Chiều 1/11, ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì cuộc họp nghe Sở LĐTBXH báo cáo Tờ trình dự thảo Nghị quyết phê duyệt Đề án giảm nghèo bền vững của tỉnh giai đoạn 2022-2025.
Báo cáo của Sở LĐTBXH cho biết, qua 5 năm thực hiện đề án giảm nghèo giai đoạn 2016-2020, các chính sách giảm nghèo được triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Đến cuối năm 2020 tổng số hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn tỉnh còn hơn 2.080 hộ, chiếm tỷ lệ 0,73% so với tổng số hộ dân.
Dự thảo nêu rõ, trong giai đoạn 2022-2025, hộ nghèo của tỉnh được hỗ trợ về y tế (hỗ trợ 100% mệnh giá mua thẻ bảo hiểm y tế), hỗ trợ về giáo dục (miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập), hỗ trợ tiền điện, hỗ trợ về nhà ở, hỗ trợ phát triển sản xuất và dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo, trợ giúp pháp lý theo các quy định hiện hành...
BR-VT phấn đấu đến cuối năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn của tỉnh còn dưới 1,5% so với tổng số hộ dân; 100% hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn với lãi suất ưu đãi để phát triển sản xuất, tăng thu nhập; 100% lao động nghèo có nhu cầu học nghề được hỗ trợ đào tạo nghề… Để triển khai thực hiện đề án, BR-VT sẽ triển khai các chính sách hỗ trợ việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, phát triển sản xuất và dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo, điện, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin và trợ giúp pháp lý…
Dự kiến tổng nguồn vốn bố trí triển khai các chính sách cho cả giai đoạn là hơn 1.255 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn trung ương chiếm hơn 29%, nguồn vốn địa phương hơn 69%, còn lại là nguồn vốn huy động.
Trên cơ sở ý kiến thảo luận của các sở, ngành và địa phương, ông Trần Văn Tuấn đề nghị Sở LĐTBXH tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo để trình tập thể UBND tỉnh thông qua. Trong đó, Sở LĐTBXH điều chỉnh mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống mức thấp hơn nhưng vẫn phải bảo đảm tính khả thi; bổ sung phần đánh giá kết quả trong công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 làm căn cứ xây dựng đề án cho giai đoạn mới.
NHÃ UYÊN