KỲ HỌP THỨ HAI, QUỐC HỘI KHÓA XV

Thảo luận về cơ chế, chính sách đặc thù ở 4 địa phương và chính sách BHXH, BHYT

Thứ Tư, 27/10/2021, 22:54 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 27/10 Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về cơ chế, chính sách đặc thù ở 4 địa phương TP.Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế; Thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020. Việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 2 năm 2019-2020.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận trực tuyến tại kỳ họp. Ảnh: NGUYỄN THI
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận trực tuyến tại kỳ họp. Ảnh: NGUYỄN THI

Đồng bộ chính sách đặc thù làm đòn bẩy phát triển 4 tỉnh, thành phố

Các đại biểu Quốc hội nhất trí ban hành nghị quyết của Quốc hội để thể chế hóa các nghị quyết của Bộ Chính trị nhằm tạo cơ chế huy động nguồn lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cho các địa phương này.

Về việc 2 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An là 2 tỉnh Bắc Trung bộ được hưởng cơ chế đặc thù, các đại biểu cho rằng, Nghệ An, Thanh Hóa là 2 tỉnh lớn; nếu tạo ra những động lực để 2 tỉnh này phát triển sẽ tác động lớn đến dân số, các điều kiện để phát triển vùng Bắc Trung bộ.

Thảo luận về nội dung này, bà Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh BR-VT cơ bản thống nhất với dự thảo 3 nhóm cơ chế đặc thù đối với tỉnh Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, để bảo đảm tính thống nhất phù hợp với các quy định có liên quan, tạo điều kiện cho các địa phương thực hiện hiệu quả cơ chế đặc thù, đề nghị QH và Ban soạn thảo quan tâm xem xét cân nhắc về việc thành lập và hoạt động của Quỹ bảo tồn di sản Huế đối với nội dung về nguồn hỗ trợ, đóng góp từ ngân sách nhà nước từ các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, để bảo đảm tính đồng bộ với các luật có liên quan. Vì theo khoản 9, điều 9 Luật Ngân sách Nhà nước quy định: “… không được dùng ngân sách của địa phương này để chi cho nhiệm vụ của địa phương khác”.

Vấn đề thứ 2 trong dự thảo Nghị quyết là cần làm rõ, bổ sung thêm nhiệm vụ chi của Quỹ bảo tồn di sản Huế khi thực hiện các dự án bảo tồn, tôn tạo và phục hồi di sản do nhà nước quản lý trên địa bàn tỉnh không sử dụng ngân sách nhà nước.

Lo ngại cuộc sống của người lao động khi về già

Liên quan đến các chính sách BHXH, BHYT, nhiều ĐBQH cho rằng, việc nhận BHXH một lần sẽ khiến đa số người lao động không tích lũy đủ thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu hoặc nếu đủ thì mức lương hưu rất thấp vì thời gian đóng ngắn nên khi về già sẽ gặp nhiều khó khăn.

BHXH có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là một trong những trụ cột an sinh xã hội của quốc gia, tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề đáng quan tâm, trong đó số người hưởng BHXH một lần tăng cao, ảnh hưởng rất lớn đến tính bền vững phát triển BHXH. Đa phần người hưởng chế độ BHXH một lần (giai đoạn 2016-2020) tập trung ở độ tuổi từ trên 20 tuổi đến đủ 40 tuổi (chiếm 80,9%), phản ánh một thực tế là đời sống, thu nhập của người lao động đang gặp khó khăn, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 kéo dài khiến họ phải rút phần tiền để dành cho quỹ hữu trí để tiêu dùng trong hiện tại. Dự báo có thể số người hưởng chế độ BHXH một lần sẽ tăng cao vào các năm tiếp theo.

Tham gia thảo luận về các chính sách liên quan BHXH, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn ĐBQH tỉnh BR-VT) cho rằng: QH và Chính phủ cần có giải pháp cụ thể để xử lý tình trạng nợ đọng BHXH, hạn chế thấp nhất nợ đọng kéo dài; quan tâm tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các tình trạng cấu kết, lập khống làm giả hồ sơ hưởng chế độ.

Về mức chi hỗ trợ đối với các đối tượng trợ cấp hưởng lao động tai nạn nghề nghiệp hiện nay theo quy định tại Thông tư 26 của Bộ Lao động TB XH, đại biểu Phúc cho rằng mức chi này chưa phù hợp thực tế, đề nghị QH xem xét mức chi hỗ trợ theo hướng đóng nhiều hưởng nhiều, hoặc hưởng 1 mức hiện nay thì phải điều chỉnh theo hướng tăng.

Đối với các giải pháp phát triển số lượng và tỷ lệ tham gia BHYT, đại biểu Phúc đề nghị QH, cơ quan chức năng xem xét các giải pháp cân đối giữa phát triển số lượng và chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh; đặc biệt là cần mở rộng danh mục và chất lượng thuốc ở tuyến cơ sở nhằm hạn chế người khám chữa bệnh vượt tuyến, đồng thời thu hút người tham gia BHYT

Đại biểu Phúc cũng đề nghị QH, Chính phủ cần xem xét quy định tỷ trọng cân đối với kết dư của quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, dành cho hoạt động chăm sóc sức khỏe và phòng ngừa tại nạn lao động bệnh nghề nghiệp; điều chỉnh nội dung trong quy định giao cho Công đoàn thực hiện việc khởi kiện ra tòa án đối với hành vi vi phạm về BHXH, để giải quyết những vướng mắc phát sinh.

PHAN HOÀNG - NGUYỄN THI

;
.