Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh BR-VT và các đại biểu tham dự kỳ họp tại điểm cầu Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh. Ảnh: NGUYỄN THI |
Tiếp tục chương trình kỳ họp, sáng 30/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.
Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, việc mở rộng không gian kinh tế rất quan trọng, nhất là phát triển kinh tế đô thị, tăng cường liên kết vùng, liên kết đô thị - nông thôn, phát huy vai trò vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn. Về cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay, các đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm đến việc tiếp tục thực hiện cơ cấu đồng bộ từ trên xuống dưới, ở tất cả các ngành. Việc đổi mới tăng trưởng phải kiên định mục tiêu là đổi mới theo chiều sâu, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Nhiều ý kiến ủng hộ việc cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng đổi mới, trong đó cần tận dụng những lợi thế của công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất kinh tế. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lưu ý để có thể tạo được đột phá mang tính bền vững cần tạo lập niềm tin cho người dân khi tham gia sử dụng các dịch vụ công kỹ thuật số. Đó là niềm tin về việc bảo vệ và sử dụng dữ liệu của người dân cho mục đích công cộng, tránh tình trạng nghi ngại trong việc cài đặt các ứng dụng để triển khai sử dụng trên diện rộng.
Về vấn đề quy hoạch chung, quy hoạch chuyên ngành, nhiều đại biểu cho rằng, cần triển khai đồng bộ, thống nhất, tránh sự chồng chéo. Với tinh thần quy hoạch đi trước một bước, việc quy hoạch phải được xây dựng, triển khai sớm, tránh tình trạng một số địa phương, một số ngành đến thời điểm tổ chức triển khai mới quy hoạch. Đại biểu cũng đánh giá, liên kết vùng là hết sức cần thiết, rất cần sự điều hành của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền với quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án cụ thể và rõ ràng.
Cần bổ sung thêm mục tiêu giải pháp khắc phục hiệu quả tác động của đại dịch COVID-19
Trong phần thảo luận về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, trong văn bản tham gia thảo luận, ĐB Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh BR-VT cho rằng: Về mục tiêu tổng quát trong Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, tôi đề xuất Chính phủ cân nhắc bổ sung thêm nội dung “Thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục có hiệu quả tác động của đại dịch COVID-19, nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế”. Vì trong giai đoạn tới, bối cảnh thế giới trở nên bất định và nhiều rủi ro hơn bởi COVID-19, nên cần phải hướng tới thêm mục tiêu này.
Trong phần nhiệm vụ, giải pháp, về cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, qua nghiên cứu, tôi nhận thấy nguyên nhân hạn chế trong cơ cấu lại các tổ chức tín dụng chủ yếu là nguyên nhân chủ quan, tập trung chính ở cơ sở pháp lý với sự chồng chéo, mâu thuẫn, chưa thống nhất liên quan đến các Luật, Nghị định, Thông tư. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh trách nhiệm, tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ trong rà soát, điều chỉnh hoàn thiện cơ chế pháp lý có sự bất cập và chưa kịp thời, để sự thiếu đồng bộ trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quá lớn, diễn ra trong thời gian dài. Tôi đề nghị cần rà soát lại các vướng mắc pháp lý một cách tổng thể và toàn diện, nhằm tập trung xây dựng “hoàn thiện hành lang pháp lý” để “thông điểm nghẽn”; để cơ cấu lại tổ chức tín dụng.
Về nội dung cơ cấu lại DN nhà nước, thoái vốn DN nhà nước, hiện nay, cơ cấu lại DN nhà nước chủ yếu được thực hiện theo hình thức cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2016 - 2020, số lượng DN thực hiện cổ phần hóa là 39/128 DN chỉ đạt 28% - 30 % kế hoạch.
Do đó, để làm được điều này, cần chú trọng hoàn thiện thể chế; hiện đại hóa quản trị DN; phân định rõ việc quản lý vốn và quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh. Phân loại DN để thúc đẩy cải cách; chia DN nhà nước thành 2 loại hình lớn là thương mại và công ích; đảm bảo công khai, minh bạch.
|
Chiều 30/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025).
Các đại biểu cho rằng, việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020 đã tạo ra nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước; đồng thời nhất trí với sự cần thiết phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) quốc gia.
Bên cạnh đó, các đại biểu kiến nghị Chính phủ chỉ đạo sớm xây dựng, hoàn thiện Cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và bản đồ địa hình quốc gia theo Luật Đo đạc và bản đồ; nhằm cung cấp cơ sở dữ liệu cho việc xây dựng hệ thống dữ liệu quốc gia; thúc đẩy nhanh việc quản lý dữ liệu quy hoạch đất đai theo không gian cần phát triển đô thị trên cơ sở định hướng giao thông công cộng. Một số đại biểu đề xuất chú trọng đến yếu tố nền tảng số trong công tác quản lý nhà nước về đất đai chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi ích thực tế cho nền kinh tế và người dân, đặc biệt khi chúng ta đang chuẩn bị cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội, thích ứng an toàn với dịch bệnh.
Cùng với đó, một số đại biểu đề nghị xác định rõ nguyên tắc, tiêu chí cho phép chuyển đổi đất trồng lúa, khu vực cần chuyển đổi hoặc cần giữ; cần hạn chế thấp nhất việc chuyển đổi đất lúa sang đất khu công nghiệp vì đất này khó có thể bảo đảm quay trở lại trồng lúa. Đối với địa phương có diện tích đất trồng lúa lớn, Chính phủ cần tổng kết thực hiện chính sách hỗ trợ để đưa ra các chính sách phù hợp hơn và có giải pháp tăng giá trị lúa gạo.
Một số đại biểu cho rằng, nếu Quốc hội thông qua nội dung phân cấp cho HĐND cấp tỉnh quyết định việc chuyển mục đích sử dụng đất đối diện tích đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ của các dự án có sử dụng đất mà trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được Chính phủ phê duyệt, việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời gian tới sẽ được tốc độ hơn, hiệu quả cao hơn, kéo theo giải ngân đầu tư công, huy động nguồn lực đầu tư xã hội được tốt hơn và chắc chắn sẽ đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP của cả nền kinh tế. Đây cũng là bước tiến quan trọng về cải cách hành chính. Cùng với việc phân cấp, đề nghị Chính phủ cá thể hóa trách nhiệm đối với người đứng đầu các địa phương trong quản lý đất đai, kết hợp với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đảm bảo hiệu quả của việc phân cấp.
Cũng trong chiều 30/10, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, đợt 1 của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã diễn ra cơ bản thành công tốt đẹp và dự kiến trong đợt 2, Thủ tướng Chính phủ và 4 Bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn 4 nhóm vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
HỒNG ĐIỆP - MINH THIÊN