KỶ NIỆM 47 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4)

Ký ức hào hùng

Thứ Năm, 28/04/2022, 18:41 [GMT+7]
In bài này
.

Chàng thanh niên năm 19 tuổi với gương mặt ngời sáng, đôi mắt to, tròn, đen lay láy, ánh lên niềm vui cùng nụ cười tươi. Đó là khoảnh khắc ghi lại trong bức ảnh đen trắng của người lính Phạm Quang Lập (Sư đoàn 3 Sao Vàng) sau khi cùng đồng đội đánh thắng giặc, giải phóng Vũng Tàu năm 1975. 

 Đại diện Sư đoàn 3 Sao Vàng thăm và chụp ảnh lưu niệm tại Bia Ghi công các Anh hùng Liệt sĩ trong trận đánh Palace, giải phóng Vũng Tàu.
Đại diện Sư đoàn 3 Sao Vàng thăm và chụp ảnh lưu niệm tại Bia Ghi công các Anh hùng Liệt sĩ trong trận đánh Palace, giải phóng Vũng Tàu.

Mỗi dịp lễ 30/4, ông Phạm Quang Lập, hiện là đại diện Ban Liên lạc Sư đoàn 3 Sao Vàng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh, thường ngắm kỹ lại bức ảnh một thời trai trẻ chinh chiến ở chiến trường BR-VT, lòng bồi hồi xúc động, nhớ về những ngày tháng khói lửa cùng đồng đội.

Ông Phạm Quang Lập, nhớ lại: Nhận được lệnh cấp trên tiến vào giải phóng BR-VT, ông và đồng đội thuộc Sư đoàn 3 Sao Vàng hành quân xuyên đêm 25/4/1975. Băng qua những cánh rừng cao su bạt ngàn ở Cẩm Mỹ (Đồng Nai), mờ sáng 26/4, ông cùng đồng đội đặt chân đến Châu Pha.

“Khác với các chiến dịch trước, thường nổ súng vào rạng sáng. Chiến dịch này, Sư đoàn được lệnh tiến công địch vào chập choạng tối. Đúng 17 giờ, ngày 26/4, pháo binh khai trận, bắt đầu cuộc chiến giải phóng BR-VT. 19 giờ, quân ta bắt đầu tiến công vào Bà Rịa”, ông Lập nói.

Từ nhiều mũi tiến công như ở Núi Dinh, Hòa Long, quân ta liên tục bắn xối xả vào địch. Tiếng súng, pháo, xe tăng dồn dập khiến bọn địch hoảng loạn. Trưa 27/4, Bà Rịa hoàn toàn giải phóng. Một lá cờ lớn tung bay lồng lộng trên tháp nước ở trung tâm Bà Rịa.

Tiếp đó, Sư đoàn khẩn trương bước vào giai đoạn 2: Vượt cầu Cỏ May, giải phóng Vũng Tàu. Cầu Cỏ May là một mục tiêu hiểm yếu, địa hình rất phức tạp. Để dành ưu thế, địch liên tục nã súng 80-100 ly, súng 12 ly 7 xối xả xuống mặt sông, bố trí xe tăng, xe bọc thép trấn giữ cầu. Nhằm ngăn chặn quân ta, ngày 28/4/1975, địch cho đánh sập cầu Cỏ May. Trước tình hình đó, quân ta cho 1 trung đoàn thuộc Sư đoàn 3 Sao Vàng hành quân từ Bà Rịa xuống Long Hải, vượt sông Cửa Lấp tấn công sang Vũng Tàu.

Đại diện Sư đoàn 3 Sao Vàng thăm và tặng quà bà Nguyễn Thị Bảy (21/8, Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP. Vũng Tàu), vợ của liệt sĩ Trương Ngọc - hy sinh trong trận đánh Palace.
Đại diện Sư đoàn 3 Sao Vàng thăm và tặng quà bà Nguyễn Thị Bảy (21/8, Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP. Vũng Tàu), vợ của liệt sĩ Trương Ngọc - hy sinh trong trận đánh Palace.

Sáng 29/4/1975, Tiểu đoàn 3 tổ chức vượt sông, đánh chiếm, làm bàn đạp cho Trung đoàn. Tuy nhiên, Tiểu đoàn 3 gặp bất lợi tại cầu Cỏ May, thì ở hướng Đông Nam, Trung đoàn 12 được ghe của ngư dân Phước Tỉnh chuyển quân vượt Cửa Lấp thành công, nên Trung đoàn 12 được giao đảm nhiệm hướng tiến công chủ yếu. Quân của Sư đoàn 3 Sao Vàng từ Phước Thành vòng lên, từ Bến Súc, Trại Nhái đánh úp vào, hỗ trợ cho quân ở hướng cầu Cỏ May, cô lập địch ở tuyến phòng thủ Cỏ May với trung tâm thành phố. Với yếu tố bí mật, bất ngờ, trong khi đó, địch tin chắc rằng, có eo biển, đầm lầy án ngữ, vậy nên chúng không kịp trở tay. Khoảng 10 giờ 30 phút, ngày 30/4/1975, Sư đoàn 3 Sao Vàng xóa sạch hoàn toàn cứ điểm của địch ở cầu Cỏ May, tạo khí thế cho quân ta tiến về quyết chiến trận cuối cùng để giải phóng Vũng Tàu.

Sau khi phòng tuyến cầu Cỏ May bị phá vỡ, địch rút về co cụm tại khách sạn Palace (Bãi Trước), chờ tàu biển vào đón để rút chạy. Chúng nhốt thường dân ở tầng dưới làm lá chắn để cản sức tiến công của ta. Mờ sáng 30/4/1975, Tiểu đoàn 6 phát loa kêu gọi nhưng địch vẫn không chịu đầu hàng. Trực tiếp chỉ huy trận đánh, Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 2, Sư đoàn Sao Vàng Nguyễn Hồng Sơn ra lệnh cho hỏa lực bắn liên tục 30 phút, chi viện cho bộ đội vượt tường vào tiếp cận, dùng lựu đạn phá cửa tầng dưới, đưa đồng bào ta ra ngoài, sau đó, luồn qua các đường hẻm đánh vào bên sườn khách sạn.

Song song đó, một cánh quân được nhân dân dẫn đường, đã chiếm lĩnh điểm cao từ phía núi Nhỏ. Đại đội hỏa lực của Tiểu đoàn 6 dùng khẩu DKZ75 ly bắn qua cửa sổ khách sạn, rồi đồng loạt xung phong đánh chiếm từng tầng lầu. Không chịu nổi sức ép ngày càng tăng địch đành kéo cờ trắng và phát loa xin đầu hàng. Đến 11 giờ, ngày 30/4/1975, Vũng Tàu hoàn toàn giải phóng.

“Chúng tôi tiếp tục ở lại Vũng Tàu làm nhiệm vụ quân quản, giúp dân ổn định cuộc sống. Đến ngày 15/5, tôi cùng đồng đội tham gia lễ mít tinh mừng chiến thắng ở Sân bay Vũng Tàu. Lúc đó, chúng tôi vinh dự được đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm và động viên Sư đoàn. Niềm hạnh phúc lâng lâng, khó tả”, ông Phạm Quang Lập cho biết thêm.

Bài, ảnh: THI PHONG

 

;
.