.
KỲ HỌP THỨ 10, QUỐC HỘI KHÓA XIV

Thông qua Luật Cư trú (sửa đổi), Sổ hộ khẩu được dùng đến hết năm 2022

Cập nhật: 20:16, 13/11/2020 (GMT+7)

Chiều 13/11, với 449 đại biểu tán thành (bằng 93,15% tổng số ĐBQH) trên tổng số 455 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 94,4% tổng số ĐBQH), Quốc hội đã thông qua Luật Cư trú (sửa đổi).

Đại biểu Dương Tấn Quân (Đoàn ĐBQH tỉnh BR-VT) phát biểu tại kỳ họp.
Đại biểu Dương Tấn Quân (Đoàn ĐBQH tỉnh BR-VT) phát biểu tại kỳ họp.

Luật gồm 7 chương, 38 điều, quy định về việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; việc đăng ký, quản lý cư trú; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân, cơ quan, tổ chức về đăng ký, quản lý cư trú.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021. Kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31/12/2022. Trường hợp thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú khác với thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú thì sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú. Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký, khai báo về cư trú, dẫn đến thay đổi thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi sổ đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật này và không cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú.

Trước đó, trong các phiên thảo luận, điều kiện đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ là nội dung được các đại biểu quan tâm, thảo luận. Giải trình thêm về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, trên cơ sở các ý kiến thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu thăm dò ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Kết quả lấy phiếu cho thấy, trong số 402 đại biểu gửi ý kiến có 235 đại biểu tán thành với phương án 1 quy định điều kiện đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ là phải bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do HĐND cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 8m2 sàn/người. Trong khi đó, 153 đại biểu tán thành đồng ý với phương án 2 quy định điều kiện đăng ký thường trú là đã đăng ký tạm trú trong cùng phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương từ 1 năm trở lên. Do đó, dự thảo Luật đã tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu theo hướng phải bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu.

Phát biểu thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), đại biểu Dương Tấn Quân, Đoàn ĐBQH tỉnh BR-VT nêu ý kiến về phạm vi sửa đổi, cơ bản thống nhất dự thảo đã sửa đổi, bổ sung khá toàn diện, đầy đủ và có thể khắc phục được những khó khăn, bất cập, cũng như hạn chế trong quá trình thực hiện Luật Phòng, chống ma túy năm 2000, sửa đổi năm 2008. Tuy nhiên về nội dung chính sách của Nhà nước trong công tác phòng, chống ma túy, đề nghị Ban soạn thảo cần phải thiết kế gọn, tránh sự trùng lặp trong các điều luật. Bởi hiện tại các chính sách Nhà nước về phòng, chống ma túy đang được thể hiện rải rác trong các chương và có sự trùng lặp về nội dung. Ở nội dung này, đại biểu Dương Tấn Quân cũng đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung quy định Nhà nước có chính sách ưu tiên nguồn lực cho công tác phòng, chống ma túy ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Bởi đa số đây là những vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, địa hình cách trở và đa số đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nên rất khó khăn trong công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy. Đây là những vùng có hoạt động buôn bán ma túy xuyên biên giới rất phức tạp, nguồn cung ma túy cho những vùng khác. Vì vậy, Nhà nước cần phải có những chính sách ưu tiên hơn về nguồn lực cho khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, sau khi xem xét và tập hợp ý kiến các cơ quan liên quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị quy định thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật là từ ngày 1/7/2021 như đề nghị của Chính phủ và ý kiến của đa số ĐBQH.

PHAN PHƯƠNG - HỒNG PHƯƠNG

.
.
.