.
KỶ NIỆM 66 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ 7/5 (1954-2020)

Tướng quân tại ngoại và quyết định lịch sử

Cập nhật: 22:59, 06/05/2020 (GMT+7)

Điện Biên Phủ là một bản anh hùng ca của cuộc chiến tranh nhân dân thần kỳ, “như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa của thế kỷ XX”. Đỉnh cao Điện Biên Phủ gắn với tên tuổi Tổng tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người đã đưa ra quyết định “khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy” nhưng cũng là quyết định sắc sảo, thể hiện tư duy  “ứng vạn biến” trong thực tiễn chiến trường.

Chiều 7/5/1954, lá cờ
Chiều 7/5/1954, lá cờ "Quyết chiến, quyết thắng" của quân đội Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. (Ảnh: Tư liệu)

ĐIỂM HẸN LỊCH SỬ

Tháng 5/1953, Pháp cử tướng Navarre làm Tổng chỉ huy quân đội ở Đông Dương, với sứ mệnh cứu vãn thế thua và tạo “điều kiện quân sự làm cơ sở cho một giải pháp chính trị”. Tháng 7/1953, Hội đồng Chính phủ và Hội đồng Quốc phòng Pháp thông qua Kế hoạch Navarre: Chỉ 18 tháng sẽ giành thắng lợi quyết định trên chiến trường, kết thúc chiến tranh trong danh dự.

Tháng 9/1953, Bộ Chính trị họp bàn nhiệm vụ quân sự Đông Xuân 1953-1954 và nhận định quân chủ lực của Pháp chủ yếu tập trung ở đồng bằng Bắc Bộ, còn các chiến trường khác, nhất là miền núi, chúng yếu và có nhiều sơ hở. Nhằm “tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu”, Bộ Chính trị quyết định tiến quân lên Tây Bắc, trên nguyên tắc đánh ăn chắc, đánh tiêu diệt, đánh nơi địch sơ hở, tương đối yếu, buộc địch phân tán lực lượng.

Nhận thấy hướng tiên công của ta, Pháp vội vã mở cuộc hành quân Castor, cho quân đội nhảy dù xuống Điện Biên Phủ. Trước đó, tướng Navarre, các nhà quân sự Pháp và Mỹ nhận thấy Điện Biên Phủ có vị trí chiến lược quan trọng bậc nhất Đông Dương. Và rồi, trong quá trình diễn biến của tình hình chiến sự mùa đông năm 1953, chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn, Ðiện Biên Phủ dần trở thành tâm điểm của Kế hoạch Navarre. Tại đây, Navarre và Bộ Chỉ huy quân Pháp đã xây dựng Điện Biên Phủ thành một pháo đài “bất khả xâm phạm” với 49 cứ điểm, chia thành 8 cụm, 3 phân khu. Pháp bố trí hơn 16.000 quân và hệ thống hỏa lực siêu mạnh, công sự kiên cố đúng với cái cách mà Naverre và các đồng sự vẫn vỗ ngực gọi tên: “một pháo đài khổng lồ không thể công phá”, một “cỗ máy nghiền nát mọi cuộc tấn công của Việt Minh”. 

Trong khi Navarre và BCH quân Pháp chọn Ðiện Biên Phủ làm điểm quyết chiến mang tính quyết định với chủ lực Việt Minh, thì Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng và Tổng Quân ủy cũng quyết định chọn Ðiện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược với quân Pháp. 

Như vậy, từ chỗ không được để ý tới, Ðiện Biên Phủ trở thành điểm hẹn lịch sử mang tính chất một mất, một còn đối với cả hai phía.

Kéo pháo vào trận địa trong chiến dịch Điện Biên Phủ.  (Ảnh: Tư liệu)
Kéo pháo vào trận địa trong chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: Tư liệu)

PHÁO ĐÀI THẤT THỦ

Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng làm Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận. Trước ngày lên đường ra mặt trận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đến chào Bác Hồ. Người đã căn dặn Đại tướng: “Tổng Tư lệnh ra mặt trận. Tướng quân tại ngoại. Trao cho chú toàn quyền quyết định. Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”.

Ngày 14/1/1954, tại hang Thẩm Púa (Điện Biên), BCH Mặt trận triệu tập Hội nghị cán bộ chiến dịch để phổ biến kế hoạch tiến công Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Tại Hội nghị này, bộ phận tiền trạm của BTTM cho rằng địch vừa mới đổ quân xuống còn “lạ nước, lạ cái”, binh lực chưa nhiều, công sự còn sơ sài, bố phòng còn sơ hở… trong khi đó bộ đội ta còn sung sức, hừng hực khí thế, vì vậy cần tranh thủ thời gian, lợi dụng khai thác những hạn chế nêu trên của địch, thực hiện phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh”.

Tuy nhiên, tình hình tại mặt trận Điện Biên Phủ diễn biến rất nhanh. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ không còn ở trạng thái phòng ngự lâm thời nữa. Nếu đánh theo phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh” thì khó mà bảo đảm “chắc thắng”. Chính vì vậy mà sau khi bàn bạc, trao đổi, với tinh thần trách nhiệm trước Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị, trước sinh mệnh của hàng vạn cán bộ, chiến sỹ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đề xuất Đảng ủy, BCH chiến dịch thay đổi phương châm, từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”.

Thực tế lịch sử diễn ra trong 56 ngày đêm (từ 13/3 -7/5/1954) chứng minh cho thấy quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh sang đánh chắc, tiến chắc” là một quyết định sáng suốt và đầy trách nhiệm của Bộ Tư lệnh chiến dịch, đứng đầu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Quyết định đó được coi là “chìa khóa” để mở cánh cửa Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Nó được đưa ra dựa trên cơ sở bám sát diễn biến chiến trường, phân tích tình hình thực tiễn một cách khoa học và thấm nhuần sâu sắc tư tưởng “đánh chắc thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy.

Để có được một quyết định mà như ông nói là “quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời” của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã phải trải qua 11 ngày đêm “mất ăn, mất ngủ” và 1 đêm thức trắng; trải qua một “cuộc sát hạch” trên cơ sở phân tích đánh giá tình hình, lập luận một cách khoa học đủ sức thuyết phục.

Triển khai kế hoạch đánh chắc, tiến chắc, với lực lượng dân công trên 260.000 người, bằng đủ loại phương tiện chuyên chở và quyết tâm cao hơn núi, ta đã khắc phục được khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua được, đảm bảo cung cấp đủ vũ khí, đạn dược, lương thực, thuốc men cho 50.000 bộ đội và hàng vạn dân công tại mặt trận, mở hàng chục km đường để đưa pháo vào tận trận địa.

Bước vào trận chiến, với ba đợt tiến công, bộ đội ta đã phá tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; diệt, làm bị thương và bắt sống toàn bộ hơn 16.000 quân địch đồn trú tại đây, đánh bại hình thức phòng ngự cao nhất của thực dân Pháp, đánh sụp ý chí tiếp tục chiến tranh đối phương, buộc Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán và ký Hiệp định Geneva ngày 21-7-1954, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Đông Dương.

NGUYỄN QUANG PHI

(Bài viết có sử dụng một số tài liệu lịch sử)

 
.
.
.