TRƯỜNG SA - NƠI TÔI ĐẾN

Kỳ 2: Điểm tựa tinh thần nơi đảo xa

Thứ Ba, 24/05/2022, 20:23 [GMT+7]
In bài này
.

Giữa trùng dương mênh mông, tưởng chỉ có sóng gió, bão giông khắc nghiệt nhưng ở quần đảo Trường Sa còn có những ngôi chùa cổ kính. Đây không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh mà còn thờ tự những chiến sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Chùa Trường Sa là nơi linh thiêng, khẳng định Phật giáo có mặt và đồng hành cùng người dân vùng biển, đảo.
Chùa Trường Sa là nơi linh thiêng, khẳng định Phật giáo có mặt và đồng hành cùng người dân vùng biển, đảo.

Hướng về cội nguồn

Quần đảo Trường Sa có 9 ngôi chùa nằm trên các đảo Trường Sa lớn, Nam Yết, Sinh Tồn, Song Tử Tây, Sơn Ca, Phan Vinh... Tên các chùa cũng là tên của đảo nơi chùa tọa lạc. Có chùa được thành lập từ nhiều năm trước nhưng cũng có nơi mới xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 2021 như chùa Trường Sa Đông, chùa Đá Tây A. Tất cả đều mang kiến trúc đậm chất dân tộc, khoác lên mình vẻ thanh tịnh, uy nghiêm, trầm mặc. Tượng trong chùa được chế tác công phu bằng gỗ quý; hoành phi câu đối sơn son thếp vàng ghi lại hào khí của dân tộc.  Các chùa đều lấy giờ thỉnh chuông lúc 4 giờ 30 và 18 giờ chiều. Đặc biệt, sảnh chính diện của các chùa đều hướng về thủ đô Hà Nội - cội nguồn dân tộc.

Vừa kết thúc nghi lễ cầu an cho Đoàn công tác đến thăm đảo, Đại đức Thích Nhuận Đạt, trụ trì chùa Trường Sa lớn tranh thủ sắp xếp lại gian thờ. “Hàng ngày, vào các giờ cố định, tôi tiến hành cúng bái, làm lễ sám hối, cầu an. Những ngày rằm lớn hoặc các dịp Phật Đản, Vu Lan, tôi cũng tổ chức nhiều hoạt động với sự tham gia của các chiến sĩ trên đảo, và nhân dân cùng cầu nguyện những điều tốt đẹp”, Đại đức Thích Nhuận Đạt chia sẻ.

Tương tự, đảo Sinh Tồn cũng có ngôi chùa rợp bóng cây xanh, tọa lạc sát khu dân cư trên đảo với diện tích khoảng 500m2. Chùa mang dáng vẻ ngôi chùa làng điển hình đồng bằng Bắc Bộ với một gian hai chái, tường bao trổ hoa và khu vườn xinh xắn.

Chùa ở đảo Sinh Tồn cũng là điểm tựa tinh thần của nhiều ngư dân trên đảo và cả những ngư dân trong quá trình vươn khơi bám biển. Khi đánh bắt xa bờ, ở nơi đầu sóng ngọn gió, các ngư dân đều hướng về chùa để cầu bình an, thuận buồm xuôi gió, đánh bắt được nhiều cá, tôm.

Gắn bó với đảo Sinh Tồn từ năm 2018, chị Lữ Kim Cúc (quê huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) nói: “Xa quê hương, có được ngôi chùa để đến thắp hương, cúng bái là một điều rất hạnh phúc, giúp tôi thấy bình yên và ấm áp hơn”.

Nhân viên Trạm hải đăng An Bang lau chùi, bảo dưỡng đèn.
Nhân viên Trạm hải đăng An Bang lau chùi, bảo dưỡng đèn.

Ánh sáng chủ quyền

Cùng với những ngôi chùa linh thiêng, quần đảo Trường Sa còn 9 ngọn hải đăng tại các đảo Đá Tây, Đá Lát, Song Tử Tây, An Bang, Tiên Nữ, Trường Sa, Sơn Ca, Sinh Tồn và Nam Yết do Tổng Công ty Bảo đảm An toàn Hàng hải miền Nam quản lý. 

Bất kể nắng hay mưa, mùa biển lặng hay mùa bão tố và trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, những ngọn hải đăng này không bao giờ được tắt, giúp tàu thuyền đi đúng hướng, không bị mắc cạn hay vướng vào đá ngầm. Mỗi trạm hải đăng thường biên chế từ 4-6 người. Ngoài thay nhau trực 24/24, cứ 8 giờ sáng và 15 giờ chiều, anh em trực trạm phải thông tin về trung tâm ở đất liền tình hình tàu thuyền qua vùng biển và thời tiết ở khu vực.

Đèn hải đăng chạy điện năng lượng mặt trời và tự động bật tắt khi trời tối nhưng luôn phải bảo đảm máy nổ, máy phát điện vận hành bình thường trong mọi điều kiện, nhất là mưa, bão kéo dài. Theo anh Nguyễn Long Tuấn (nhân viên Trạm hải đăng An Bang), mỗi lần có thông tin áp thấp nhiệt đới hoặc bão, điều đầu tiên các anh làm là khẩn trương chằng chống ngọn hải đăng, tuyệt đối giữ ngọn đèn không tắt để bà con ngư dân quan sát tránh bão.

Còn anh Ngô Mạnh Tấn, nhân viên Trạm Hải đăng đảo Đá Tây cho biết, ngoài thời điểm hoạt động (từ 17 giờ 30 ngày hôm trước đến 5 giờ 30 sáng hôm sau), nhân viên phải vệ sinh đèn chính, đèn phụ, bên trong, bên ngoài lồng kính, đồng thời kiểm tra hệ thống máy móc, ắc quy, máy phát để chống gỉ cho các bộ phận. “Nhiều hôm nắng cháy da và gió rát mặt nhưng chúng tôi vẫn phải leo lên đỉnh cột đèn, cao từ 20-40 mét để bảo dưỡng”, anh Tấn tâm sự.

Khó khăn, vất vả thì không kể hết nhưng với tình yêu biển, đảo quê hương, những nhân viên gác đèn luôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ để những ngọn hải đăng luôn bừng sáng giữa muôn trùng sóng gió. Nhờ đó dẫn đường, chỉ lối cho tàu thuyền hoạt động an toàn trong đêm tối, đồng thời khẳng định cột mốc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

(Còn nữa)

Bài, ảnh: MINH NHÂN

;
.