Sáng 22/6, Tỉnh ủy tổ chức hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW ngày 29/8/2005 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Kết luận số 27-KL/TW ngày 2/8/2012 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh và ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị (ảnh trên).
Các đại biểu dự hội nghị. |
Dự hội nghị còn có các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương.
Báo cáo của Tỉnh ủy tại hội nghị nêu rõ, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 53 và các quyết định của Trung ương về phát triển vùng Đông Nam Bộ, Bà Rịa-Vũng Tàu đã đạt nhiều thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội.
Cụ thể, quy mô kinh tế của tỉnh năm 2020 tăng gấp 3 lần so với năm 2005; GRDP đứng thứ 4, tổng thu ngân sách đứng thứ 2 trong vùng. Thu nhập bình quân của người dân cao nhất cả nước. Công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ đều có sự phát triển mạnh mẽ với mức tăng từ 2 đến 9 lần so với năm 2005. Kết cấu hạ tầng thiết yếu được đầu tư đồng bộ, hiện đại; giao thông kết nối vùng miền đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về công tác quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 53 của Bộ Chính trị và đề xuất một số kiến nghị, giải pháp tăng cường liên kết vùng. Trong đó tập trung vào các vấn đề như: đầu tư hạ tầng giao thông, cảng biển; phát triển sản phẩm du lịch, dịch vụ, hướng tới du lịch chất lượng cao; tăng cường chia sẻ thông tin vùng về phòng, chống thiên tai; công tác đào tạo nguồn nhân lực; phát triển các khu vực đô thị và vùng nông thôn…
Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại hội nghị. |
Kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh khẳng định, Nghị quyết số 53 đã đi vào cuộc sống, trở thành động lực quan trọng làm thay đổi bộ mặt đời sống kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của cả vùng Đông Nam Bộ và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng.
Bà Rịa - Vũng Tàu đã khẳng định được vai trò, vị thế và trách nhiệm trong việc chủ động triển khai các hoạt động hợp tác, liên kết với các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhất là địa phương liền kề như tỉnh Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh để phát huy những nguồn lực, lợi thế so sánh. Các địa phương trong Vùng đã thống nhất giải quyết nhiều khó khăn, vướng mắc, thách thức trong quá trình phát triển như: Hạ tầng giao thông kết nối, thu hút đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực, lao động, khắc phục tình trạng phân hóa giàu nghèo, an sinh xã hội, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, ứng phó với biến đổi khí hậu….
Mục tiêu đến năm 2030, Bà Rịa-Vũng Tàu phấn đấu trở thành địa phương phát triển trong nhóm dẫn đầu cả nước, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống người dân; nâng cao tỷ lệ ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế, nhất là dịch vụ du lịch, logistics; phát triển công nghiệp hóa dầu; xây dựng cụm Cảng Cái Mép - Thị Vải trở thành cảng cửa ngõ, trung chuyển quốc tế…
Tỉnh đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cơ bản: Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo nhiệm vụ quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1442/QĐ-TTg ngày 23/9/2020; chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, nông thôn đô thị sinh thái; tổ chức không gian lãnh thổ của tỉnh theo hướng “Hiệu quả, bao trùm và bền vững”, hình thành cơ cấu đô thị đa trung tâm, tạo động lực phát triển các vùng ngoại vi, góp phần giảm áp lực cho TP. Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đặc biệt là hệ thống giao thông liên kết vùng; huy động mọi nguồn lực, lựa chọn đầu tư có trọng điểm, tạo môi trường đầu tư ổn định; phát triển giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ, y tế, văn hóa; phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường mối liên kết với các địa phương vùng Đông Nam Bộ, khu vực phía Nam và quốc tế, phát huy vai trò cụm cảng Cái Mép - thị Vải; tăng cường công tác cải cách hành chính, bảo đảm quốc phòng, an ninh, chú trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Trên cơ sở đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thống nhất đề nghị Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045; trong đó tập trung vào 5 nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, với 3 đột phá chiến lược: Một là, đẩy mạnh và đổi mới phân cấp cho các địa phương trong liên kết, điều hành Vùng. Hai là, đến năm 2030, Cái Mép - Thị Vải trở thành Khu thương mại tự do với 3 chức năng: Cảng nước sâu trung chuyển quốc tế - logistics - hệ sinh thái công nghiệp công nghệ cao của cả vùng. Tiếp tục đầu tư cho Sân bay quốc tế Long Thành để trở thành cảng hàng không tầm cỡ thế giới, đạt công suất đến 100 triệu khách/năm. Ba là, đẩy nhanh quá trình chuyển đối số; hình thành liên kết đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao giữa các địa phương trong Vùng.
Tin, ảnh: ĐINH HÙNG - NHẬT LINH