Sau hơn 90 ngày đêm chống dịch, BR-VT bước sang giai đoạn “mở cửa” phục hồi kinh tế, thích ứng với trạng thái bình thường mới. Đây là thách thức rất lớn cho tỉnh. Để bảo vệ thành quả, Ban Thường vụ (BTV), BCĐ Phòng, chống COVID-19 tỉnh đã chỉ đạo thực hiện chiến lược thích ứng lâu dài, “an toàn tới đâu, mở cửa tới đó”.
Tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 và tiến tới là mũi tăng cường sau 6 tháng tiêm mũi thứ 2 là chìa khóa bình thường mới. Trong ảnh: Tiêm vắc xin cho người trên 50 tuổi tại xã An Ngãi, huyện Long Điền. Ảnh: ĐINH HÙNG |
Chủ động thích ứng, thận trọng mở cửa
Để dần thích ứng với trạng thái bình thường mới, từ cuối tháng 9, BCĐ Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đã xây dựng kịch bản phòng chống dịch, phục hồi kinh tế theo các cấp độ dịch; phấn đấu đến đầu năm 2022 sẽ mở cửa tất cả các hoạt động kinh tế với điều kiện đảm bảo các quy định phòng, chống dịch.
Kịch bản cho mỗi giai đoạn đều có đánh giá các chỉ số kiểm soát dịch bệnh để đưa ra các tình huống, hoạt động mở cửa cụ thể về các biện pháp hành chính, giao thông vận chuyển hàng hóa, sản xuất kinh doanh dịch vụ, giáo dục, biện pháp y tế… Theo BCĐ tỉnh, mỗi giai đoạn “mở cửa” thực hiện trong 7 ngày sẽ tổ chức đánh giá kết quả thực hiện và đề ra các giải pháp phù hợp với tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Tùy theo diễn biến tình hình dịch bệnh sẽ xem xét điều chỉnh quay về giai đoạn trước đó hoặc quản lý chặt hơn.
Cùng với đó, tỉnh đã xây dựng và triển khai kế hoạch bao phủ tiêm vắc xin phòng COVID-19, nhằm tạo miễn dịch cộng đồng, tăng độ an toàn khi “mở cửa, thích nghi bình thường mới”. Tính đến 24/10, toàn tỉnh đã có 884.888/955.990 người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin, đạt tỷ lệ 92,56%, trong đó, số người đã tiêm đủ 2 mũi là 174.466 người, đạt 18,25%.
TS Huỳnh Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện Sốt rét-KST CT Quy Nhơn, Trưởng Đoàn Công tác đặc biệt Bộ Y tế tại BR-VT nhìn nhận: Khi đại dịch đi qua, không có nghĩa là không còn virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng, do vậy sống chung an toàn với COVID-19 là phải nghĩ đến. Do đó, khi tỉnh chấp nhận “mở cửa”, “nới lỏng” thì càng phải kiểm soát chặt chẽ hơn, hạn chế mức thiệt hại tối thiểu, sao cho đạt tối đa “sức khỏe cộng đồng” và “sức khỏe doanh nghiệp”, phục hồi kinh tế.
Trong thời điểm hiện nay, dịch bệnh vẫn có nguy cơ tái trở lại khi các tỉnh lân cận vẫn còn diễn tiến phức tạp và sự lưu hành cũng như các biến thể đáng quan tâm khác. Do đó, với phương châm “an toàn đến đâu mở cửa đến đó”, các đơn vị địa phương tỉnh mở cửa từng bước và có thí điểm trong một khoảng thời gian nhất định, nếu tình hình ổn định mới “mở cửa” tiếp và từng bước về trạng thái bình thường mới.
Theo đó, khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 về tạm thời Nghị quyết số 128/NQ-CP Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, BCĐ tỉnh đã triển khai việc “mở cửa” để thích ứng an toàn một cách thận trọng. Nhờ việc chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản trước đó, trong khi chờ các bộ, ngành Trung ương hướng dẫn triển khai thực hiện, để ổn định đời sống nhân dân và các hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh, BCĐ tỉnh đã kịp thời ban hành những văn bản hướng dẫn tạm thời “mở cửa, nới lỏng” các hoạt động kinh tế-xã hội, lưu thông, kiểm soát dịch bệnh cho người dân trong tình hình mới.
Ý thức tự giác của người dân về thực hiện nghiêm 5K và khai báo y tế trong khi di chuyển từ nơi này qua nơi khác là mấu chốt để bảo vệ thành quả chống dịch trong thời gian qua. Trong ảnh: Người dân khai báo y tế điện tử khi đi qua chốt kiểm dịch trên QL.51, TX.Phú Mỹ. Ảnh: THÀNH HUY |
Không để dịch tái bùng phát
BCĐ tỉnh xác định, trong giai đoạn “mở cửa, thích ứng an toàn” việc kiểm soát không để dịch tái bùng phát là nhiệm vụ nặng nề và khó khăn hơn. Dù vậy, phát huy tinh thần của cuộc chiến 90 ngày đêm dập dịch, mọi nguồn lực vẫn tiếp tục được tập trung cho công tác phòng chống dịch.
Trong buổi họp BCĐ tỉnh mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh một lần nữa yêu cầu cần tập trung nguồn lực hướng về cơ sở để hỗ trợ các địa phương thực hiện công tác phòng chống dịch, nhất là vai trò của lực lượng công an, quân sự, y tế… “Áp lực với tỉnh lần này lớn hơn nhiều so với việc thực hiện giãn cách khóa chặt như trước đây. Dù vậy, trong tình hình hiện nay chúng ta phải thay đổi phương pháp tiếp cận trong phòng chống dịch để thích nghi với hoàn cảnh mới. Đó là, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, chủ động phản ứng nhanh, kịp thời trong việc kiểm soát các mối nguy, đối tượng nguy cơ lây nhiễm cao”, Bí thư Tỉnh ủy nói.
Theo đó, BCĐ tỉnh yêu cầu các hoạt động phòng chống dịch đã triển khai trong cuộc chiến chống dịch vừa qua phải tiếp tục được duy trì. Đặc biệt là phát huy mạnh mẽ hoạt động tổ COVID-19 trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, hàng loạt các giải pháp được tăng cường trong giai đoạn hiện nay là tập trung vào việc kiểm soát người ra vào trong từng địa bàn và từ ngoài tỉnh; tổ chức kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định phòng chống dịch tại DN, cơ sở kinh doanh dịch vụ (được phép mở cửa), cơ sở lưu trú, khu công nghiệp; ứng dụng công nghệ thông tin trong khai báo y tế, truy vết, kiểm soát dịch bệnh; xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm...
Song song đó, BCĐ tỉnh yêu cầu các địa phương phải định kỳ xác định cấp độ dịch tại địa bàn quản lý theo hướng dẫn của Bộ Y tế; làm tốt công tác dự báo, nắm tình hình, diễn biến dịch bệnh; kịp thời rà soát, điều chỉnh kịch bản, phương án phù hợp với tình hình, diễn biến dịch bệnh, chuẩn bị nguồn lực con người, cơ sở vật chất, cách vận hành, tổ chức diễn tập để chủ động phản ứng kịp thời, đồng bộ, hiệu quả.
Đối với các ngành nghề, lĩnh vực, hoạt động được “nới lỏng, mở lại” theo lộ trình phải có biện pháp để quản lý, bảo đảm thực hiện nghiêm quy định “5K”; tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý các cơ sở sản xuất kinh doanh chưa được phép nhưng hoạt động.
BCĐ tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung vào việc nắm chắc danh sách người lao động tại các khu nhà trọ, công trường, nhà xưởng trên địa bàn, có giải pháp quản lý kiểm soát chặt việc di chuyển của người dân ra, vào tỉnh.
Đồng thời, tỉnh tiếp tục triển khai việc bao phủ tiêm vắc-xin, bảo đảm người dân trên địa bàn tỉnh đều được tiêm 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 và tiến tới mũi tăng cường sau 6 tháng tiêm mũi 2, nhằm tăng hiệu quả bảo vệ trước các biến thể mới của SARS-CoV-2.
MINH THIÊN