Bắt đầu tuần làm việc trực tiếp trong đợt họp thứ hai của Kỳ họp thứ 2, ngày 8/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Đoàn ĐBQH tỉnh BR-VT tham dự kỳ họp. |
Quốc hội cũng thảo luận tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 03 năm 2022-2024 (trong đó có việc bổ sung dự toán thu, chi vốn viện trợ nước ngoài năm 2021 của tỉnh Quảng Nam; lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương).
Trình bày Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 tại phiên khai mạc kỳ họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết nhằm khắc phục những khó khăn do tác động nghiêm trọng của dịch COVID-19, Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương vừa phải quyết liệt triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Quốc hội, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động của Chính phủ; phối hợp chặt chẽ, linh hoạt giữa chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác trong chỉ đạo, điều hành; tập trung giải quyết khó khăn, tháo gỡ vướng mắc, vượt qua thách thức; nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực.
Đại biểu Dương Tuấn Quân, bác sĩ Bệnh viện Bà Rịa phát biểu thảo luận tại hội trường. |
Cần nâng cao năng lực cho các DN du lịch
về phát triển bền vững
Tham gia thảo luận tại hội nghị, Đại biểu Dương Tuấn Quân, bác sĩ Bệnh viện Bà Rịa (Đoàn ĐBQH tỉnh BR-VT) nêu ra 2 giải pháp phát triển ngành công nghiệp không khói, đề nghị QH và Chính phủ cần quan tâm. Đó là, cần nâng cao năng lực cho các DN du lịch về phát triển bền vững. Cơ cấu lại từ hoạt động xúc tiến quảng bá, định vị thị trường mục tiêu, xây dựng sản phẩm phù hợp, ưu tiên xây dựng các gói kích cầu, đẩy mạnh liên kết vùng giữa các địa phương, hợp tác chặt chẽ giữa ngành du lịch và các bên cung ứng dịch vụ liên quan như hàng không, các lĩnh vực sản xuất hàng hóa, dịch vục phục vụ khách du lịch gắn với ứng dụng công nghệ thông tin.
Cùng với đó, Đại biểu Quân kiến nghị cần triển khai hiệu quả các chính sách, giải pháp hỗ trợ các DN, hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch; ưu tiên thúc đẩy nhanh, hiệu quả chiến dịch tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho người dân, người lao động tại các trung tâm du lịch. Đồng thời đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số trong quản lý và thông tin du lịch, thông tin các điểm đến, các sản phẩm du lịch của các địa phương, hình thành được hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử liên thông giữa Trung ương, địa phương.
Về lĩnh vực giáo dục, Đại biểu Quân đề nghị Chính phủ và Bộ Giáo dục Đào tạo cân nhắc một số giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học trực tuyến. Trong đó, tổ chức rà soát, hoàn thiện ban hành các văn bản hướng dẫn dạy học trực tuyến và đào tạo từ xa, phát triển các nguồn học liệu điện tử phong phú, hợp lý, dễ
sử dụng…
|
Báo cáo của Chính phủ đánh giá, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.
Dịch COVID-19 có thể xuất hiện phức tạp, nguy hiểm hơn. Tăng trưởng kinh tế thế giới không đồng đều, chưa vững chắc và thấp hơn năm 2021; rủi ro tiếp tục gia tăng. Trong nước, kinh nghiệm, năng lực, khả năng ứng phó dịch bệnh tiếp tục được nâng lên, nhưng sức chống chịu và nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân giảm sút.
Nguy cơ chậm phục hồi kinh tế, suy giảm tăng trưởng vẫn còn tiềm ẩn nếu không kiểm soát được dịch bệnh một cách cơ bản để mở cửa trở lại nền kinh tế; rủi ro lạm phát gia tăng; thiên tai, biến đổi khí hậu là nguy cơ luôn tiềm ẩn.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã đề ra 16 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường; trong đó tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt khoảng 6-6,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; bội chi ngân sách Nhà nước so với GDP khoảng 4%.
Để đạt được các mục tiêu này, Chính phủ đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội; triển khai hiệu quả chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch, có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của các cấp, các ngành ngay từ đầu năm 2022.
Sẽ tiêm mũi vắc xin ngừa COVID thứ ba vào cuối năm nay
Làm rõ một số nội dung về công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Phiên thảo luận trực tiếp tại Hội trường chiều 8/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết các bộ, ngành chức năng đang đẩy nhanh tốc độ đưa vắc xin về nước trong cuối năm nay.
Bộ trưởng cho biết đến nay Việt Nam đã có những thỏa thuận, đơn hàng, hợp đồng lên tới gần 200 triệu liều vắc xin, hiện đã tiếp nhận khoảng 125 triệu liều.
Tính đến ngày 7/11, cả nước đã tiêm được hơn 90 triệu liều với hơn 83,8% số người từ 18 tuổi đã được tiêm ít nhất một liều và hơn 40% số người 18 tuổi trở lên được tiêm đủ hai mũi.
“Số lượng vắc xin hiện tại đã đảm bảo đủ liều vào cuối năm nay, đồng thời ngành cũng dự kiến triển khai kế hoạch tiêm mũi thứ ba vào cuối năm nay và đầu năm 2022,” Bộ trưởng cho hay.
|
Các địa phương vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn nhưng không trái với định hướng của Trung ương; tiếp tục mở rộng độ bao phủ, tăng tốc chiến dịch tiêm vaccine cho người dân; nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là điều trị và ở cơ sở; tổng kết thực tiễn, bổ sung, hoàn thiện và thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch.
Tại phiên thảo luận, các thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
QUỲNH HOA-MINH THIÊN