.

Thủ tướng Phạm Minh Chính họp trực tuyến với hơn 9.000 xã, phường toàn quốc

Cập nhật: 22:26, 05/09/2021 (GMT+7)

Chiều 5/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã chủ trì họp trực tuyến toàn quốc Ban Chỉ đạo Quốc gia với các địa phương về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Cuộc họp được kết nối tới hơn 9.000 điểm cầu tại các xã, phường, thị trấn; quận, huyện, thị xã; tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc của Ban Chỉ đạo với các địa phương. Ảnh: NHẬT BẮC
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc của Ban Chỉ đạo với các địa phương. Ảnh: NHẬT BẮC

Cuộc họp lấy trọng tâm bàn việc phòng, chống dịch tại xã phường, thị trấn, thực hiện chủ trương “lấy xã, phường, thị trấn làm pháo đài; mỗi người dân là một chiến sĩ” trong phòng, chống dịch.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia, đợt dịch thứ tư bắt đầu từ 27/4 đến ngày 4/9, cả nước đã ghi nhận hơn 508.000 ca mắc, trong đó 279.699 người đã khỏi bệnh, 12.758 ca tử vong. 10/62 tỉnh đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới, 6 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát, có 1 tỉnh chưa ghi nhận ca mắc.

Giai đoạn giãn cách xã hội và tăng cường thực hiện giãn cách xã hội từ 22/8-4/9 tại 23 địa phương đã ghi nhận 160.592 ca mắc. Số ca mắc mới theo ngày tiếp tục tăng do đang thực hiện đợt cao điểm xét nghiệm tầm soát trên diện rộng. So với 1 tuần trước, 7/23 địa phương có số mắc mới trong tuần tăng; 16 địa phương ghi nhận số mắc giảm so với tuần trước, trong đó, 8 tỉnh có tỷ lệ nhiễm tại cộng đồng giảm liên tục trong 14 ngày qua.

Tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính trực tiếp đặt câu hỏi, chất vấn, kiểm tra tình hình, công tác phòng, chống dịch tại cơ sở, trong đó khi thực hiện chủ trương “lấy xã, phường làm pháo đài; mỗi người dân là một chiến sĩ”, xã, phường phải làm những việc gì, người dân phải làm những việc gì... Đồng thời, Thủ tướng nhắc nhở, chỉ đạo, hướng dẫn các biện pháp, công việc mà các xã, phường, thị trấn phải thực hiện ngay nhằm phòng, chống dịch hiệu quả hơn.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đại diện các bộ, ban, ngành, địa phương, nhất là các quận, huyện, xã, phường, thị trấn đã phát biểu sôi nổi đánh giá về việc thực hiện phòng, chống dịch theo nội dung tại Công điện số 1099 và Công điện số 1102 của Thủ tướng Chính phủ; việc chuyển trọng tâm “lấy xã, phường làm pháo đài; mỗi người dân là một chiến sĩ; người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong phòng, chống dịch”; kết quả, hạn chế trong phòng, chống dịch, nguyên nhân của những hạn chế, nhất là nguyên nhân chủ quan; các biện pháp, bài học đã tích lũy được trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua; kiểm điểm công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát trong phòng, chống dịch; những đề xuất, kiến nghị để công tác phòng, chống dịch...

Các đại biểu đều khẳng định, chủ trương phòng, chống dịch theo quan điểm “xã, phường là pháo đài; mỗi người dân là một chiến sĩ” như hiện nay là đúng hướng, các biện pháp đang thực hiện được triển khai đồng bộ; cả hệ thống chính trị và toàn dân ủng hộ, hưởng ứng; các bộ, ngành, lực lượng, địa phương phối hợp ngày một nhịp nhàng, hiệu quả... Do đó, cần tiếp tục bám sát các chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, cần áp dụng linh hoạt, sáng tạo, căn cứ tình hình thực tế từng địa bàn, từng thời điểm... để phòng, chống dịch hiệu quả hơn; quyết tâm kiềm chế, đẩy lùi dịch bệnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, tình hình dịch còn diễn biến phức tạp, khó lường. Nếu tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội, đời sống nhân dân sẽ khó khăn; doanh nghiệp đình trệ sản xuất, chuỗi cung ứng bị đứt gẫy… Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương cần nỗ lực hơn nữa để sớm kiểm soát được dịch bệnh, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới. Trong đó, tiếp tục quán triệt quan điểm chỉ đạo “chống dịch như chống giặc”; lấy xã, phường là pháo đài, người dân là chiến sỹ; người dân vừa là trung tâm phục vụ, vừa là chủ thể thực hiện; chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân.

Các địa phương thực hiện giãn cách xã hội phải xác định rõ mục tiêu, lộ trình, biện pháp thực hiện có hiệu quả phòng, chống dịch, dứt khoát không để tình trạng giãn cách không triệt để, kéo dài mà không đạt được mục tiêu, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, gây bức xúc xã hội.

Về vấn đề vắc xin, Thủ tướng cho biết, Chính phủ xác định chiến lược vắc xin là hết sức quan trọng. Do đó, thời gian qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng và các cấp, ngành, đơn vị hết sức nỗ lực, trong đó có thực hiện chiến dịch ngoại giao vắc xin. Riêng Thủ tướng đã tiếp xúc, điện đàm, gửi thư tới hàng chục lãnh đạo các quốc gia, các tổ chức, doanh nghiệp trên thế giới để có vắc xin sớm nhất, nhiều nhất tiêm phòng cho nhân dân.

PHẠM TIẾP

.
.
.