.

Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật Đầu tư công

Cập nhật: 19:08, 28/05/2019 (GMT+7)

Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật Đầu tư công

Sáng 28-5, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Sau đó, các Đại biểu Quốc hội đã tập trung vào trao đổi, tháo gỡ những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn quản lý vốn, từ đó thúc đẩy, nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư công thông qua tăng cường cải cách hành chính và đẩy mạnh phân cấp.

Không tách công tác bồi thường thành dự án độc lập

Tại kỳ họp trước, một số Đại biểu Quốc hội đã đề nghị không tách riêng công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập. Và, trường hợp cần thiết phải tách riêng đối với dự án đầu tư công cụ thể thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Về điều này, UBTV Quốc hội cho biết sẽ tiếp thu theo hướng trên, song sẽ cho phép thành lập dự án độc lập trong trường hợp cần thiết và chỉ thực hiện đối với dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A theo quy định tại dự thảo Luật. Thêm vào đó, trường hợp dự án giải phóng mặt bằng là dự án độc lập vẫn được quản lý theo quy định chung như các dự án khác.

Với tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, nhiều Đại biểu đề nghị giữ nguyên tổng mức đầu tư trong phân loại các dự án như quy định của Luật hiện hành.

Chính phủ quản lý nguồn vốn vay ODA

Đối với thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư tại các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, một số Đại biểu đề nghị không quy định khác biệt về phân cấp quản lý đối với dự án ODA vì đây đều là nguồn lực ngân sách Nhà nước, việc phân cấp cần được áp dụng theo quy định chung.

Trong khi, Chính phủ và một số ý kiến khác lại đề nghị cần áp dụng quy định đặc thù đối với dự án ODA và giữ quy trình đối với các dự án ODA như Dự thảo Luật đã trình Quốc hội.

Về vấn đề này, UBTV Quốc hội cho rằng, để tăng cường kiểm soát nợ công, nợ nước ngoài, nợ Chính phủ, việc trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài là cần thiết.

Thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn

Về quy trình thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, các Đại biểu cho rằng cần phải làm rõ ràng, cụ thể hơn. Một số ý kiến đề nghị làm rõ căn cứ thẩm định để tránh tình trạng nhu cầu đầu tư vượt quá khả năng cân đối vốn.

Theo đó, báo cáo giải trình của UBTV Quốc hội cho biết sẽ bổ sung quy định việc thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn thành một nội dung thành phần trong thẩm định chủ trương đầu tư và các cơ quan thẩm định như thể hiện tại dự thảo Luật.

PHAN PHƯƠNG

.
.
.