Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN. |
Tham dự ở điểm cầu chính tại Hội trường Diên Hồng và các điểm cầu trong toàn quốc có các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư các Tỉnh ủy, Thành ủy, Ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, Đảng ủy trực thuộc Trung ương; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội của Trung ương và địa phương, các Đại sứ và Tổng Lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài; nguyên lãnh đạo: Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Liên hiệp các Hội hữu nghị Việt Nam.
Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; ông Nguyễn Văn Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tham dự tại điểm cầu tỉnh BR-VT.
Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh BR-VT. |
Đây là lần đầu tiên một hội nghị chuyên sâu về đối ngoại được tổ chức, nhằm đánh giá những thành tựu đạt được qua 35 năm đổi mới trong lĩnh vực đối ngoại, nhìn lại những bài học kinh nghiệm và nhận diện rõ hơn những vấn đề lớn đặt ra trong thời gian tới. Từ việc phân tích rõ tình hình quốc tế, Hội nghị làm sâu sắc hơn đường lối đối ngoại, quan điểm đối ngoại và các biện pháp thực hiện trong tình hình mới.
Trong chương trình Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã trình bày Báo cáo tình hình, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm đối ngoại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Tiếp đến, đại diện các Bộ, ban, ngành, địa phương đã trình bày các bài tham luận.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định, bên cạnh các cuộc chiến đấu ngoan cường, ông cha ta luôn chú trọng hoạt động ngoại giao tạo ra bản sắc riêng rất độc đáo, hòa khí hòa hiếu, trọng nghĩa khí, "đem đại nghĩa thắng hung tàn" - Tổng Bí thư trích Bình ngô Đại cáo của Nguyễn Trãi và cho rằng đây là nguyên tắc bất di bất dịch, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt để đất nước muôn thuở thái bình.
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN. |
Tổng Bí thư cho rằng, trường phái ngoại giao Việt Nam rất độc đáo và đặc sắc, từ đây có thể gọi là "ngoại giao cây tre Việt Nam".
Theo Tổng Bí thư, sở dĩ ông ví như vậy bởi sự đặc biệt của cây tre là rất mềm dẻo, rất kiên cường, thành cây tre, khóm tre, lũy tre. "Khi là măng thì mọc thẳng, rồi đẻ ra thành khóm thành bụi, rễ chằng chịt với nhau… Rễ tre bám rất chắc với nhau, rất mềm mại. Khi chẻ lạt thì lạt mềm buộc chặt. Tôi mạnh dạn ví đường lối đối ngoại của chúng ta là trường phái riêng, tạm gọi là cây tre Việt Nam. Gốc vững chắc, cành uyển chuyển. Cây tre Việt Nam, mềm mại nhưng cứng cỏi, rất dẻo nhưng rất kiên cường" - Tổng Bí thư phân tích.
Tổng Bí thư khẳng định, nền ngoại giao thấm đượm tâm hồn cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam đó là mềm mại khôn khéo nhưng rất kiên cường, quyết liệt, linh hoạt sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định can trường trước mọi thử thách khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do hạnh phúc của nhân dân, đoàn kết nhân ái nhưng kiên quyết kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã khái quát những bài học thiết thực trên mặt trận đối ngoại được rút ra từ nhiều nhiệm kỳ qua. Thứ nhất là bài học về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, xử lý hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích quốc gia-dân tộc và nghĩa vụ, trách nhiệm quốc tế. Tình hình thế giới biến chuyển nhanh chóng, phức tạp, song xu thế lớn và nguyện vọng thiết tha của các dân tộc vẫn luôn luôn là giữ vững hòa bình, mở rộng hợp tác vì sự phát triển.
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh BR-VT. |
Thứ hai là bài học vì sự kiên định trong nguyên tắc và linh hoạt trong sách lược. Nguyên tắc của chúng ta là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Sách lược của chúng ta là cơ động, linh hoạt điều chỉnh tùy theo từng vấn đề, từng thời điểm và tuy theo đối tượng hay đối tác, tuân thủ những tư tưởng lớn của Bác Hồ: “Dĩ bất biến ứng vạn biến”, “thêm bạn bớt thù”, “sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước dân chủ và không gây thù oán với ai”.
Thứ ba là bài học về xây dựng sự đoàn kết, đồng thuận trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân như lời căn dặn của Bác Hồ: “Sự nghiệp làm nên bởi chữ Đảng”.
Thứ tư là bài học về công tác xây dựng tổ chức bộ máy và công tác cán bộ mà lâu nay chúng ta vẫn thường nói là “cái gốc của mọi công việc”.
Thứ năm, bao trùm tất cả là bài học về sự lãnh đạo thống nhất, tuyệt đối của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước. Cơ quan lãnh đạo của Đảng, trước hết là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cùng các cơ quan tham mưu đã có sự nhạy bén trong nhận định và nắm bắt tình hình, quyết đoán trong công việc đưa ra các chính sách, biện pháp cụ thể.
PHÚ XUÂN - NHẬT LINH