Chuyển đổi số là chìa khóa để BR-VT tiến nhanh hơn
Ngày 30/3, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức chương trình họp mặt đại biểu trí thức với chủ đề “Trí thức BR-VT với phát triển KT-XH và hội nhập quốc tế”. Tại buổi họp mặt, các trí thức, chuyên gia đầu ngành đã có nhiều hiến kế cho sự phát triển của tỉnh.
Lãnh đạo tỉnh tham dự chương trình Họp mặt. Ảnh: TRẦN TRÀ |
ÔNG PHẠM VIẾT THANH, ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, BÍ THƯ TỈNH ỦY
Chấp nhận sự khác biệt để vươn lên dẫn đầu
Những ý kiến, đề xuất của các trí thức, chuyên gia đã thể hiện tư duy mới trong thời đại của chúng ta. Thế giới xung quanh đang thay đổi đòi hỏi chúng ta phải thay đổi theo, vì thay đổi nhận thức mới làm thay đổi hành vi, nếu không sẽ rất khó tiếp cận với nền kinh tế mới. Phải đem tư duy mới thay cho kinh nghiệm, tốc độ thay cho quy mô. Các sở ban ngành, cấp ủy Đảng địa phương phải chấp nhận sự khác khác biệt nếu muốn vượt lên dẫn đầu.
|
MUỐN THEO KỊP VÀ VƯỢT LÊN, PHẢI ĐẨY MẠNH CHUYỂN ĐỔI SỐ
TS. Phùng Đức Vinh kiến nghị lãnh đạo tỉnh điều chỉnh quy hoạch khu vực ven biển. Ảnh: KHÁNH CHI |
GS. TSKH. Hồ Tú Bảo đã đưa ra các bài học kinh nghiệm trong thực hiện chuyển đổi số. Theo GS, trước hết, cần xây dựng và thực hiện Đề án Chuyển đổi số. Trong đó, lãnh đạo của tỉnh, Sở TT-TT xây dựng đề án với sự góp ý của hội đồng chuyên gia. Các sở, ban ngành, địa phương cũng phải tự xây dựng kế hoạch chuyển đổi số của mình. Đề án Chuyển đổi số phải chú trọng đến lộ trình và tầm nhìn tổng thể, thực hiện từng bước chọn lọc, có điển hình. Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm tới việc xây dựng hạ tầng số, bao gồm: hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng ứng dụng, hạ tầng pháp lý và hạ tầng nhân lực. Song song đó, cần làm chủ công nghệ lõi, quan tâm tới công tác đào tạo nhân lực số và bắt đầu với những điển hình, nghĩa là bắt đầu từ những lĩnh vực được coi là thế mạnh của tỉnh.
Đồng quan điểm với GS. TCKH Hồ Tú Bảo, TS. Nguyễn Tuấn Hoa, chuyên gia cao cấp thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nhấn mạnh: “Muốn theo kịp và vượt lên trên các địa phương khác, quốc gia khác thì phải thực hiện chuyển đổi số nhanh hơn họ”. TS. Nguyễn Tuấn Hoa đã chỉ ra các bộ công cụ chuyển đổi số: Bộ công cụ ứng dụng các công nghệ số vào sản xuất kinh doanh, Bộ công cụ xây dựng và quản lý chuỗi liên kết, Bộ công cụ điều hành tài chính, DN trong môi trường số, Bộ công cụ đánh giá và điều chỉnh quá trình chuyển đổi số. Tỉnh phải dựa trên công nghệ số để tích tụ và tích hợp đa công nghệ nhằm giải những bài toán đặc thù của tỉnh theo cách riêng của mình trên cơ sở tập trung vào những lĩnh vực chủ chốt như: kinh tế biển, logistic, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp, du lịch, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.
“Đơn cử như để phát triển logistics số, có thể ứng dụng công nghệ số vào quản lý kho tạo ra hiệu quả vượt trội, sử dụng trợ lý số tự động nhập/xuất hàng hóa, tự động hạch toán kho. Hay trong chăm sóc y tế số, có thể phát triển mô hình chăm sóc sức khỏe từ xa, khám bệnh, chữa bệnh từ xa, lập y bạ số cho từng cá nhân dựa trên các thiết bị số…”. TS. Nguyễn Tuấn Hoa dẫn chứng.
CẦN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN MỚI CHO DU LỊCH, NHÂN LỰC
TS. Phùng Đức Vinh, nguyên Hiệu trưởng Trường CĐ Du lịch Vũng Tàu đã đưa ra một số kiến nghị để thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch tỉnh. Theo TS. Vinh, du lịch là 1 trong 4 trụ cột kinh tế của tỉnh. BR-VT là điểm sáng về du lịch khi vừa có biển, có rừng, có các công trình văn hóa, tâm linh... BR-VT hứa hẹn trở thành thành điểm du lịch nghỉ dưỡng tâm linh nổi tiếng của Việt Nam và thế giới. Để khai thác hiệu quả tiềm năng về du lịch, TS. Phùng Đức Vinh đề nghị tỉnh xem xét lại quy hoạch và việc sử dụng bãi ven biển của tỉnh BR-VT.
TS. Hồ Cảnh Hạnh, Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm BR-VT đề xuất thành lập trường ĐH công lập của tỉnh. Trong ảnh: SV Trường CĐ Sư phạm BR-VT học nhóm. Ảnh: KHÁNH CHI |
“Hiện nay, không chỉ tại BR-VT là nhiều địa phương khác trên cả nước, vùng ven biển được quy hoạch giao cho DN và được DN xây dựng bịt kín. Điều này dẫn đến du lịch cộng đồng bị hạn chế. Nhiều nơi đã khắc phục bằng cách yêu cầu DN phải mở đường cho người dân địa phương, du khách được tận hưởng không gian biển. Ngay TP. Vũng Tàu, trước kia, từ Bãi Trước tới đường Hoàng Hoa Thám, nhà cửa, hàng quán xây kín. Nhưng sau khi biến thành không gian công cộng với công viên Bãi Trước, quảng trường… đã trở thành địa điểm thu hút đông đảo khách du lịch. Tôi đề nghị lãnh đạo tỉnh xem xét , điều chỉnh lại quy hoạch, đưa khu vực ven biển trở thành không gian mở cho sinh hoạt cộng đồng”, TS. Vinh nói.
Tại buổi họp mặt, TS. Hồ Cảnh Hạnh, Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm BR-VT cũng đã đóng góp ý kiến về việc phát triển nguồn nhân lực gắn với sự cần thiết hình thành trường ĐH công lập của tỉnh. TS. Hồ Cảnh Hạnh cho biết, tại khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, BR-VT là tỉnh duy nhất chưa có trường ĐH công lập. Bên cạnh trường ĐH tư thục, tỉnh cần có thêm trường ĐH công lập đào tạo đa ngành, đa hệ, nhất là các ngành đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực giáo dục. Ông Hạnh lý giải, trường ĐH công lập của tỉnh giúp cho con em nhân dân trong tỉnh, nhất là HS vùng khó khăn có điều kiện học tập, phát huy tài năng; đồng thời cụ thể hóa nhiệm vụ, định hướng của Đảng và của tỉnh trong giai đoạn 2021-2025. TS. Hồ Cảnh Hạnh khẳng định: “Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, dù kết quả đầu tư có thể không dễ nhìn thấy ngay trong thời gian ngắn và khó định lượng. Đầu tư để có trường ĐH công lập của tỉnh trong thời gian tới là cần thiết, tương xứng với tiềm năng của tỉnh, góp phần nâng tầm hội nhập trên mọi mặt đời sống, KT-XH, an ninh quốc phòng”.
Đội ngũ trí thức tỉnh đã có sự đóng góp lớn cho địa phương
Theo thống kê, những người có bằng ĐH trở lên ở tỉnh BR-VT tính đến năm 2017 là 60 ngàn người, đứng thứ 13/63 tỉnh thành trên cả nước. Trong đó, có 130 người có bằng TS, hơn 1.800 người có bằng ThS và 15 GS, PGS. Đội ngũ trí thức tỉnh đã có những đóng góp lớn cho KT-XH của tỉnh, có nhiều thành tích trong hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ. Riêng cấp nhà nước, từ năm 2005 tới 2019 có 17 công trình đoạt giải thưởng Khoa học và Công nghệ toàn quốc, 3 Huy chương Vàng của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới, 3 cụm công trình được trao giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học công nghệ.
|