An toàn, an dân là điều quan trọng nhất
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh như vậy tại Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ Ba về công nghiệp 4.0, với chủ đề “Phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội bền vững thời kỳ hậu COVID-19 và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH) trong kỷ nguyên số”. Diễn đàn do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với gần 100 điểm cầu ở trong và ngoài nước ngày 6/12.
bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; ông Nguyễn Văn Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tham dự diễn đàn tại điểm cầu tỉnh BR-VT. |
Tại điểm cầu tỉnh BR-VT, bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; ông Nguyễn Văn Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tham dự.
Phục hồi kinh tế
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, cho rằng dịch bệnh COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường. Sự xuất hiện của biến thể mới Omicron có nguy cơ làm tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2022 giảm từ 0,2 - 0,4 điểm %. Nhu cầu cấp bách, khẩn trương hiện nay là tìm kiếm những giải pháp hiệu quả nhằm phục hồi và phát triển KT-XH bền vững thời kỳ hậu COVID-19; đồng thời tạo nền tảng, hỗ trợ các động lực tăng trưởng trong dài hạn thúc đẩy quá trình CNH-HĐH phù hợp với bối cảnh và yêu cầu phát triển triển mới.
Trong giai đoạn vừa qua, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong CNH-HĐH. Tuy nhiên, quá trình phục hồi KT-XH hội sau dịch COVID-19 và thực hiện CNH-HĐH trên nền tảng công nghiệp 4.0 đang gặp phải những trở ngại lớn. “Điển hình như mô hình tăng trưởng chưa dựa nhiều trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm; tính tự chủ của nền kinh tế còn thấp; các chính sách phát triển các ngành công nghiệp chậm được cụ thể hóa. CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn còn thiếu một chiến lược phát triển rõ ràng…, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh chỉ rõ.
Phiên toàn thể tập trung vào các báo cáo chính gồm: Khung chính sách phục hồi và phát triển KT-XH bền vững gắn với chiến lược phòng chống dịch COVID-19; Tương lai kinh tế toàn cầu hậu COVID-19 và các gợi ý chính sách cho Việt Nam; Đổi mới sáng tạo - chìa khóa phục hồi và phát triển thời kỳ hậu COVID-19; Công nghiệp hóa trong kỷ nguyên số và chia sẻ kinh nghiệm thành công của Bang Utah (Mỹ)… trong vấn đề phát triển CNH-HĐH.
Tại Diễn đàn, các đại biểu trong và ngoài nước đã thảo luận, góp ý đối với khung chính sách phục hồi và phát triển KT-XH của Việt Nam gắn với phòng, chống dịch COVID-19 giai đoạn 2021-2023. Nhiều ý kiến đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ và kết quả đạt được thời gian qua trong phòng chống dịch bệnh, tỷ lệ người dân được tiêm vắc xin tăng mạnh, nền kinh tế khởi sắc, nhiều lĩnh vực phục hồi mạnh. Các đại biểu cũng đề xuất, kiến nghị về mô hình, chính sách đẩy mạnh CNH-HĐH trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển và có thu nhập cao, trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh của khu vực châu Á.
Hỗ trợ phục hồi DN, HTX, hộ kinh doanh tiếp tục thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế là một trong 5 nhóm giải pháp để phục hồi kinh tế. Trong ảnh: Sản xuất đồ nội thất xuất khẩu tại DN chế xuất Nitori Việt Nam chi nhánh BR-VT. |
Bảo đảm an sinh xã hội cho nhân dân
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc thích ứng và phát triển của mỗi quốc gia dưới tác động của đại dịch COVID-19 trong kỷ nguyên số và toàn cầu hóa hiện nay là vấn đề lớn, vừa cấp bách, vừa lâu dài; đặc biệt là tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng sâu rộng. Trong bối cảnh đặc biệt, cần có tầm nhìn, giải pháp, hành động đặc biệt, nhất là trong xu hướng phát triển kinh tế số, kết nối toàn cầu, trong khi đại dịch COVID-19 chưa có điểm kết thúc và cần chủ động, linh hoạt ứng phó.
Đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, sâu sắc của các đại biểu, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang tập trung hoàn thiện Chương trình tổng thể phòng, chống đại dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH; chống dịch thành công mới phát triển kinh tế được và phát triển kinh tế để có nguồn lực chống dịch, đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân.
Thủ tướng nêu rõ, đại dịch COVID-19 đã gây ra những hậu quả hết sức nặng nề không chỉ với Việt Nam mà đối với cả thế giới. Trong gần 2 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của cộng đồng DN và người dân, sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, Việt Nam cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh, vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất, chủ động chuyển trạng thái, tạo tiền đề quan trọng để đẩy mạnh phục hồi và phát triển KT-XH.
Chính phủ đang tập trung chỉ đạo hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Chương trình tổng thể phòng, chống đại dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH. Thủ tướng nhấn mạnh, hai nhiệm vụ này có sự gắn kết chặt chẽ, là hai mặt của một quá trình, phòng chống, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh thì mới có thể phát triển KT-XH và phát triển KT-XH hội thì mới có nguồn lực để phòng chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội cho nhân dân.
“Một nhiệm vụ quan trọng khác là không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả đối ngoại và hội nhập quốc tế, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước. Không hy sinh an sinh xã hội, môi trường, tiến bộ và công bằng để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; lo cho gần 100 triệu dân ấm no và hạnh phúc, dân chủ, có cuộc sống bình yên, an ninh, an toàn, an dân, đó là điều quan trọng nhất”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ.
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN