“Hơn 10 năm nay, từ lúc nghỉ hưu vào năm 2011, hằng năm tôi vẫn luôn thực hiện lời hứa với lòng là ra Côn Đảo vào ngày 20/6 để làm cúng giỗ cho các tiền nhân, anh hùng, liệt sĩ đã nằm xuống ở mảnh đất thiêng và thăm lại nơi mình từng gắn bó. Nhưng năm nay, lễ giỗ được tổ chức vào đúng dịp Giải phóng Côn Đảo…” - Trung tướng, Anh hùng LLVTND Châu Văn Mẫn (72 tuổi, nguyên Phó Tổng Cục Xây dựng lực lượng, Bộ Công an) tâm sự về kế hoạch chuyến đi Côn Đảo của mình và đồng đội vào dịp kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975) và Giải phóng Côn Đảo (1/5/1975) lần này.
Trung tướng, Anh hùng LLVTND Châu Văn Mẫn gần gũi, dung dị trong đời thường. |
Những ngày “nếm mật nằm gai”
Đã nhiều lần được gặp và trò chuyện với Trung tướng Châu Văn Mẫn và lần nào tôi cũng đều có chung cảm nhận về sự thân tình và đáng kính ở ông. Mới đây thôi, vào tháng 1/2022, ông vừa trải qua ca phẫu thuật bắc cầu mạch vành tim do căn bệnh xơ vữa mạch vành. Tổng cộng ông đã từng đặt 8 stent và bắc 2 cầu mạch vành. Thế nhưng trong trái tim còn không khỏe ấy vẫn luôn “nóng” với những người đồng đội xưa. Dù có ở tuổi xưa nay hiếm, sức khỏe cũng giảm sút bởi tuổi tác và do những vết thương trở trời đau nhức bởi di chứng của chiến tranh, Trung tướng Châu Văn Mẫn luôn khát khao được trở về nơi đã sinh ra mình lần thứ hai – Côn Đảo, vùng đất vốn được mệnh danh “địa ngục trần gian” từng ôm vào lòng những người đồng đội của ông, những người chiến sĩ cách mạng trung kiên.
Trung tướng Châu Văn Mẫn chụp hình tại bia lưu niệm liệt sĩ Trại 6B Nhà tù Côn Đảo. |
Sống trong đại gia đình làm cách mạng, từ bà nội, các chú, bố và anh trai, nên tính cách, hành động, lối sống của tướng Châu Văn Mẫn ngay từ nhỏ đã có lý tưởng và định hướng rõ ràng. Ông kể, đầu năm 1965 khi vừa tròn 15 tuổi, ông thường đeo bám các chiến sĩ vào dinh điền Thăng Trị, cách quận lỵ của địch khoảng chừng 5 cây số. Từ đây, chàng thanh niên Châu Văn Mẫn đã có những trải nghiệm đầu tiên của cuộc đời hoạt động cách mạng.
Theo gia đình đi vào vùng địch gầy dựng cơ sở, dưới vỏ bọc công nhân đồn điền cà phê, chàng thanh niên Châu Văn Mẫn đã thu thập được nhiều tin tức tình hình địch trong các địa bàn đặc biệt quan trọng ở chiến trường Tây Nguyên. Ông nỗ lực trong các công tác tuyên truyền giáo dục cách mạng cho nhân dân, xây dựng lực lượng cơ sở cách mạng trong vùng địch kiểm soát, trấn áp bọn tề điệp trong vùng địch, nắm danh sách những tên thám báo, chỉ điểm, để cấp trên kịp thời có biện pháp xử lý, tạo điều kiện cho phong trào đấu tranh của nhân dân địa phương phát triển. Tuy nhiên, trong một lần gặp gỡ cơ sở bí mật tại vùng địch kiểm soát, Châu Văn Mẫn bị địch bắt, giam giữ tại nhà tù Buôn Mê Thuột đúng vào ngày đầu tiên của năm 1970.
“Thành phần ngoan cố, khai báo nhỏ giọt, man khai nhiều lần”, địch đã ghi như thế vào bản cung của tôi - Trung tướng Châu Văn Mẫn nhớ lại. Đúng như thế, chúng chỉ ghi nhận được việc ông tham gia đào đường, chở muối gạo, treo cờ cách mạng. Còn hoạt động của ông, của đoàn thể, nơi các chiến sĩ cộng sản nằm vùng, nơi cất giấu tài liệu… chúng không khai thác được gì. Rồi những vụ thẩm vấn với nhiều biện pháp nhục hình tra tấn dã man, từ đánh đập, gí điện, nhấn nước... đến mua chuộc, dụ dỗ moi thông tin đều không có kết quả. Địch đã chuyển ông từ Buôn Mê Thuột đến trung tâm cải huấn Côn Sơn (Côn Đảo), nơi được coi là “địa ngục trần gian”.
Với người tù chính trị - chiến sĩ cách mạng Châu Văn Mẫn, đây cũng là giai đoạn thử thách ác liệt, giai đoạn đấu tranh cách mạng mới trong “trường học lớn của người cộng sản”. Ông bị giam ở phòng giam số 13 Trại 6A. Sau đó, địch thanh lọc ông cùng 800 tù nhân ở các trại đưa về tập trung giam giữ tại Trại 6B để thực hiện âm mưu mở lớp thí điểm tâm lý chiến Côn Sơn. Từ cuối năm 1971 - 1974, ông bị địch giam giữ tại Phòng giam số 9 của Trại 6B. Những cuộc đấu tranh bền bỉ, quyết liệt ngay trong nhà tù địch, các tù chính trị câu lưu, dành quyền tự quản Trại 6B hình thành một “lõm giải phóng” trong chốn ngục tù. Cuộc đấu tranh của anh em tù chính trị trong “lõm giải phóng” góp một phần quan trọng vào ngày giải phóng Côn Đảo.
“Đêm 30/4/1975, được lực lượng yêu nước bên ngoài báo tin và hỗ trợ mở cửa nhà lao, Đảng ủy Lưu Chí Hiếu nhanh chóng nắm bắt thời cơ, xác định vai trò lịch sử, quyết định mở rộng thành phần, chuyển thành Đảo ủy lâm thời, tiến hành lãnh đạo giải phóng hoàn toàn các trại giam trong đêm, kết thúc 113 năm địa ngục trần gian”, Trung tướng Châu Văn Mẫn kể.
Trung tướng Châu Văn Mẫn và cựu tù Côn Đảo chụp ảnh lưu niệm trong một chuyến ra thăm Côn Đảo. |
Sưởi ấm những người ngã xuống ở vùng đất thiêng
Trung tướng Châu Văn Mẫn nhớ lại, ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam (30/4/1975) cũng là ngày chấm dứt chế độ lao tù khắc nghiệt nơi địa ngục trần gian Côn Đảo. Mặc dù xa cách quê hương, gia đình đã lâu và trải qua 5 năm bị giam cầm dưới chế độ lao tù khốc liệt, nhưng đáp lời kêu gọi của tổ chức Đảng, ông Châu Văn Mẫn đã cùng 156 tù chính trị tình nguyện ở lại Côn Đảo phục vụ nhiệm vụ cách mạng.
Lễ Giỗ các Anh hùng Liệt sĩ và Đồng bào yêu nước đã hy sinh tại nhà tù Côn Đảo Lần thứ XI năm 2022 được tổ chức trong 2 ngày (30/4 và 1/5/2022) tại Côn Đảo nhằm tôn vinh hơn 2 vạn đồng bào yêu nước, các anh hùng, chí sĩ, liệt sĩ đã vì nước bỏ mình trên đất thiêng Côn Đảo trong suốt 113 năm (1862-1975) đồng thời Kỷ niệm 47 năm ngày giải phóng Côn Đảo (1/5/1975-1/5/2022).
Trong chương trình, sáng 30/4, tại Nghĩa trang Hàng Dương sẽ diễn ra Lễ tưởng niệm tiền nhân, anh hùng, liệt sĩ đã bỏ mình trên Côn Đảo; dâng hương tại Đài tưởng niệm và tại các mộ anh hùng, liệt sĩ. Tiếp đó là Lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh tại Trại I – 6B (Trại Phú An); Lễ tưởng niệm 51 chiến sĩ cách mạng bị giặc Pháp xử bắn giai đoạn 1947-1953 tại Bãi bắn Mũi Lò Vôi. Ngày 1/5 sẽ diễn ra Lễ Giỗ chính thức với nghi thức cúng Giỗ tại khuôn viên Đền thờ Côn Đảo.
|
Những ngày đầu Côn Đảo giải phóng, xen giữa niềm vui, niềm hạnh phúc là khó khăn chồng chất về xử lý công việc, kiện toàn bộ máy tổ chức. Suốt 5 năm, người chiến sĩ Châu Văn Mẫn hoạt động sôi nổi trong Ban An ninh Côn Đảo. Từ một anh lính bồng súng gác cổng, ông mày mò tập đánh máy và ông là người đầu tiên biết đánh máy ở Ban An ninh Côn Đảo lúc bấy giờ. Sau đó, ông chuyển sang làm cán bộ đánh máy rồi Trưởng Ban Văn thư, nhận trách nhiệm đào tạo cho 7 cán bộ trẻ từ đất liền ra. Trải qua nhiều trọng trách công tác khác nhau, ông giữ đến chức Phó Công an huyện Côn Đảo, được cử vào đất liền học trường bổ túc sĩ quan ở phía Nam. Học xong, ông được điều về làm Phó Phòng Bảo vệ chính trị, Công an đặc khu. Trải qua quá trình phấn đấu, ông được đề bạt làm Giám đốc Công an tỉnh BR-VT; sau đó được cấp trên chuyển ra Hà Nội nhận nhiệm vụ Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND và nghỉ hưu vào năm 2011. Tháng 10/2011, ông vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.
Trung tướng Châu Văn Mẫn cùng các cựu tù Côn Đảo về thăm lại Nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo. |
Những ngày tháng về hưu, ông vẫn không lúc nào ngơi nghỉ và thường tìm về những vùng đồng bào khó khăn ở quê hương Quảng Nam, giúp đỡ gia đình đồng đội, trẻ em nghèo. Đặc biệt, tâm tưởng Trung tướng Châu Văn Mẫn luôn hướng về Côn Đảo, nơi mà thời trai trẻ của ông đã gửi lại. Ông may mắn cùng một số đồng đội trở về để cả đời trăn trở và canh cánh với người nằm lại. Máu xương của đồng đội ông phải được ghi nhận, được tôn thờ bằng những nghĩa cử cao đẹp nhất của những người còn sống. Do vậy, năm nào ông cũng về Côn Đảo, có năm vài lần để sưởi ấm những người yêu nước và các chiến sĩ đã ngã mình trên mảnh đất thiêng.
Trung tướng Châu Văn Mẫn trao tặng Bảng tượng trưng hoàn thành xây mới ngôi nhà tình thương và tặng quà cho gia đình ông Nguyễn Ngọc Ánh, đang sinh sống tại TT. Ngãi Giao, huyện Châu Đức, ngày 24/12/2021. Ảnh: BẢO KHÁNH |
Trung tướng Châu Văn Mẫn trao tặng bảng tượng trưng hoàn thành sửa chữa ngôi nhà cho gia đình bà Nguyễn Thị Hai, hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: BẢO KHÁNH |
Ông cùng tập thể anh em cựu tù chính trị Trại 6B dựng được tấm bia lưu niệm nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập Đảng bộ Lưu Chí Hiếu trại 6B - Côn Đảo (3/2/1972- 3/2/2012) để ghi nhớ cuộc đấu tranh bền bỉ, quật cường của những chiến sĩ gan thép, kiên trung. Niềm mong ước của ông và đồng đội là tên tuổi tất cả liệt sĩ sẽ được lưu danh lên bia, để anh linh các anh được sưởi ấm bằng nén nhang ngát tình đồng đội, nặng nghĩa quân dân.
“Thực sự, khi làm được những công việc này, trong lòng tôi cảm thấy rất vui. Chúng tôi cảm thấy ấm lòng vì giờ đây Côn Đảo đã trở thành một địa chỉ du lịch tâm linh của đồng bào cả nước. Tại nghĩa trang Hàng Dương, có hàng ngàn ngôi mộ của các chiến sĩ đã hy sinh để bảo vệ Tổ quốc. Những ngọn đèn năng lượng mặt trời trên ngôi mộ của các anh đêm đêm vẫn tỏa sáng. Nơi đó, hằng ngày những người dân thập phương cả nước vẫn đến viếng các anh, viếng chị Võ Thị Sáu, người con gái Đất Đỏ anh hùng đã hy sinh khi tuổi đời còn quá trẻ, nhưng ánh hào quang của chị vẫn tỏa sáng cho bao thế hệ mai sau”, Trung tướng Châu Văn Mẫn bộc bạch.
Trong từng kỷ niệm ùa về, mỗi lần đặt chân đến Côn Đảo, ông thầm nói với đồng đội rằng, ký ức ấy, chưa bao giờ nguôi quên trong trái tim ông cũng như những người ở lại…
Bài, ảnh: HUYỀN TRANG