Khát vọng Hồ Chí Minh - Khát vọng của dân tộc và nhân loại

Chủ Nhật, 26/12/2021, 19:00 [GMT+7]
In bài này
.

Cả cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nung nấu và đấu tranh đến hơi thở cuối cùng cho hoài bão lớn lao, khát vọng cháy bỏng: Đất nước được độc lập, Tổ quốc được phồn vinh, nhân dân được hạnh phúc.

Toàn cảnh Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Toàn cảnh Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Khát vọng cao cả

Ngày 5/6/1911, từ bến cảng Sài Gòn anh thanh niên Văn Ba - Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước. Đó không chỉ là điểm khởi đầu hành trình thực hiện khát vọng: Nước nhà được độc lập, đồng bào được tự do, mà còn là bước ngoặt làm thay đổi số phận một dân tộc Việt Nam nô lệ, lầm than.

Lòng yêu nước xây đắp nên khát vọng Hồ Chí Minh “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi” - đó là những ước muốn tốt đẹp, suốt đời Người theo đuổi và dù khó khăn, hiểm nguy đến đâu cũng không bao giờ từ bỏ.

Người từng nếm trải “Ẩn nấp nơi núi non hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo”, đã “Hiến cả đời tôi cho Tổ quốc tôi” chỉ vì một mục đích, một khát khao đau đáu, mang giá trị nhân văn cộng sản “Đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập”.

Người còn ước muốn “Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Người đã hy sinh, kể cả đời sống riêng tư để phấn đấu thực hiện đến cùng khát vọng đó. Trước khi từ biệt thế giới này, Người “không có gì phải hối hận, nhưng tiếc rằng không còn phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Đó là hệ giá trị Hồ Chí Minh, là khát vọng của mỗi con người Việt Nam, trở thành tài sản chung, hòa vào dòng chảy khát vọng mãnh liệt của dân tộc và nhân loại.

Trong sâu thẳm, Người trăn trở khôn nguôi sau khi đất nước giành được độc lập, tự do phải làm sao cho “dân giàu, nước mạnh”, sớm “bước lên đài vinh quang sánh vai các cường quốc năm châu”; day dứt, canh cánh nỗi niềm “Nước độc lập và dân không được hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa gì” và đau đáu với ham muốn tột bậc “Đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” sớm trở thành hiện thực.

Người đã tìm đường, mở đường và dẫn đường cho dân tộc hướng đến một xã hội công bằng, hợp lý, bình đẳng, “nhân dân lao động thoát nạn bần cùng… mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một đời hạnh phúc”.

Nhưng xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, phồn vinh, thịnh vượng, hùng cường là nhiệm vụ “rất to lớn, nặng nề, và phức tạp”; chống lại “những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi” cho cuộc sống nhân dân no ấm, hạnh phúc là “cuộc chiến đấu khổng lồ”. Để thực hiện khát vọng đó, Người dặn: “Việc trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng” để Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh; tập trung xây dựng một Chính phủ liêm khiết “biết làm việc, có gan góc, quyết tâm”; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên “thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”; thường xuyên biết dựa vào dân, vào sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; phát huy cao độ ý chí tự lực, tự cường; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại…

Đưa đất nước lên tầm cao mới

Ý Đảng và lòng dân, dòng chảy của dân tộc và thời đại đã hòa quyện vào “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” - là một trong những điểm nhấn chói sáng về trách nhiệm, tâm huyết, trí tuệ, quyết tâm chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Đến giữa thế kỷ XXI, nghĩa là sau 25-30 năm nữa sẽ đưa nước ta vào nhóm nước phát triển, thu nhập cao, đó không phải là mục tiêu viễn vông, ảo tưởng, chủ quan, duy ý chí mà là một dự báo đỉnh cao phải chiếm lĩnh, một niềm tin khả thi dựa trên lý luận khoa học và thực tiễn vững chắc.

Nhìn ra thế giới, Nhật Bản từ nước hoang tàn sau Đại chiến thế giới thứ II, chỉ 30 năm xây dựng nên nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới; Singapore 30 năm đã viết nên câu chuyện thần kỳ, nhiều quốc gia phải ngước nhìn; Hàn Quốc tiến hành công nghiệp hóa thần tốc, chưa đầy 3 thập niên đã trở thành 1 trong 4 con rồng châu Á…

Dân tộc ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã khơi dậy khát vọng trong từng con người để tạo nên nguồn sức mạnh nội sinh tổng hợp. Động lực to lớn đó đã thôi thúc toàn dân vượt qua gian khổ, ác liệt, hy sinh trong quá trình thực hiện khát vọng độc lập, tự do, thống nhất nước nhà; vượt ra khỏi nỗi day dứt, trăn trở sau chiến tranh với sự nghèo nàn, đói khổ, lạc hậu.

Đại hội XIII của Đảng, cột mốc mở đầu thời kỳ phát triển với khí thế, tiềm lực và sức bật mới. Lộ trình đi lên được Đảng chỉ ra rõ ràng, dứt khoát và phù hợp; đất nước đã tích lũy đủ thế và lực để “rời đường băng, cất cánh”; nhân dân vẫn tin tưởng, tự hào và kỳ vọng vào Đảng; sức mạnh “dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân” cùng ý chí tự lực, tự cường của dân tộc đã và đang tiếp tục được phát huy…

Tiếp nối hành trình và khát vọng Hồ Chí Minh, Đảng đã khơi dậy, truyền cảm hứng qua lời hiệu triệu phát triển đất nước. Dẫu còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng đội ngũ cán bộ, đảng viên có khát vọng cống hiến cùng với yếu tố lịch sử, điều kiện trong nước và quốc tế cho phép Việt Nam bứt phá, vươn tới và chúng ta có quyền kỳ vọng, vững tin vào một tương lai tươi sáng, rực rỡ đang chờ đợi ở phía trước.

NGUYỄN QUANG PHI

;
.