.

Thủ tướng giao chỉ tiêu xuất khẩu đạt 300 tỷ USD cho ngành công thương

Cập nhật: 20:46, 27/12/2019 (GMT+7)

Ngày 27/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự hội nghị tổng kết năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của ngành công thương - lĩnh vực đạt được những thành tựu kỷ lục trong năm 2019.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương hệ thống cấp C/O (Giấy Chứng nhận xuất xứ hàng hóa) mẫu D điện tử của Bộ Công thương. Ảnh: THỐNG NHẤT
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương hệ thống cấp C/O (Giấy Chứng nhận xuất xứ hàng hóa) mẫu D điện tử của Bộ Công thương. Ảnh: THỐNG NHẤT

Tại hội nghị, Thủ tướng đặt chỉ tiêu cho ngành công thương phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt mức 300 tỷ USD năm 2020.

Điểm sáng của ngành công thương năm nay là xuất nhập khẩu đạt kết quả tích cực, trong đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vượt mốc 500 tỷ USD, đạt kỷ lục 517 tỷ USD, xuất siêu kỷ lục gần 10 tỷ USD. Số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt từ 1 tỷ USD trở lên tiếp tục tăng lên với 39 mặt hàng, trong đó có 6 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD.

Thị trường xuất khẩu được mở rộng, các thị trường mà Việt Nam ký kết các hiệp định thương mại tự do, nhất là EU, Nhật Bản, Mỹ, Úc được khai thác tốt. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đạt kết quả tốt, thể hiện rằng Việt Nam bước đầu tận dụng được hiệu quả của các thị trường này. Năm qua cũng chứng kiến sự gia tăng xuất khẩu của khối DN trong nước (với tốc độ tăng cao hơn khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài - FDI), đạt 82 tỷ USD, chiếm gần 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, công nghiệp và dịch vụ hiện chiếm tới 80% GDP và 70% thu ngân sách của nước ta. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn, những nước lớn cũng không thể tăng trưởng cao thì thành quả năm 2019, trong đó tăng trưởng kinh tế trên 7%, có sự đóng góp trực tiếp và to lớn của toàn ngành công thương với kết quả xuất nhập khẩu năm nay cán mốc kỷ lục. Việt Nam trở thành nền kinh tế có quy mô xuất khẩu đứng thứ 22 thế giới, tốc độ tăng xuất khẩu gấp 4 lần bình quân thế giới.

Trong thời gian tới, Thủ tướng chỉ đạo, Bộ Công thương cần bám sát Nghị quyết 23 của Bộ chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045 để xây dựng các chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành cho 10 năm tới. Theo đó, việc xây dựng thể chế, chính sách tiên tiến, nhất là quy hoạch phát triển, làm đà cất cánh cho Việt Nam nói chung, nhất là các ngành công nghiệp mũi nhọn, là một yêu cầu cấp bách của ngành Công thương. 

Bên cạnh đó, trọng trách của ngành công thương là việc phát triển công nghiệp giảm phụ thuộc vào dầu thô, thay vào đó phải phát triển các ngành công nghiệp chế biến và dựa trên nền tảng sáng tạo, lấy khoa học - công nghệ làm động lực của nền tảng cạnh tranh. Chính vì vậy, việc nắm bắt cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là hết sức cần thiết.

Nêu những nhiệm vụ nặng nề của đất nước năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành công thương phải tập trung để cùng Chính phủ hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra. Trong đó, Thủ tướng đặt mục tiêu cho ngành công thương, đó là công ngiệp chế biến, chế tạo một năm tăng 12%; kim ngạch xuất khẩu chạm mốc 300 tỷ USD vào năm 2020, xuất siêu đạt 2% GDP; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ năm 2020 tăng 12%.

Tại hội nghị, Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Công thương tập trung xử lý giải quyết các dự án lỗ kéo dài.

Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ, ngành cũng thực hiện ghi thức khai trương thủ tục cấp C/O mẫu D điện tử của Bộ Công thương.

NGUYỄN VŨ

 
.
.
.