Sáng 30/6, Bộ Chính trị tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) giai đoạn 2012-2022, với sự tham gia của gần 500 đại biểu dự họp trực tiếp và hơn 80.000 đại biểu dự họp trực tuyến tại các điểm cầu trong cả nước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Bà Rịa - Vũng Tàu. |
Tham dự tại điểm cầu Bà Rịa-Vũng Tàu có bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo PCTNTC tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành.
Kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao
Báo cáo tại hội nghị, ông Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC cho biết, trong 10 năm qua, cấp ủy, UBKT các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức Đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng hoặc liên quan đến tham nhũng.
Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 8 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng.
Qua công tác thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân sai phạm; kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 975.000 tỷ đồng, gần 76.000 ha đất, chuyển cơ quan điều tra 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm; kiến nghị xử lý hơn 2.000 văn bản pháp luật có sơ hở, bất cập.
Liên quan công tác thu hồi tài sản tham nhũng, theo Ban Nội chính Trung ương, cơ quan thi hành án dân sự các cấp đã thu hồi 61.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 34,7% (năm 2013, tỷ lệ này chỉ đạt dưới 10%). Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã thu hồi được gần 50 ngàn tỷ đồng, đạt tỷ lệ 41,3%.
Cuộc đấu tranh “không ngừng, không nghỉ”
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC đánh giá, hội nghị lần này có nhiều ý nghĩa rất quan trọng. Đây không chỉ nhìn lại 10 năm, mà cần cải tiến, tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh “không ngừng, không nghỉ”; làm trong sạch bộ máy Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị và trong sạch đội ngũ; từng bước mở rộng thêm phạm vi, nội dung của công tác PCTNTC. Nếu như trước đây chỉ phòng chống tham nhũng, lãng phí thì nay mở rộng từ lãng phí sang phòng, chống tiêu cực.
Nhìn lại công tác đấu tranh PCTNTC gian đoạn 2012 -2022, Tổng Bí thư cho rằng, công tác đấu tranh PCTNTC được Trung ương chỉ đạo quyết liệt bài bản. Điều đó đã tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa trong xã hội và thực sự trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược; được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ đánh giá cao, được bạn bè quốc tế ghi nhận. Qua đó, tham nhũng từng bước kiềm chế, ngăn chặn, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Tổng Bí thư cũng thẳng thắn thừa nhận công tác PCTN vẫn còn những hạn chế, tồn tại như một số bộ, ban, ngành, địa phương chưa có quyết tâm cao, chưa có sự chuyển biến mạnh. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn còn hạn chế. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát còn thấp. Tham nhũng, tiêu cực vẫn là một trong những “kẻ thù hung ác”, nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng, chế độ.
Từ thực tiễn đấu tranh PCTN ở nước ta thời gian qua, Tổng Bí thư chỉ rõ có thể rút ra nhiều bài học. Theo đó, tham nhũng thường diễn ra trong nội bộ, do người có chức, có quyền thực hiện. PCTN là cuộc đấu tranh ngay trong chính bản thân mỗi con người; phải có thái độ thật kiên quyết, không khoan nhượng và hành động thật quyết liệt, cụ thể, hiệu quả.
Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về những yếu kém, sai phạm về tham nhũng trong tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế và bất kể ai lạm dụng, lợi dụng quyền lực để trục lợi đều phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, phải xử lý cả hành vi tham nhũng và hành vi dung túng, bao che cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Tổng Bí thư chỉ đạo, tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy, cơ quan đơn vị có chức năng phòng, chống tiêu cực. Bên cạnh đó, xây dựng hoàn thiện cơ chế, đội ngũ cán bộ làm công tác PCTNTC thật sự có bản lĩnh, liêm chính không bị cám dỗ mua chuộc của những kẻ phạm tội; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán sớm phát hiện và xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng.
Trong 10 năm qua, các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 19.546 vụ/33.868 bị can, truy tố 16.699 vụ/33.037 bị can, xét xử sơ thẩm 15.857 vụ/30.355 bị cáo về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế. Trong đó, riêng tội phạm về tham nhũng đã khởi tố, điều tra 2.657 vụ/5.841 bị can, xét xử sơ thẩm 2.439 vụ/5.647 bị cáo.
Tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, theo báo cáo của Thanh Tra tỉnh, toàn tỉnh những năm qua đã ban hành 397 kết luận thanh tra hành chính, qua đó kiến nghị xử lý 107 vụ vi phạm về kinh tế, tổng số tiền sai phạm về kinh tế gần 510 tỷ đồng. Qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã chuyển cơ quan điều tra 16 vụ việc có dấu hiệu tội phạm về kinh tế, tham nhũng.
|
Bài, ảnh: BẠCH LONG