KỶ NIỆM 47 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4)

Nhớ những ngày tháng Tư rực lửa

Thứ Năm, 28/04/2022, 18:40 [GMT+7]
In bài này
.

Tháng Tư về gợi nhắc bao kỷ niệm đẹp, hào hùng về một thời hoạt động kháng chiến của bà Nguyễn Thị Kim Oanh (71 tuổi, sống tại 94, Xô Viết Nghệ Tĩnh, TP. Vũng Tàu), người may cờ giải phóng giữa lòng Vũng Tàu ngày ấy.

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh lưu giữ cuốn sổ cắt may cờ giải phóng làm kỷ niệm.
Bà Nguyễn Thị Kim Oanh lưu giữ cuốn sổ cắt may cờ giải phóng làm kỷ niệm.

Tuổi thơ bất hạnh

Một sáng sớm, mẹ đưa cho cô bé Oanh mấy chiếc bánh và dặn “ở nhà chơi với em ngoan để mẹ đi chợ mua đồ ăn về nấu cơm nhé”. Mấy chị em Oanh ngoan ngoãn vâng lời, ngóng theo bóng mẹ khuất dần trước ngõ, nách kẹp theo chiếc rổ tre. Đang chơi đùa với em, mấy tiếng sau, người dân đến báo tin “mẹ đã bị giặc giết rồi”. 4 chị em bỗng thành trẻ mồ côi.

Khi đó, bà Oanh vừa lên 10, chị cả chỉ mới 13 tuổi, em kế 7 tuổi và em út hơn 3 tháng tuổi. Mấy chị em hoảng hốt, bơ vơ, bà Oanh khóc vì nhớ mẹ và thương em còn khát sữa. “Chúng theo dõi đã lâu, biết ba tôi đi làm cách mạng, chúng rắp tâm giết mẹ để dụ ba về thăm con rồi sẽ giết luôn. Mấy đêm liền, có mấy lính ngụy đứng trước cổng, giả vờ nói “ba đã về rồi, mở cổng cho ba nè con”, bà Oanh quặn lòng khi nhớ lại nỗi ám ánh đó.

4 chị em được bà ngoại cưu mang, chăm bẵm. Sinh sống ở Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh), năm 1965, bà ngoại đưa mấy chị em sang Vũng Tàu sinh sống. Cũng năm đó, ba bà Oanh hy sinh khi hoạt động tại chiến trường Bà Rịa.

Thương bà già yếu, còn bận cảnh nuôi cháu nheo nhóc, một gia đình tốt bụng ở Vũng Tàu đã nhận bà Oanh làm con nuôi. Mẹ nuôi bà Oanh cũng là người hoạt động cách mạng. Căm phẫn giặc giết mẹ, lại thương ba hy sinh khi hoạt động cách mạng, bà Oanh luôn nung nấu ý chí sẽ theo con đường cách mạng để góp sức đánh giặc.

Quyết chí đi theo cách mạng

Được sự dẫn dắt của mẹ nuôi, cùng người dân địa phương, từ năm 1968, bà Oanh tích cực tham gia hoạt động đưa thư, rải truyền đơn, dẫn bộ đội đi cơ sở. Bà được ông Trần Văn Khánh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy tin tưởng, quý mến và thường được giao nhiệm vụ liên lạc với bộ đội để trao đổi thông tin. Bà cũng được ông Trần Văn Khánh đặt bí danh là Kim Xuân cho tiện hoạt động cách mạng.

Để che giấu, bà Oanh giả vờ yêu và nhận làm vợ với một lính ngụy tên là Đức, làm nhiệm vụ canh gác ở ngọn Hải Đăng Núi Nhỏ. Trong xóm, không ai hay biết rằng, bà Oanh đã có chồng chính thức là ông Vũ Anh Miệu đang hoạt động ở Long Sơn, trừ gia đình cùng vài người thân thiết.

Một hôm, tên Đức gặp bà Oanh, ngỏ ý: “Tàu đang đậu ngoài kia để sẵn sàng chở bọn anh đi. Hay là em đi với anh”. Khi ấy là những ngày cuối tháng Tư rực lửa. Những tên lính ngụy đã biết tình thế không thể trụ lâu ở cuộc chiến này nữa, khi quân ta đã giành thế áp đảo trên chiến trường. Khước từ tên lính ngụy, nhưng bà Oanh vẫn vui vẻ nhận một tấm hình kỷ niệm mà tên Đức tặng.

Xông xáo rất nhiều việc, nhưng một trong những kỷ niệm đẹp thời kháng chiến của bà Oanh là may cờ giải phóng. Giữa tháng 4/1975, bà Oanh nhận được tin chuẩn bị mọi việc để giải phóng quê hương. Ngoài nhiệm vụ vận động người dân đào hầm trú ẩn an toàn phòng khi quân địch nổ bom, súng dồn dập, vận động bà con góp gạo, thóc để nuôi quân, bà Oanh còn được giao nhiệm vụ may cờ giải phóng, sẵn sàng mừng chiến thắng.

Bà Oanh cùng 4 người thạo may, đêm đêm chong đèn dưới hầm nhà mẹ nuôi bà Oanh may cờ. “Không dễ gì làm được liên tục. Để tránh bị phát hiện, tôi ra chợ Vũng Tàu (chợ cũ) mua lần ít mảnh vải. Vậy mà sau 2 tuần, chúng tôi đã may được cả ngàn lá cờ”, bà Oanh nhớ lại. Cờ được bà Oanh vận động chị em phụ nữ, lực lượng thanh niên phân phát cho các khu dân cư trên địa bàn Vũng Tàu để sẵn sàng mừng chiến thắng.

Những ngày cuối tháng Tư, bà Oanh còn tổ chức cho chị em phụ nữ, thanh niên đi xóa cờ 3 sọc của bọn ngụy vẽ trên các bờ tường, hàng rào. Bắt đầu từ 8 giờ 30, ngày 30/4, những lá cờ giải phóng dài 1,6m, rộng 1,4m bay phấp phới tại các cơ sở của địch ở Vũng Tàu, nhiều nhất là ở khu vực Bãi Trước, mừng chiến thắng của quân ta, mừng Vũng Tàu giải phóng. “Tôi reo vui với người thân, bạn bè, “mừng quá, ta được sống trong hòa bình rồi”. Đó cũng là những ngày tháng không thể nào quên”, bà Oanh xúc động nói.

Bài, ảnh: CẨM NHUNG

Sau giải phóng, bà Oanh được giao nhiệm vụ Trưởng Ban Nhân dân Xóm Rẫy. Bà vận động người dân góp gạo, thức ăn, vận động chị em phụ nữ nấu cơm cho bộ đội. Gầy dựng lực lượng thanh niên, phụ nữ, để tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước. Từ năm 1982-1997, bà trải qua nhiều vị trí như: Hội trưởng Hội Phụ nữ Thắng Tam, Phó Chủ tịch UBND phường 8. Từ năm 1997, bà đảm nhận vai trò Trưởng Phòng Nội vụ - LĐTBHX TP. Vũng Tàu cho đến lúc nghỉ hưu (năm 2006).

 

 

;
.