Bàn cách triển khai, tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết 128

Thứ Sáu, 29/10/2021, 15:52 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng 29/10, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Hội thảo tuyên truyền Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” và Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế ban hành hướng dẫn tạm thời thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP.

Các đại biểu tham dự hội thảo.
Các đại biểu tham dự hội thảo.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn cho biết: Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 4800/QĐ-BYT được ban hành hết sức kịp thời, phù hợp với tình hình phòng chống dịch bệnh và phục hồi phát triển kinh tế xã hội hiện nay. Nghị quyết 128 được người dân, doanh nghiệp, các tầng lớp xã hội đồng tình ủng hộ; tạo ra bước ngoặt trong tư duy, cách thức mới trong phòng, chống dịch; chính sách chống dịch sẽ quy về một mối, thống nhất trong toàn quốc.

“Đây là hội thảo đầu tiên Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Y tế tổ chức, thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác truyền thông chủ động đi trước. Hội thảo nhằm trao đổi cặn kẽ những vướng mắc, những nội dung quan trọng cần được truyền thông tốt hơn và để các cơ quan báo chí có kiến nghị, đóng góp với Bộ Y tế trong thực tế truyền thông phòng, chống dịch”, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn nói.

Bà Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế)  cho rằng: “Một trong những vấn đề được quan tâm nhất trong triển khai Nghị quyết 128 và Quyết định 4800 là vừa bảo đảm thống nhất, thông suốt trên toàn quốc, không ‘cát cứ’, không chia cắt, tránh mỗi nơi làm một kiểu, vừa đồng thời phát huy được tính chủ động, sáng tạo của các địa phương”.

Theo đó, sau gần 20 ngày triển khai thực hiện Nghị quyết 128 và Quyết định 4800, toàn bộ 63 tỉnh, thành trên cả nước đã tổ chức triển khai đánh giá và công bố cấp độ dịch. Có hơn 40 tỉnh, thành phố ban hành Kế hoạch thích ứng của địa phương hoặc có văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch trong sản xuất và hoạt động giao thông...

Về vấn đề đang rất được quan tâm hiện nay là tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dưới 18 tuổi; Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết: Bộ Y tế đã có yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch tiêm cho trẻ em, trong đó có đối tượng 12 - 17 tuổi, báo cáo Bộ Y tế để Bộ Y tế có kế hoạch tiếp cận, phân bổ vaccine cho lứa tuổi này.

"Việc tiếp cận vaccine của Việt Nam thời gian qua tuy rất tích cực nhưng số lượng nhập về chưa đạt yêu cầu. Khi có số liệu tổng hợp của các tỉnh, thành phố gửi về; căn cứ vào số vaccine tiếp cận được, chúng tôi sẽ báo cáo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 để phân bổ để hợp lý, đảm bảo công tác phòng chống dịch.

Về vấn đề an toàn tiêm chủng, Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn, chiều ngày 29/10, Bộ sẽ tổ chức tập huấn cho 63 tỉnh thành về tiêm chủng cho trẻ em 12- 17 tuổi; trong đó có nội dung an toàn tiêm chủng” - Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết.

Đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Theo quan điểm chung của Chính phủ và Bộ Y tế, trước đây là ưu tiên vaccine tiêm cho người trên 18 tuổi, đặc biệt là những người trên 50 tuổi; mục tiêu là để giảm nguy cơ tử vong. Thời gian qua, chúng ta đã làm tốt chủ trương này, đẩy tỷ lệ tiêm vaccine lên rất nhanh; đã có trên 70 triệu liều vaccine đã được tiêm.

Từ ngày 14/10, Bộ Y tế đã có công văn hướng dẫn gửi các địa phương về triển khai tiêm mở rộng đối tượng tiêm chủng với người dưới 18 tuổi, cụ thể là độ tuổi 12 - 17 tuổi. Tuy nhiên trong giai đoạn còn những khúc mắc, chúng ta tiêm cho độ tuổi 16 - 17 tuổi; trên tinh thần vẫn tập trung tối đa ưa tiên tiêm cho người trên 50 tuổi trước, khi các đối tượng này được tiêm đầy đủ sẽ triển khai mở rộng sang đối tượng trẻ em.

Hiện nhiều địa phương đã rà soát đối tượng, xây dựng kế hoạch tiêm chủng; một số địa phương đã có kế hoạch triển khai tiêm cho trẻ em từ 16 - 17 tuổi vào đầu tháng 11/2021.

Hiện, theo Nghị quyết số 128 và Quyết định số 4800, tại các khu vực vùng xanh, trẻ em có thể đi học bình thường, không nhất thiết phải học trực tuyến. Về việc học trực tuyến, các địa phương dựa vào tình hình dịch để cân đối, đưa ra quyết định để đảm bảo phòng dịch trước và đảm bảo chất lượng dạy và học.

Gửi ý kiến đến hội thảo, bà Vũ Việt Trang, Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam nêu vấn đề Nghị quyết và hướng dẫn phải làm sao để đảm bảo khoanh vùng nhỏ nhất, theo đỏ, cam, xanh, vàng, các địa phương không tự nâng cấp lên quy mô lớn hơn như huyện, tỉnh.

Tổng biên tập báo Giao Thông, Nguyễn Bá Kiên phát biểu tại hội thảo.
Tổng biên tập báo Giao Thông, Nguyễn Bá Kiên phát biểu tại hội thảo.

Tổng biên tập báo Giao Thông, ông Nguyễn Bá Kiên cho rằng, chính sách sống chung với COVID-19 là rất phù hợp và đến nay đã bắt đầu phát huy tác dụng trong chống dịch và phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, cần sớm hoàn thiện thể chế liên quan phòng chống dịch và có chế tài đi kèm.

TTXVN

 

;
.