Tạo sự thay đổi rõ nét trong mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào tăng năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, hiệu quả sử dụng nguồn lực, tính tự chủ và khả năng thích ứng của nền kinh tế, từng bước hướng tới nền kinh tế dựa vào khoa học-công nghệ...
Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh điều hành thảo luận tổ về Dự kiến Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ. Ảnh: MINH THIÊN |
Đây là một trong những nội dung tại Tờ trình của Chính phủ về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, do Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, diễn ra chiều 29/10.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, thời gian tới, bối cảnh quốc tế, trong nước có những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Đặc biệt, dịch bệnh COVID-19 diễn biến nhanh, phức tạp, còn có thể kéo dài và có những yếu tố bất định, tác động trực tiếp tới các trung tâm kinh tế, đô thị lớn, gây đình trệ sản xuất, đứt gẫy chuỗi cung ứng, tác động đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.
“Trước bối cảnh đó, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế cần được thực hiện nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi, tận dụng cơ hội và tạo đà bứt phá cho giai đoạn tới,” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Cụ thể, kế hoạch đề xuất 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể bao gồm: Hoàn thành cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, đầu tư công, ngân sách Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; phát triển các loại hình thị trường, nâng cao hiệu quả huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực; phát triển lực lượng doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực nội tại và tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng khẳng định kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 hướng đến mục tiêu tạo sự thay đổi rõ nét trong mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào tăng năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, hiệu quả sử dụng nguồn lực, tính tự chủ và khả năng thích ứng của nền kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; đẩy mạnh cải cách thể chế.
Cân bổ sung làm rõ hơn một số nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến kinh tế biển Tham gia thảo luận trực tuyến về dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn ĐBQH tỉnh BR-VT) đề nghị QH, Ban Soạn thảo xem xét, điều chỉnh quy định ở Điểm a, Khoản 4, Điều 10 các hành vi bị nghiêm cấm “thông đồng với người thụ hưởng để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật”. Bởi trên thực tế, có tình trạng ngoài việc thông đồng với người thụ hưởng thì hành vi gian lận có thể diễn ra thông qua việc tận dụng kẽ hở pháp lý, có thể thông qua người khác không trực tiếp với người thụ hưởng để thỏa thuận… Do vậy, cần quy định chặt chẽ hơn như: phải bao gồm bất kể hành vi nào có tính chất tương tự nhằm mục đích thỏa thuận, móc nối để giải quyết bồi thường bảo hiểm. Trong quy định tại Điểm b, c, Khoản 4, Điều 10: “Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra; giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm”. Trên thực tế, hành vi gian lận đôi khi không chỉ xảy ra như dự thảo nêu trên mà còn có thể xảy ra việc nhân viên bán bảo hiểm lợi dụng sự thiếu hiểu biết của khách hàng mà cố ý viết, điền, khai hộ và khai sai lệch thông tin của khách hàng trên văn bản giao kết với DN bảo hiểm. Việc này có thể dẫn đến việc khi khách hàng yêu cầu bồi thường thì DN căn cứ vào thông tin khách hàng ký kết để từ chối chi trả bồi thường theo cam kết làm ảnh hưởng đến quyền lợi ích của bên tham gia bảo hiểm. Do đó, đề nghị bổ sung quy định cấm hành vi gian lận này vào luật.
Ngoài ra, đại biểu Phúc đề nghị QH, Ban Soạn thảo cân nhắc điều chỉnh bổ sung một số nội dung trong các quy định: quyền của bên mua bảo hiểm; hình thức hợp đồng bảo hiểm; quy định về điều kiện thành lập chi nhánh DN bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, chi nhánh DN tái bảo hiểm nước ngoài… Về Dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh BR-VT cơ bản thống nhất với 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế do Chính phủ đề ra. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị QH và Chính phủ cân nhắc, quan tâm cơ cấu lại các ngành trong nhóm nhiệm vụ, giải pháp thứ 5 của Kế hoạch, bổ sung làm rõ hơn một số nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến kinh tế biển giai đoạn 2021-2025. Trong đó, QH, Chính phủ quan tâm, cần tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch, dịch vụ biển; khai thác có hiệu quả các cảng biển và dịch vụ vận tải biển; nuôi trồng và khai thác hải sản theo phương thức công nghiệp và ứng dụng công nghệ cao; phát triển công nghiệp ven biển; ưu tiên đầu tư năng lượng tái tạo… |
Bảo đảm quỹ đất cho thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội
Trình bày Tờ trình tóm tắt Về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết Quy hoạch sử dụng đất quốc gia được xây dựng trên cơ sở các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp lớn đặt ra đối với quản lý, sử dụng đất đai trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các Nghị quyết, Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội về đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch đảm bảo thống nhất, đồng bộ; phân bổ, huy động quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển trước mắt và lâu dài, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, an ninh lương thực quốc gia; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; gắn với hình thành và phát triển các trung tâm kinh tế biển mạnh .
Về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025), Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết Quy hoạch sử dụng đất đáp ứng các mục tiêu: bảo đảm quỹ đất cho thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; tạo nền tảng để đến năm 2045, nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Phân bổ hợp lý đất đai cho các ngành, các địa phương phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; đáp ứng yêu cầu phát triển kết cấu hạ tầng, công nghiệp hóa, đô thị hóa, phát triển văn hóa xã hội, bảo vệ các hệ sinh thái, giữ ổn định 3,5 triệu ha đất trồng lúa; đảm bảo độ che phủ rừng ổn định ở mức 42-43%... kết nối các hành lang kinh tế, vùng động lực; khai hoang, phục hóa, lấn biển, đưa đất chưa sử dụng vào sử dụng; cải tạo, phục hồi diện tích đất bị thoái hóa gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
VIỆT ĐỨC - NGUYỄN THI