KỲ HỌP BẤT THƯỜNG LẦN THỨ NHẤT, QUỐC HỘI KHÓA XV: Xem xét quyết định nhiều vấn đề quan trọng, cấp bách

Thứ Ba, 04/01/2022, 20:03 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng 4/1/2022, Kỳ họp bất thường thứ Nhất, Quốc hội khóa XV đã khai mạc trọng thể theo hình thức trực tuyến qua cầu truyền hình từ Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội đến 62 Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Phiên họp diễn ra từ ngày 4 đến 11/1.

Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, lãnh đạo các cơ quan hữu quan đã trình bày 4 Tờ trình dự thảo và 4 Báo cáo thẩm tra về các nội dung.

Sớm phục hồi kinh tế, bảo đảm tái tạo nguồn thu
Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh BR-VT điều hành thảo luận tổ tại Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh. Ảnh: MINH THIÊN
Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh BR-VT điều hành thảo luận tổ tại Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh. Ảnh: MINH THIÊN
Chiều 4/1, ĐBQH thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Đoàn ĐBQH tỉnh đã tham gia thảo luận tại tổ dưới sự điều hành của bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh.
Tại buổi thảo luận, các ĐBQH tỉnh cơ bản thống nhất việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét ban hành và triển khai Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi phát triển kinh tế kịp thời, nhằm tạo sự đột phá, triển khai nhanh, đúng đối tượng, giúp sớm phục hồi nền kinh tế đất nước sau đại dịch COVID-19.
Các đại biểu đã nghiên cứu và đóng góp ý kiến đề xuất Quốc hội, Chính phủ cần đẩy nhanh tiến độ bao phủ vắc xin phòng COVID-19 mũi thứ 3; đặc biệt là cho công nhân, người lao động nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất, phục hồi kinh tế; đồng thời cần tính toán đến việc sản xuất vắc xin trong nước để chủ động nguồn vắc xin ứng phó với dịch bệnh, nhất là trước nguy cơ dịch bùng phát do biến chủng mới của virus SARS-CoV-2.
Bên cạnh các chính sách hỗ trợ DN, người lao động để phục hồi phát triển kinh tế kịp thời, các đại biểu đã đề xuất một số giải pháp chống thất thu, trốn thuế, trục lợi chính sách; tăng thu thuế ở một số lĩnh vực (bất động sản, kinh doanh nền tảng số…) nhằm tăng nguồn tài chính cho ngân sách nhà nước; cân nhắc phương án bảo đảm tái tạo nguồn thu, để giảm nhẹ gánh nặng thâm hụt ngân sách nhà nước.
Về đầu tư kết cấu hạ tầng, đối với dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đại biểu Nguyễn Thị Yến đề nghị Quốc hội quan tâm, cân nhắc nên sử dụng nguồn vốn đầu tư công theo chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội để triển khai dự án này. Bởi dự án có vai trò rất lớn trong kết nối hệ thống hạ tầng giao thông đa phương thức giữa cụm cảng Cái Mép - Thị Vải với các vùng và liên vùng; mang lại hiệu quả phát triển kinh tế, xã hội cao không những cho tỉnh, khu vực, vùng và cả nước mà còn mang lại lợi thế cạnh tranh trên thế giới.

 

 

291 ngàn tỷ đồng cho phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đã trình bày tờ trình dự thảo nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Chương trình gồm 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu gắn với quy mô thực hiện từng gói, với tổng giá trị 291 ngàn tỷ đồng, trong đó nguồn hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước là 240 ngàn tỷ đồng. Nguồn hỗ trợ này sẽ tập trung vào việc giảm thuế, phí, lệ phí là 64 ngàn tỷ đồng; chi đầu tư phát triển (cho phòng chống dịch, an sinh xã hội, việc làm, lao động); hỗ trợ DN, HTX, hộ kinh doanh; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng là 176 ngàn tỷ đồng.

Ngoài ra, gói chính sách cũng bố trí từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 khoảng 6.600 tỷ đồng để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; giảm chi phí cho DN khoảng 6.000 tỷ đồng thông qua việc gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất năm 2022. Dự thảo cũng tăng thêm tối đa 38,4 ngàn tỷ đồng hạn mức phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay ưu đãi hỗ trợ giải quyết việc làm; HS-SV; các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập; nhà ở xã hội và bổ sung vốn tín dụng thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết trên nêu rõ, Ủy ban Kinh tế cơ bản thống nhất với các quan điểm nêu tại Tờ trình. Ngoài ra, Ủy ban còn đề nghị xác định rõ và bổ sung quan điểm: việc nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế; chỉ sử dụng bội chi NSNN để chi đầu tư phát triển; nguồn lực đưa ra phải hấp thụ được ngay trong 2 năm triển khai Chương trình.

Cần thiết xây dựng đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông

Trình bày Tờ trình về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể nêu rõ sự cần thiết của việc đầu tư dự án này. Theo đó, hành lang vận tải trên trục Bắc-Nam có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Trên hành lang vận tải này, tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông theo quy hoạch dài 2.063 km, đã đưa vào khai thác 478km, đang đầu tư 829km, còn lại 756km chưa đầu tư. 

Trình bày Báo cáo thẩm tra chủ trương đầu tư Dự án, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, việc Chính phủ đề xuất đầu tư dự án theo hình thức đầu tư công để bảo đảm thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2025, cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông là có cơ sở.

Tuy nhiên, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 29/2021/QH15 về Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025, trong đó đã phân bổ vốn cho nhiều dự án giao thông đường bộ đầu tư theo phương thức PPP, trong đó có dự án. Đại biểu Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hữu hiệu để huy động nguồn vốn ngoài nhà nước cho các dự án giao thông PPP đã được Quốc hội phân bổ vốn theo kế hoạch. 

Tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Việc sửa đổi, bổ sung nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, khơi thông và phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh COVID-19; đơn giản hóa thủ tục đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, DN.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật này cho biết, đa số ý kiến các Ủy ban đánh giá hồ sơ dự án Luật đã được khẩn trương hoàn thiện; đã tiếp thu nhiều ý kiến, báo cáo bổ sung thông tin, giải trình nhiều nội dung theo yêu cầu tại Thông báo số 528, Thông báo số 558 của Tổng Thư ký Quốc hội và ý kiến thẩm tra sơ bộ của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.

Tuy nhiên, những chính sách quy định tại dự thảo Luật có tác động lớn đến cả lĩnh vực kinh tế và xã hội. Vì vậy, để Quốc hội có đầy đủ căn cứ xem xét, quyết định, đề nghị Bộ Tư pháp báo cáo bổ sung ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của một số chính sách, ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trực tiếp; dự tính tác động tới thu NSNN, quyền lợi của nhà đầu tư và của người dân; dự kiến các tình huống, sự cố có thể xảy ra và biện pháp xử lý.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định hiện hành có liên quan tới nội dung quy định chi tiết tại văn bản dưới luật, đề nghị báo cáo rõ về thời điểm có hiệu lực để bảo đảm tính khả thi. Đối với nội dung của dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết, đề nghị bổ sung quy định đầy đủ, chặt chẽ, cụ thể hơn tại dự thảo Nghị định kèm theo.

 Sáng cùng ngày, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đã trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ. 

HOÀNG HOA - MINH THIÊN

;
.