.
TRƯỜNG SA - NƠI TÔI ĐẾN

Kỳ 4: Thầy thuốc quân y nơi đầu sóng

Cập nhật: 18:56, 26/05/2022 (GMT+7)

Bất kể nắng mưa, ngày hay đêm, mỗi lần có người trên đảo hay ngư dân bị đau ốm thì lực lượng quân y ở quần đảo Trường Sa đều có mặt kịp thời cứu chữa, chăm sóc người bệnh. 

Bác sĩ quân y Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa cấp cứu ngư dân bị nạn trên biển.
Bác sĩ quân y Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa cấp cứu ngư dân bị nạn trên biển.

Cấp cứu kịp thời cho ngư dân

Chúng tôi đến Trung tâm Y tế TT. Trường Sa đúng thời điểm các chiến sĩ khoác áo blouse trắng đang tất bật chuẩn bị cho việc cấp cứu thuyền viên tàu cá BTh 97775 TS Chương Văn Minh bị tai biến mạch máu não khi đánh bắt hải sản trên biển. 1 tổ cơ động đã có mặt tại cầu cảng đón bệnh nhân, tổ còn lại trong đảo sẵn sàng các loại dụng cụ, thuốc men cần thiết.

Bệnh nhân lúc mới đưa lên đảo trong tình trạng lơ mơ, không thể nói, liệt nửa người bên phải, huyết áp cao... Các y, bác sĩ nhanh chóng hội chuẩn, lên phác đồ điều trị để giữ mạng sống cho bệnh nhân. Sau gần 1 ngày được đội ngũ quân y tận tình cứu chữa và chăm sóc, sức khỏe bệnh nhân tiến triển tốt, tự cử động và ăn uống.

Bày tỏ sự cảm phục, biết ơn các y, bác sĩ trực tiếp cứu sống mình, bệnh nhân Chương Văn Minh xúc động nói: “Cơn đau đến bất ngờ và xảy ra ở giữa biển khơi, khiến tôi cảm thấy hoảng loạn. Tôi rất may mắn vì đã được lực lượng quân y trên đảo cấp cứu kịp thời và chăm sóc chu đáo, nhờ đó mới giữ được tính mạng”.

Cán bộ quân y đảo Sinh Tồn Đông chăm sóc sức khỏe chiến sĩ.
Cán bộ quân y đảo Sinh Tồn Đông chăm sóc sức khỏe chiến sĩ.

Tình nguyện ra đảo làm nhiệm vụ

Trò chuyện với các y, bác sĩ trên đảo Trường Sa lớn, chúng tôi được biết, các anh hầu hết đang là bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên của Bệnh viện Quân y 108, Bệnh viện Quân y 175 ở đất liền. Với tinh thần “Tất cả vì Trường Sa thân yêu”, các anh đã tình nguyện ra đảo làm nhiệm vụ.

Theo Đại úy, bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Quang Huy, Bệnh xá trưởng Bệnh xá đảo Trường Sa, trước khi ra đảo, lực lượng quân y được huấn luyện đa khoa, các kỹ năng cấp cứu, phẫu thuật dã chiến, phù hợp với đặc điểm bệnh lý nơi biển đảo. Đối với bác sĩ ngoại khoa sẽ tập trung huấn luyện với các chuyên ngành chấn thương bụng, sọ não, tai nạn cấp cứu, còn bác sĩ nội khoa tập trung huấn luyện vào hồi sức cấp cứu, tim mạch, tai biến, gây mê, xét nghiệm điện tim, siêu âm…

Quần đảo Trường Sa có hiện 10 trung tâm y tế, bệnh xá trên các đảo. Ngoài chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ, các bệnh xá còn là chỗ dựa tin cậy cho ngư dân khi ốm đau, gặp tai nạn trên biển. 

Chăm sóc vườn cây thuốc Nam trên đảo Trường Sa lớn.
Chăm sóc vườn cây thuốc Nam trên đảo Trường Sa lớn.

Vì địa lý cách trở, việc chuyển viện cho bệnh nhân trong những trường hợp bệnh nặng vào đất liền rất khó khăn, nên hiện các trung tâm y tế, bệnh xá ở quần đảo Trường Sa đều áp dụng hệ thống chuẩn đoán trực tuyến kết nối với vệ tinh Vinasat 1.

Khi có trường hợp cấp cứu bệnh nhân khó chẩn đoán, điều trị, các y, bác sĩ sẽ kết nối với bệnh viện Quân y 175 ở đất liền để các bác sĩ đầu ngành hướng dẫn chẩn đoán điều trị. Với trường hợp phẫu thuật, hệ thống kết nối 2 camera (1 camera toàn thể và 1 camera chiếu vào trường mình mổ) để các bác sĩ sẽ hướng dẫn từng đường kim mũi chỉ.

“Mỗi bệnh nhân vượt qua nguy kịch và khỏi bệnh là một động lực để các bác sĩ quân y ở Trường Sa tiếp tục nỗ lực, hoàn thành tốt nhiệm vụ của người bác sĩ - người lính nơi đầu sóng ngọn gió”, bác sĩ Nguyễn Quang Huy tâm sự.

Theo thống kê của Cục Hậu cần Hải quân, 30 năm qua, đã có hơn 150 chiến sĩ quân y từ đất liền vượt sóng gió trùng khơi đến quần đảo Trường Sa làm nhiệm vụ. Riêng từ năm 2012 đến nay, quân y Trường Sa đã khám, điều trị, cấp thuốc cho 6.000 lượt người, trong đó gần 3.000 lượt ngư dân; cấp cứu, phẫu thuật cho 40 ngư dân, 7 quân nhân làm nhiệm vụ tại các đảo.
Mới đây ngày 11/2/2022, trong lúc đang đánh cá trên biển, ngư dân Trần Văn Phụng (quê Quảng Ngãi) bị đau khắp ổ bụng. Khi được đưa vào Bệnh xá Đảo Song Tử Tây, anh sốt hơn 390C. Sau khi tiếp nhận và đánh giá ban đầu bệnh nhân, kíp quân y của Bệnh xá đảo Song Tử Tây đã nhanh chóng hội chẩn trực tuyến với các chuyên gia, bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Các bác sĩ ở 2 điểm cầu cùng lên phác đồ cứu chữa, điều trị và bệnh nhân đã giữ được tính mạng, tiếp tục hành trình đánh bắt trên biển.

Ngoài thời gian có bệnh nhân cần cấp cứu, chăm sóc, hàng ngày các y, bác sĩ vẫn cần mẫn nghiên cứu tài liệu hướng dẫn chữa trị các bệnh thường gặp, các loại virus, vi khuẩn trong môi trường biển. Đồng thời, học các mẹo trồng cây thuốc Nam để cứu chữa cho bệnh nhân bị nhím biển, cầu gai chích; cá đuối, sứa gây tổn thương...

“Sống giữa ngàn khơi, đối mặt với sóng gió hàng ngày nên đôi khi tôi bị nhức đầu, mỏi gối, hoa mắt, chóng mặt. Được các y, bác sĩ tận tình giúp đỡ bằng các phương thuốc dân gian từ vườn thuốc Nam, sức khoẻ của tôi luôn được bảo đảm”, chị Nguyễn Thị Phương Dung, người dân sinh sống tại TT. Trường Sa chia sẻ.

Bài, ảnh: MINH NHÂN

(Còn nữa)

.
.
.