.
THỦ TƯỚNG PHẠM MINH CHÍNH

Nghiên cứu, thiết lập cơ chế an toàn với COVID-19

Cập nhật: 23:36, 06/09/2021 (GMT+7)

“Nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học để có biện pháp thích ứng an toàn với dịch bệnh; thiết lập cơ chế an toàn gồm di chuyển an toàn, sản xuất an toàn, dịch vụ an toàn, ý thức an toàn”. Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8/2021 được tổ chức ngày 6/9. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp. Ảnh: K.B
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp. Ảnh: K.B

Nhiều chỉ tiêu kinh tế khả quan

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng khẳng định, trong bối cảnh rất khó khăn do tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, kinh tế vĩ mô vẫn ổn định, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 8 tháng tăng 1,79% so với cùng kỳ, thấp nhất kể từ năm 2016. Thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại hối cơ bản ổn định; mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm.

Thu ngân sách Nhà nước tính chung 8 tháng đạt gần 75% dự toán, tăng trên 14% so với cùng kỳ. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt khá; an ninh lương thực, thực phẩm được bảo đảm; nông nghiệp là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 8 tháng tăng 5,6%. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 8 tháng tăng 27,2%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện đạt trên 11,58 tỷ USD, tăng 2%. 

Đặc biệt, các cấp, các ngành chú trọng bảo đảm an sinh xã hội và đời sống người dân. Đến nay đã có khoảng 15 triệu lao động được hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP với tổng số tiền 8.400 tỷ đồng; hỗ trợ 1,2 triệu lao động tự do với số tiền trên 2.100 tỷ đồng; 37 ngàn hộ sản xuất kinh doanh được nhận hỗ trợ. Chính phủ đã cho xuất cấp 134 ngàn tấn gạo hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch bệnh; triển khai trên 2 triệu túi an sinh xã hội. Mặt trận Tổ quốc tại 63 tỉnh, thành phố đã vận động tổ chức, cá nhân ủng hộ 6.600 tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội. Thủ tướng đánh giá tình hình trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững. Hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh, đặc biệt ngoại giao vắc xin đạt hiệu quả. 

Người đứng đầu Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, thách thức như: Nhiều địa phương phải kéo dài thời gian giãn cách, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của nhân dân, làm gián đoạn nhiều hoạt động kinh tế-xã hội và sản xuất kinh doanh của một bộ phận DN. Các lĩnh vực kinh tế có xu hướng giảm, đặc biệt là các khu vực công nghiệp và dịch vụ. Giải ngân vốn đầu tư công chậm, đến nay mới đạt 40,6% kế hoạch, trong đó vốn ngoài nước đạt 7,94%. Đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Tình hình sản xuất, kinh doanh nhiều lĩnh vực bị ngưng trệ; số DN đăng ký thành lập mới giảm mạnh trong tháng 8; có trên 85 ngàn DN rút lui khỏi thị trường trong 8 tháng đầu năm, tăng 24,2% so với cùng kỳ. 

Xây dựng kịch bản phục hồi kinh tế

Trên cơ sở phân tích, nhận định tình hình cả ở trong nước, khu vực và quốc tế; ý kiến thảo luận của các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo một số nhiệm vụ, giải pháp để phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2021.

Theo Thủ tướng, trước mắt cần ưu tiên cao nhất cho việc sớm kiểm soát dịch bệnh, đồng thời từng bước khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh. “Đặc biệt, cần nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học để có biện pháp thích ứng an toàn với dịch bệnh; thiết lập cơ chế an toàn, gồm: di chuyển an toàn, sản xuất an toàn, dịch vụ an toàn, ý thức an toàn”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm khác như: xây dựng kịch bản phục hồi, tăng trưởng kinh tế trong điều kiện đã tiêm vắc xin bao phủ diện rộng; điều hành hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác, giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, an sinh xã hội và chuỗi cung ứng không bị đứt gãy; khẩn trương xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, trước hết chọn 1-2 tổ chức để làm trước, rút kinh nghiệm. Các cấp, các ngành cần chủ động tiếp nhận, xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, nhất là trong lưu thông hàng hóa, thủ tục thông quan xuất nhập khẩu. Về việc không được để đứt gãy chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất cung ứng, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phối hợp xây dựng tiêu chí về vùng an toàn; hướng dẫn, hỗ trợ DN tổ chức lại, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh theo nguyên tắc “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”. 

Thủ tướng Chính phủ đề nghị các ngành, địa phương liên quan nghiên cứu thí điểm thu hút khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc từ nay đến cuối năm; đẩy mạnh triển khai các dự án trọng điểm quốc gia; đẩy nhanh xử lý các dự án thua lỗ yếu kém; tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ, không để ứ đọng nông sản; triển khai đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả khuyến nghị của EC để gỡ “thẻ vàng” (IUU) và hướng tới phát triển thủy sản biển bền vững.

Người đứng đầu Chính phủ lưu ý, các cấp, các ngành phải bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, không có chỗ ở, không được hỗ trợ về y tế. Cần đẩy mạnh triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/QĐ-TTg hiệu quả, thiết thực; triển khai, tổ chức năm học mới thích ứng với tình hình dịch bệnh, bảo đảm an toàn; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, truyền hình gắn với nâng cao chất lượng dạy và học; sớm nghiên cứu việc miễn giảm học phí; có biện pháp ngăn chặn tình trạng thu gộp, thu cao hơn quy định, lạm thu gây bức xúc trong nhân dân, nhất là ở thời gian đầu năm học. 

ĐƯC TUÂN

.
.
.