.

Sửa đổi lối làm việc để Đảng mạnh khỏe, chắc chắn

Cập nhật: 17:09, 15/11/2020 (GMT+7)

Tháng 10/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh lấy bút danh X.Y.Z viết “Sửa đổi lối làm việc” trong bối cảnh Đảng ta vừa trở thành Đảng cầm quyền được 2 năm, sự nghiệp cách mạng đang đứng trước nhiều thử thách. Hơn 70 năm đã trôi qua, tác phẩm vẫn còn nguyên giá trị và vẫn mang đậm tính thời sự.

“Sửa đổi lối làm việc” là một tác phẩm quan trọng, ra đời trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, thể hiện tư tưởng và lý luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng cầm quyền trong điều kiện vừa kháng chiến, vừa kiến quốc. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phải sửa đổi để đổi mới trong tư tưởng nhận thức, trong tổ chức bộ máy và trong cách làm việc của Đảng, của cán bộ, đảng viên trước tình hình mới. Trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, tìm ra nguyên nhân, biện pháp và cách thức tiến hành để cán bộ, đảng viên có tư tưởng, đạo đức và cách làm việc đúng hơn, khéo hơn, hiệu quả hơn; và nội dung cần phải sửa đổi là toàn bộ hoạt động của Đảng, của mỗi cán bộ, đảng viên từ nhận thức, tư tưởng đến chỉ đạo tổ chức thực hiện.

a
Chủ tịch Hồ Chí Minh bên bàn làm việc (Ảnh tư liệu). 

Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” đề cập 6 vấn đề lớn, vừa có tính lý luận, vừa có tính chỉ đạo thực tiễn sâu sắc về công tác xây dựng Đảng: 1- Phê bình và sửa chữa; 2- Mấy điều kinh nghiệm; 3- Tư cách và đạo đức cách mạng; 4- Vấn đề cán bộ; 5- Cách lãnh đạo; 6- Chống thói ba hoa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra 6 vấn đề lớn về công tác xây dựng Đảng, trong điều kiện toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang tập trung tất cả nguồn lực vật chất và tinh thần để đánh bại cuộc tấn công của thực dân Pháp lên Việt Bắc; trong điều kiện Đảng phải khắc phục những nhược điểm, những chứng bệnh mới xuất hiện mà trước đó chưa có điều kiện bộc lộ rõ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã một mặt khẳng định những nguy cơ tiềm tàng về thoái hóa, biến chất của đội ngũ cán bộ, đảng viên và tác hại của nó đối với đảng cầm quyền. Mặc khác, Người chỉ rõ nhiệm vụ vừa có tính cấp bách, vừa có tính thường xuyên, lâu dài là phải sửa đổi lối làm việc để chỉnh đốn lại Đảng, làm cho Đảng “mạnh khỏe, chắc chắn”, làm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên xứng đáng với vai trò tiền phong và gắn bó mật thiết với nhân dân.

Từng câu, từng chữ Người viết đều giản dị, dễ hiểu và thực chất. Ở phần chia sẻ kinh nghiệm, Bác viết: “Dùng cán bộ không đúng tài năng của họ, cũng là một cớ thất bại. Thí dụ: người viết giỏi nhưng nói kém lại dùng vào những việc cần phải nói. Người nói khéo nhưng viết xoàng lại dùng vào công việc viết lách. Thành thử hai người đều không có thành tích”. Ở phần Tư cách và đạo đức cách mạng, Người viết: “Mỗi công việc của Đảng phải giữ nguyên tắc và phải liên hợp chặt chẽ với dân chúng. Nếu không vậy, thì chẳng những không lãnh đạo được dân chúng mà cũng không học được dân chúng. Chẳng những không nâng cao được dân chúng, mà cũng không biết ý kiến của dân chúng”.

Những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh dự liệu, tâm huyết, kiên quyết chỉ ra và nhấn mạnh phải “sửa đổi” trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” vẫn còn nguyên giá trị thời sự. Đặc biệt, những vấn đề lớn của công tác xây dựng Đảng mà Người nêu ra trong tác phẩm đã được Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI của Đảng kế thừa, bổ sung và phát triển phù hợp với điều kiện thực tế, đồng thời được cụ thể hóa trong 4 nhóm giải pháp nhằm xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh. Trên tinh thần tiếp thu nghiêm túc di huấn trong tác phẩm của Người, Hội nghị lần thứ 4 BCH Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Những giải pháp nêu trong Nghị quyết đều sát với những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong “Sửa đổi lối làm việc” và có sự phát triển.

Đó là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao nhận thức trong toàn Đảng về ý nghĩa vai trò, tầm quan trọng và sự cần thiết của việc học tập, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tích cực đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; xây dựng và thực hiện có hiệu quả nội dung xây dựng Đảng về đạo đức; hoàn thiện và thực hiện nghiêm túc quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; tăng cường quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo chí, xuất bản, mạng xã hội; chủ động chuẩn bị phương án, biện pháp cụ thể, sát với tình hình; xây dựng lý luận sắc bén để đấu tranh, phản bác có hiệu quả đối với các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch; hoàn thiện Quy chế về kỷ luật phát ngôn đối với cán bộ, đảng viên; cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu các cấp phải xây dựng kế hoạch, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và kiểm tra, giám sát, khắc phục tình trạng quan liêu, xa dân; hằng năm thực hiện nghiêm túc việc đánh giá, xếp loại tổ chức đảng và đảng viên, chú ý đến việc rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống; tự phê hình và phê bình; sự nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý; hiệu quả đấu tranh, khắc phục suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Theo dòng thời gian, những yêu cầu phải sửa đổi lối làm việc trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên từ những năm vừa kháng chiến, vừa kiến quốc vẫn rất cần được tiếp tục thực hiện trong hiện tại và tương lai. Là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, thường xuyên, góp phần xây dựng và chỉnh đốn Đảng ta, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ ngang tầm với yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng; mẫu mực về phẩm chất đạo đức và lối sống; luôn đoàn kết, thống nhất và gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tin yêu và kính trọng.

ĐỨC MINH

 

 

 

 

.
.
.