Bà Rịa - Vũng Tàu phải chú ý tính bền vững trong phát triển

Thứ Bảy, 18/12/2021, 21:21 [GMT+7]
In bài này
.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh như vậy tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh BR-VT vào chiều 18/12 về tình hình kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng năm 2021. Tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương. Về phía tỉnh BR-VT, ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Bùi Chí Thành, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh tiếp và làm việc với đoàn.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh BR-VT. Ảnh: BẢO KHÁNH
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh BR-VT. Ảnh: BẢO KHÁNH

Nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội

Tại buổi làm việc, báo cáo với Thủ tướng, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh nhìn nhận, năm 2021 có nhiều khó khăn, thách thức, phức tạp, khó lường chưa từng có khi đại dịch COVID-19 tái bùng phát ở nhiều tỉnh, thành phía Nam, trong đó có BR-VT. Chấp hành sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tỉnh BR-VT đã tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch với mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân là trên hết, trước hết, đồng thời thực hiện “mục tiêu kép” phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Kết quả, hầu hết các lĩnh vực kinh tế đều tăng trưởng dương so với năm 2020. Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP (trừ dầu khí) tăng 1,02%. Kinh tế của tỉnh phát triển theo đúng định hướng, không dựa vào khai thác dầu khí mà tập trung thúc đẩy phát triển công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao.

Bà Rịa-Vũng Tàu phải phát huy truyền thống đoàn kết, lịch sử văn hóa, tinh thần tự lực, tự cường, biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành cái có thể để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh”. 
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Công nghiệp tiếp tục duy trì vai trò ngành động lực chính trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, với mức tăng trưởng 4,68%. Tổng sản lượng hàng thông qua cảng Cái Mép - Thị Vải tăng 4% (đạt 79 triệu tấn), trong đó hàng container bằng tàu biển tăng 16,8%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 14,2 tỷ USD tăng 17,2%. Đây là tín hiệu tích cực để phục hồi sản xuất trong năm 2022 và các năm tiếp theo.

Trong năm, tỉnh cũng đã thu hút đầu tư mới 76 dự án, điều chỉnh tăng vốn cho 38 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 2,2 tỷ USD. Công tác giải ngân vốn đầu tư công được chỉ đạo quyết liệt, sát sao ngay từ đầu năm. Ước tính đến ngày 31/1/2022, tỷ lệ giải ngân đạt 100% so với kế hoạch đầu năm 2021.

Công tác xây dựng Đảng tiếp tục được tăng cường. Đảng bộ tỉnh đẩy mạnh đổi mới phương thức lãnh đạo, lề lối làm việc của cấp ủy Đảng theo hướng sâu sát thực tiễn, bám sát quy chế và chương trình làm việc; sắp xếp, kiện toàn nhân sự các cấp ủy Đảng, chính quyền; chú trọng thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật trong Đảng, nắm bắt tình hình cơ sở, tư tưởng trong cán bộ, đảng viên.

Công tác an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, đi vào thực chất, chất lượng cuộc sống người dân được nâng cao. Các chính sách, giải pháp giảm nghèo được thực hiện đồng bộ, hiệu quả, thu nhập bình quân của hộ nghèo tăng, đời sống được nâng lên.

Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; bà Nguyễn Thị Yến,  Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: MẠNH THẮNG
Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: MẠNH THẮNG

Kiến nghị chính phủ, bộ, ngành trung ương tháo gỡ 11 nội dung

Tại buổi làm việc, tỉnh BR-VT có 11 kiến nghị đề nghị Chính phủ, bộ, ngành Trung ương tháo gỡ. Cụ thể, cụm cảng Cảng Cái Mép - Thị Vải được quy hoạch là nhóm cảng biển đặc biệt của quốc gia với chức năng cảng cửa ngõ, trung chuyển quốc tế. Cụm cảng có bến container, tổng hợp, hàng rời, hàng lỏng/khí, tiếp nhận tàu đến 250.000 tấn, nhưng còn thiếu nhiều điều kiện để trở thành cảng trung chuyển quốc tế như: tuyến cảng bị chia cắt, cầu cảng chưa gắn kết, hàng hóa từ tàu nhỏ chuyển sang tàu lớn không có sự liên thông, thiếu một tổ chức kiểm tra chuyên ngành tại chỗ, thiếu một hệ sinh thái logistics, chi phí logistics cao, thời gian thông quan kéo dài…

Những hạn chế trên khiến cụm cảng trên chưa cạnh tranh được với các cảng nước sâu trong khu vực và thế giới. Tỉnh BR-VT đã phê duyệt quy hoạch 1/2.000 dự án Trung tâm Logistics Cái Mép hạ có tổng mức đầu tư 19.200 tỷ đồng, diện tích 1.763ha, trong đó có 936ha đất rừng. Quyết định chủ trương đầu tư dự án này thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Tỉnh BR-VT đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương ủng hộ chủ trương trên.

Năm 2022, tỉnh phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP không tính dầu thô và khí đốt 7-7,6%; GRDP bình quân đầu người không tính dầu thô và khí đốt khoảng 7.600 USD/người/năm; tổng thu ngân sách trên 71.555 tỷ đồng, trong đó thu ngân sách nội địa khoảng 34.655 tỷ đồng; chi đầu tư phát triển chiếm 53,87% tổng chi ngân sách địa phương.

Cũng tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh BR-VT đề nghị Chính phủ cho phép thí điểm cơ chế cảng mở tại cụm cảng container khu vực Cái Mép; thành lập Chi cục Kiểm định Hải quan tại khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải; sớm triển khai dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Đề nghị Chính phủ phân công 1 Phó Thủ tướng chủ trì, điều hành, thúc đẩy chuẩn bị đầu tư đường Vành đai 4 kết nối TP. Hồ Chí Minh, BR-VT, Đồng Nai, Bình Dương, Long An; đề nghị sớm đầu tư dự án đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu. Lãnh đạo tỉnh BR-VT cũng đề nghị bổ sung dự án Trung tâm Điện lực LNG Long Sơn vào Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tăng tổng chỉ tiêu quỹ đất phát triển công nghiệp đến năm 2030 lên 16.231ha; giao khu đất Trung tâm Quốc gia giống Nam Bộ tại số 167 Thùy Vân, TP. Vũng Tàu cho tỉnh để phát triển kinh tế-xã hội địa phương; di dời Trường bắn Lam Sơn của Trường Sỹ quan lục quân 2 do nằm trong đô thị Phú Mỹ; cho người Việt Nam vào chơi tại casino Hồ Tràm.

Trả lời các kiến nghị theo ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn Phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, 11 kiến nghị của tỉnh BR-VT đã được lấy ý kiến các bộ ngành, cơ bản thống nhất, chỉ còn một số kiến nghị thuộc thẩm quyền Quốc hội quyết định. Riêng việc cho người Việt Nam vào chơi bài tại casino Hồ Tràm, ông Trần Văn Sơn cho biết, Bộ Chính trị mới cho phép thí điểm tại casino Phú Quốc và Vân Đồn và hiện đang đánh giá, tổng kết, chưa xem xét cho người Việt vào chơi bài tại casino Hồ Tràm.

Trao đổi, thảo luận tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương cũng đưa ra nhiều ý kiến quan trọng trong định hướng và đề xuất giải pháp để BR-VT khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế xã hội nhanh, bền vững.

Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn Phòng Chính phủ Trần Văn Sơn trả lời 11 kiến nghị  của tỉnh BR-VT. Ảnh: MẠNH BẢO
Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn Phòng Chính phủ Trần Văn Sơn trả lời 11 kiến nghị của tỉnh BR-VT. Ảnh: MẠNH BẢO

BR-VT phải “biến không thành có, biến khó thành dễ”

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh BR-VT đã đạt được trong thời gian qua; cơ bản nhất trí phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng Đảng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh.

Đánh giá vị trí, vai trò và tầm quan trọng của BR-VT cả về kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh, Thủ tướng đề nghị tỉnh phải nỗ lực cao hơn, quyết tâm cao hơn, phấn đấu để người dân được ấm no, hạnh phúc hơn nữa. Thủ tướng cho rằng, bên cạnh những thành tựu cơ bản đã đạt được, nhiều kết quả vẫn chưa như mong muốn, chưa xứng với tiềm năng, lợi thế. BR-VT cần thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, song phải bền vững, phát triển cả chiều rộng và chiều sâu. Trong đó, tập trung vào phát triển dịch vụ logistics; phát triển hạ tầng cơ sở, kết nối các tuyến giao thông trong vùng, quốc gia và quốc tế; phát triển công nghiệp công nghệ cao, xanh và bền vững; coi trọng phát triển công nghiệp văn hóa, giải trí, du lịch...

Để thực hiện được mục tiêu, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý một số giải pháp. Cụ thể, BR-VT phải tập trung đầu tư nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, vì con người là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực của sự phát triển. Song song đó, cần đa dạng hóa, huy động mọi nguồn lực vào phát triển, đẩy mạnh hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư. Tỉnh phải nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN. Thủ tướng cũng đề nghị BR-VT phải tập trung xây dựng quy hoạch tổng thể, chiến lược, có tầm nhìn dài hạn. Đồng thời tăng cường hợp tác với các địa tỉnh, thành bạn để phát triển liên vùng. Thủ tướng cũng lưu ý tỉnh đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, công dân số, coi đây là một trong những chỉ tiêu ưu tiên phát triển.

Đánh giá cao công tác phòng chống dịch COVID-19 và tỷ lệ tiêm vắc xin của tỉnh, Thủ tướng nhấn mạnh, để kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 128/NQ-CP, BR-VT cần tiếp tục quan tâm đẩy mạnh tiêm vắc xin mũi thứ 3 cho người dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu BR-VT tiếp tục tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch; xây dựng nội bộ đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng trong triển khai công tác.

Đối với các kiến nghị của tỉnh, Thủ tướng cơ bản nhất trí và đề nghị nội dung nào thuộc thẩm quyền của bộ, ngành nào thì bộ, ngành đó khẩn trương giải quyết và tạo điều kiện nhanh nhất cho tỉnh BR-VT phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch. Những vấn đề thuộc thầm quyền của Chính phủ, thì Chính phủ sẽ giải quyết. Những vấn đề vượt thẩm quyền sẽ trình để Quốc hội xem xét.

NHÓM PHÓNG VIÊN THỜI SỰ

 

 
;
.