.

Chủ tịch Hồ Chí Minh: Đại sứ của hòa bình, hữu nghị

Cập nhật: 21:55, 05/05/2020 (GMT+7)

Ngay sau cách mạng Tháng 8/1945  thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố chính sách đối ngoại rộng mở: “Làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ, không gây thù oán với một ai”, trên nguyên tắc tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của nhau; không xâm phạm lẫn nhau; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và bình đẳng, hai bên cùng có lợi.

Tổng thống Rajendra Prasad và Thủ tướng J.Nehru đón tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Ấn Độ năm 1958, tại sân bay New Delhi. (Ảnh Tư liệu Quân đội Nhân dân)
Tổng thống Rajendra Prasad và Thủ tướng J.Nehru đón tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Ấn Độ năm 1958, tại sân bay New Delhi. (Ảnh Tư liệu Quân đội Nhân dân)

NỐI NHỊP CẦU HỮU NGHỊ 

Vì hòa bình, phát triển đất nước và lợi ích nhân loại, đầu năm 1946, Người gửi đơn xin gia nhập Liên hợp quốc, viết thư đến các nhà lãnh đạo Anh, Pháp, Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc và nhiều nước thành viên khác “tha thiết yêu cầu các ngài công nhận nền độc lập và nhận chúng tôi vào Hội đồng Liên hợp quốc”. Người nhấn mạnh: Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các nước trên thế giới, kể cả các nước không cùng chế độ xã hội. Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, sẵn sàng mở rộng cảng, sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế, chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc.

 Người chủ động, linh hoạt mở cửa để dân tộc ta bước ra ngoài biên giới, sắc tộc, bắt tay hữu nghị, hợp tác, sống trong hòa bình, giúp đỡ nhau, tạo một thế giới “Bốn phương vô sản đều là anh em”. 

Chiến dịch Biên giới năm 1950 thắng lợi, 700km đường biên giới Việt- Trung được giải phóng, Người bí mật thăm Trung Quốc, Liên Xô. Sau chuyến thăm lịch sử đó, Trung Quốc, Liên Xô, Triều Tiên và các nước XHCN Đông Âu lần lượt đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam và từ đây mối quan hệ với các nước trong hệ thống XHCN thật sự có ý nghĩa, thiết thực “vừa là đồng chí, vừa là anh em”.

Người khởi xướng và kết nối mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào - Campuchia, ba nước trên bán đảo Đông Dương chung một chiến hào, đoàn kết, kiên cường đánh đuổi hai đế quốc Pháp và Mỹ. Người kêu gọi phong trào giải phóng dân tộc, dân chủ, yêu chuộng hòa bình, công lý trên thế giới ủng hộ sự nghiệp đấu tranh của dân tộc ta. Và cả loài người tiến bộ đứng về phía Việt Nam, kề vai, sát cánh bên Người, đoàn kết với nhân dân ta trên trận tuyến đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, xây dựng nước nhà. Người là đại sứ hòa bình và hữu nghị của nhân dân thế giới, là cầu nối “mang tình anh em của nhân dân ta đến nhân dân nước bạn và đưa tình anh em nước bạn chuyển lại cho đồng bào ta”.

DẤU ẤN SÂU NẶNG

Trong trái tim nhân loại, Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ kiệt xuất, người chiến sĩ cộng sản lỗi lạc, người đồng chí, người thầy kính yêu, người bạn thân thiết. Vẻ đẹp của Người trong lòng bạn bè quốc tế không chỉ là sự giản dị, khiêm tốn, giàu lòng vị tha, mà còn là trí tuệ uyên bác, tầm nhìn sâu rộng, lý tưởng và hoài bão cao đẹp “hiến dâng tất cả cho Tổ quốc, cho nhân dân”. 

Bè bạn năm châu khâm phục và đánh giá cao về Người: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là một con người toàn diện nhất”, “nhân vật vĩ đại, cao quý, vẹn toàn và đáng kính nhất”, “Người thuộc về các bạn, nhưng cũng thuộc về chúng tôi”. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Khrushchyov viết: “Trong cuộc đời hoạt động chính trị của mình, tôi đã biết rất nhiều người, nhưng không có người nào gây được ở tôi một ấn tượng đặc biệt như Hồ Chí Minh”. Tổ chức UNESCO nhận xét: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả một dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”.

Người đã “trở thành một bộ phận của huyền thoại khi còn sống” trong lòng nhân loại. Ngay cả khi nằm xuống, thế giới vẫn thấy một vừng sáng của tương lai từ Người: “Có cái chết làm nẩy mầm sự sống thì cái chết của Hồ Chí Minh là như vậy”. Hình ảnh của Người được ngưỡng mộ, kính trọng, lan tỏa khắp thế giới: 35 tượng đài, 11 khu tưởng niệm được xây dựng; 20 con đường, đại lộ và nhiều trường học được đặt tên Người. Ở một số nước xuất hiện môn “Hồ Chí Minh học”. Nhiều nhà lãnh đạo, quản lý, chuyên gia, sinh viên chọn Hồ Chí Minh làm đề tài nghiên cứu, nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật ra đời để ngợi ca về Người… 

Romesh Chandra, Chủ tịch Hội đồng hòa bình thế giới nói rằng: “Bất cứ nơi nào chiến đấu cho độc lập tự do, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao. Bất cứ ở đâu chiến đấu cho hòa bình công lý, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao. Bất cứ ở đâu nhân dân chiến đấu cho một thế giới mới, chống đói nghèo, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao”. Tổng thống Nga V.Putin nhận định: “Giá trị tư tưởng, đạo đức của Hồ Chí Minh vẫn là ngọn đuốc, là biểu tượng cho một nền văn hóa tương lai… Lịch sử mãi mãi nhắc tới Người như một bậc thánh nhân”.

HÀ NGUYỄN

.
.
.