việc hỗ trợ các con nằm trong khả năng của mình nên muốn làm những điều tốt nhất để chí ít các con thực hiện được ước mơ tới trường, theo đuổi ước mơ của bản thân”.
Vượt xa ngoài mong đợi của Hội LHPN địa phương, 10 người con dù ở các xã khác nhau nhưng chị Ánh rất tâm lý khi luôn trải lòng gắn bó, tìm cách tâm sự cùng con; luôn gần gũi, thu hẹp khoảng cách để các con mở lòng, cùng chia sẻ, tâm sự để hiểu hơn, nhờ đó các con chăm ngoan, tiến bộ hơn trong học tập. “Các con thiếu thốn tình yêu thương của ba/mẹ nên khi mình trở thành một mảnh ghép, trở thành ba/mẹ đỡ đầu, đó là một điều rất thiêng liêng và cao cả đồng hành cùng con trong phát triển toàn diện về thể chất, tâm sinh lý để trưởng thành”, chị Ánh cho biết thêm.
Là 1 trong 10 người con có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi được chị Ánh nhận đỡ đầu, em Dương Gia Bảo, HS Trường TH Xuyên Mộc đã trở nên vui vẻ, dạn dĩ, hòa đồng hơn với mọi người xung quanh và tiến bộ trong học tập. Đôi mắt trong trẻo nhìn mẹ, Gia Bảo cho biết: “Con sẽ cố gắng học giỏi hơn nữa để lớn lên làm một người tốt, giúp đỡ thật nhiều người như mẹ Ánh đang làm để giúp đỡ chúng con”.
Chị Phan Thị Mỹ Dung, Chủ tịch Hội LHPN huyện Xuyên Mộc đánh giá, trong quá trình vận động hỗ trợ, đã xuất hiện nhiều tấm gương phụ nữ tiêu biểu. Điển hình như chị Lương Thị Ánh, Lý Thị Nguyệt. Bên cạnh đồng hành với Hội LHPN tặng quà cho gia đình nghèo, khó khăn, người già neo đơn, đóng góp tích cực vào công tác an sinh xã hội tại địa phương, các chị còn là “mẹ” để tiếp bước các con tới trường.
“Đây là những tấm gương phụ nữ làm kinh tế giỏi, có tấm lòng nhân ái, có tâm với công việc thiện nguyện. Những việc làm và sự đóng góp của các chị đối với gia đình và xã hội rất xứng đáng là bông hoa khoe sắc, tỏa hương thơm trong vườn hoa của Hội LHPN để chị em học tập, noi theo. Trong chương trình “Mẹ đỡ đầu”, Hội LHPN huyện tin tưởng và hy vọng rằng, với sự giúp sức của những người mẹ đỡ đầu và sự quan tâm, chăm sóc của người thân trong gia đình, các bé sẽ được xoa dịu nỗi đau, có thêm điểm tựa vững chắc trong hành trình đi tới tương lai”, chị Mỹ Dung nhấn mạnh.
Bài, ảnh: MAI NGỌC
Hưởng ứng chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Trung ương Hội LHPNVN phát động, Hội LHPN huyện Xuyên Mộc đã rà soát và vận động các nguồn lực để nhận đỡ đầu các em mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi do dịch bệnh COVID-19… Đến nay, đã có 56 em được nhận đỡ đầu với mức hỗ trợ 500 ngàn đồng/tháng/em hoặc tặng sổ tiết kiệm, học bổng. Các ba/mẹ đỡ đầu ký cam kết hỗ trợ các em đến năm 18 tuổi hoặc hết năm học tùy theo khả năng của mình. |