Sáng 13/4, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị phản biện xã hội Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở bằng hình thức trực tuyến trên toàn quốc.
Ông Trần Văn Lợi, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu BR-VT. |
Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở gồm 7 chương, 74 điều được đưa ra lấy ý kiến phản biện xã hội trên phạm vi toàn quốc. Trong đó, Dự thảo Luật đề cập tới các nội dung quan trọng như: thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; trong cơ quan, đơn vị; DN; quy định trách nhiệm tổ chức thực hiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Đặc biệt, Dự thảo Luật có những điểm mới như: bổ sung nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở; quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của công dân, CB, CC, VC, NLĐ trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; quyền khiếu nại, khởi kiện, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật và nghĩa vụ kịp thời phản ánh, kiến nghị, báo cáo cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; quy định quyền nhân dân được đề xuất nội dung đưa ra để nhân dân bàn và quyết định; ý thức của cộng đồng dân cư, thôn, tổ dân phố; trách nhiệm giải trình của cơ quan cấp xã trong quá trình ban hành quy định hành chính bất lợi cho công dân và liên quan tới lợi ích của cộng đồng.
Tại BR-VT, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã tổ chức 69 hội nghị lấy ý kiến đối với dự thảo Luật với 78.342 người tham gia, có 85 ý kiến đóng góp của các cá nhân, đơn vị với 31 điều của Dự thảo Luật.
Các đại biểu tham dự hội nghị đã đóng góp ý kiến để hoàn thiện Dự thảo Luật như: cần quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, nghĩa vụ của nhân dân trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; bổ sung, quy định rõ quyền, trách nhiệm thanh tra nhân dân; hình thức kỷ luật đối với cá nhân, tập thể chính quyền cơ sở trong chậm thực hiện hoặc không thực hiện những nội dung liên quan đến tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.
Ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu, ông Lê Tiến Châu khẳng định, các đề xuất, góp ý rất thiết thực, đại diện cho tiếng nói của các giới, tầng lớp nhân dân. Dự thảo Luật sau khi được lấy ý kiến góp ý bổ sung và được thông qua, thực hiện tốt sẽ góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền; là cơ sở pháp lý đẩy mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Tin, ảnh: THI PHONG