ĐẢNG VỮNG MẠNH - NHÂN TỐ QUYẾT ĐỊNH MỌI THẮNG LỢI - Kỳ 5: Tạo nền tảng thúc đẩy công nghiệp hóa - hiện đại hóa

Thứ Sáu, 26/11/2021, 20:58 [GMT+7]
In bài này
.

Với việc đề ra những quyết sách đúng đắn về cơ cấu kinh tế, sự năng động sáng tạo trong các chủ trương mang tính đột phá của Đảng bộ tỉnh, kinh tế của tỉnh đã đạt được những thành tựu rất quan trọng.

Các dự án thu hút đầu tư đều sử dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường. Trong ảnh: Một góc dự án Hyosung. Ảnh: MỸ LƯƠNG
Các dự án thu hút đầu tư đều sử dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường. Trong ảnh: Một góc dự án Hyosung. Ảnh: MỸ LƯƠNG

Đẩy mạnh thu hút đầu tư tạo động lực phát triển kinh tế

Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ III, nhiệm kỳ 2000-2005 xác định phát triển nhanh, vững chắc kinh tế địa phương, tăng tỷ trọng công nghiệp dịch vụ, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông thôn. Đặc biệt, trong phương hướng phát triển, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ III cũng đề ra mục tiêu có tính chiến lược là “Huy động mọi nguồn nội lực, hợp tác chặt chẽ với các ngành, các địa phương khác, trước hết là các tỉnh, thành phố trên địa bàn kinh tế trọng điểm, đồng thời ra sức thu hút vốn đầu tư nước ngoài để đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa…”. Trên cơ sở định hướng chiến lược, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ III đề ra mục tiêu chung: “Phấn đấu đến năm 2010, BR-VT cơ bản trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, du lịch và khai thác hải sản của khu vực và của cả nước, một thương cảng quốc tế”. Đặc biệt, đến Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV, định hướng phát triển mạnh về kinh tế biển, thông qua chủ trương phát triển đồng bộ hệ thống cảng biển và hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải đã được rõ nét hơn. Mặt khác, Đảng bộ tỉnh luôn xác định thu hút đầu tư trong và ngoài nước là một trong những chủ trương được ưu tiên hàng đầu để bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đã được đặt ra. Từ nhận thức đó, trước khi Luật Đầu tư ra đời, Đảng bộ tỉnh đã hết sức quan tâm đến kinh tế đối ngoại, cũng một trong những địa phương cấp giấy phép đầu tư nước ngoài đầu tiên. Sau khi Luật Đầu tư ra đời, để hiện thực hóa chủ trương thu hút đầu tư, Đảng bộ tỉnh chủ trương hình thành KCN tập trung và tận dụng lợi thế cảng biển phục vụ vận chuyển hàng hóa trong các KCN. Trên cơ sở đó, BR-VT trở thành một trong những địa điểm đầu tư hấp dẫn. Đặc biệt, nguồn vốn FDI là tác nhân chính thúc đẩy sự hình thành và phát triển các KCN tập trung với các ngành có lợi thế như công nghiệp gắn liền với phát triển hệ thống cảng và các ngành chế biến nông, lâm, hải sản, tạo sự đa dạng về sản phẩm… Thông qua khu vực FDI, nhiều nguồn lực trong nước như lao động, đất đai, tài nguyên khoáng sản trong phạm vi địa giới của tỉnh được sử dụng mà mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tính đến nay, có 384 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 28 tỷ USD. Số tiền này “đổ” vào tỉnh trong gần 30 năm qua đã thực sự trở thành nguồn vốn quan trọng, động lực thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Hiện đã có khoảng 30 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới có dự án đầu tư tại tỉnh, trong đó có các Tập đoàn xuyên quốc gia, có thương hiệu lớn như: ACDL, SMC, Nippon, Mitsubishi, Posco, Sumitomo, Itochu, Kyoei Lotte, Sojitz…

Phát triển đúng định hướng

30 năm qua, với 7 kỳ Đại hội, Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh đã phát huy tính chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, từng bước khẳng định và đã đạt được những thành tựu quan trọng, khá toàn diện, có nhiều mặt phát triển mạnh mẽ. Với sự phát triển toàn diện về kinh tế, mức thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh BR-VT luôn ở mức tăng cao, năm sau cao hơn năm trước, đã tạo điều kiện tăng chi ngân sách cho đầu tư phát triển, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đóng góp lớn cho ngân sách Trung ương. Năm 1992 thu nhập bình quân đầu người không tính dầu khí khoảng 450 USD/năm; đến năm 2020 đạt 6.903 USD. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Công nghiệp phát triển theo hướng bền vững, có chọn lọc, tiếp tục duy trì vai trò là ngành động lực, đóng góp lớn nhất trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Cùng với hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đồng bộ, đáp ứng tốt nhu cầu giao thương, kết nối thị trường, dựa trên những ưu đãi của thiên nhiên và xuất phát từ một tầm nhìn chiến lược, BR-VT đang từng bước chuyển dịch mô hình tăng trưởng, từ chỗ nặng về khai thác tài nguyên sang phát triển các ngành dịch vụ, du lịch, cảng biển, nông nghiệp công nghệ cao.

Trước đây, nói đến kinh tế biển của BR-VT là người ta chỉ nghĩ đến du lịch biển, khai thác dầu khí, đánh bắt hải sản. Nhưng qua quá trình triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tiềm năng, thế mạnh về cảng biển của BR-VT từng bước bộc lộ. Định hướng làm giàu từ cảng biển và dịch vụ hậu cảng trong tương lai có thể thay thế lợi ích từ khai thác dầu khí đang trở thành sự thật. Bắt đầu tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ V, vấn đề xây dựng và phát triển hệ thống cảng biển trở thành một ngành kinh tế chủ đạo, là động lực thực sự trong phát triển kinh tế được bàn thảo kỹ lưỡng. Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tuấn Minh cũng nhắc đi nhắc lại nhiều lần, rằng cảng biển là “xương sống” trong phát triển kinh tế xã hội của BR-VT. Đến Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI, việc khai thác thế mạnh từ kinh tế biển được định hình rõ nét hơn. “Để có nền kinh tế phát triển bền vững, BR-VT sẽ tập trung đẩy mạnh 4 trụ cột kinh tế là công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao. Đây là 4 mũi nhọn mang lại sự thịnh vượng của BR-VT, không lệ thuộc vào dầu khí”, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy khẳng định.

NGÔ GIA

;
.