KỲ HỌP THỨ HAI, QUỐC HỘI KHÓA XV

Trình Quốc hội nhiều nội dung quan trọng trong ngày làm việc đầu tiên

Thứ Tư, 20/10/2021, 23:26 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng 20/10, Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV đã khai mạc trọng thể theo hình thức trực tuyến qua cầu truyền hình từ Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội đến 62 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Kỳ họp.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Kỳ họp.

Kiểm soát dịch bệnh, khôi phục kinh tế

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các đại biểu tham gia đầy đủ các phiên họp toàn thể của Quốc hội, các cuộc họp của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, của các Tổ và Đoàn đại biểu Quốc hội, để nghiên cứu kỹ lưỡng, phản ánh khách quan, thảo luận sôi nổi, hiến kế và đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng; chất vấn đúng và trúng các vấn đề trọng tâm, thời sự mà cử tri cả nước quan tâm và biểu quyết, quyết định các vấn đề rất quan trọng thuộc nội dung chương trình kỳ họp đã được Quốc hội thông qua, góp phần làm nên thành công của kỳ họp, đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân và cử tri cả nước.

Trình bày Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ tập trung nỗ lực cao nhất cho phòng, chống dịch COVID-19. Đồng thời, Chính phủ khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án, kịch bản cụ thể, sát hợp với tình hình thực tế; quyết liệt hành động, triển khai thực hiện hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra theo phương châm nhạy bén, linh hoạt, sáng tạo, bình tĩnh, kịp thời với mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng thúc đẩy viện trợ, nhập khẩu vắc xin, nghiên cứu chuyển giao công nghệ và sản xuất trong nước, đẩy nhanh tiến độ bao phủ tiêm vắc xin, chuẩn bị thuốc điều trị cần thiết, nâng cao năng lực y tế, nhất là công tác điều trị và ở cơ sở; có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, phấn đấu kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc để tập trung khắc phục hậu quả của dịch bệnh và khôi phục, phát triển kinh tế, xã hội.

Cùng với đó là, khẩn trương hoàn thiện, báo cáo cấp có thẩm quyền Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội; rà soát, tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc về thể chế; giảm thiểu các thủ tục và chi phí sản xuất kinh doanh. Chính phủ điều chỉnh linh hoạt chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác để giữ vững ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; thúc đẩy mạnh mẽ xuất khẩu; kiểm soát chặt chẽ giá cả, thị trường; tập trung ưu tiên triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp; nhanh chóng khôi phục thị trường lao động do bị tác động trực tiếp bởi dịch COVID-19...

Trong dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2022, Chính phủ đã đề ra 16 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường; trong đó tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt khoảng 6-6,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; bội chi ngân sách nhà nước so với GDP khoảng 4%.

Để đạt được các mục tiêu này, Chính phủ đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; triển khai hiệu quả Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch, có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của các cấp, các ngành ngay từ đầu năm 2022. 

Quang cảnh kỳ họp.
Quang cảnh kỳ họp.

Xem xét nhiều nội dung quan trọng

Tại Phiên khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Cuối phiên họp buổi sáng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV; Trưởng ban Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.

Trong phiên họp buổi chiều, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2022-2024; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra về nội dung này.

Sau đó, Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí trình bày Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng Hình sự. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê.

Cuối phiên làm việc chiều, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng Hình sự; Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê.

QUỲNH HOA

Kiến nghị sửa đổi một số nội dung trong Bộ luật Tố tụng hình sự 

Chiều 20/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS)…

Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy,  Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu góp ý về Dự án Luật Sửa đổi,  bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự. Ảnh: CHÂU VŨ
Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu góp ý về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự. Ảnh: CHÂU VŨ

Tại điểm cầu BR-VT, các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh BR-VT tham dự kỳ họp, gồm: Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; bà Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Chuẩn Đô đốc Đỗ Văn Yên, Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân; Đại tá Nguyễn Tâm Hùng, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và bác sĩ Dương Tấn Quân, bác sĩ BV Bà Rịa.

Tham gia thảo luận tổ về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTHS, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh BR-VT, bà Nguyễn Thị Yến khẳng định, việc Quốc hội xem xét, thông qua sửa đổi BTTTHS là phù hợp với cam kết hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP.

Về phạm vi sửa đổi bộ luật, đại biểu Nguyễn Thị Yến cho rằng Dự thảo luật đã rà soát được những điều, khoản bất cập trong BLTTHS hiện hành với Hiệp định CPTPP. “Trước diễn biến phức tạp của tình hình thiên tai, dịch bệnh, dự thảo luật đã kịp thời cập nhật sửa đổi, bổ sung căn cứ tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố; căn cứ tạm đình chỉ điều tra và căn cứ tạm đình chỉ vụ án trong giai đoạn truy tố “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh” tại các Điều 148, Điều 229, Điều 247 - BLTTHS là phù hợp thực tiễn”, bà Yến nói.

Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Yến cũng kiến nghị sửa đổi một số nội dung trong Dự thảo luật như căn cứ để tạm đình chỉ giải quyết tố giác, nguồn tin về tội phạm; quy định về thời hạn tạm giam trong trường hợp Tòa án tạm đình chỉ vụ án; cần có quy định và hướng dẫn thế nào là người có nhược điểm về thể chất, người có nhược điểm về tâm thần…

MINH THIÊN

 

 

;
.