.
HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH:

Tình thương yêu bao la, sâu nặng dành cho thiếu niên, nhi đồng

Cập nhật: 17:12, 26/05/2019 (GMT+7)

Bác Hồ đã dành muôn vàn tình thương yêu cho nhân dân ta và nhân loại, trong đó một phần hết sức đặc biệt cho các cháu thiếu niên, nhi đồng. Tiến sĩ sử học, nhà báo Nga E.V. Cô-bê-lép viết: “Một trong những đặc điểm nổi bật nhất trong tính cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là vô cùng yêu quý thiếu nhi. Người đã dành tất cả tình yêu thương của người ông cho hàng triệu trẻ em Việt Nam mà Người gọi trìu mến là các cháu”.

Bác Hồ với các cháu thiếu niên, nhi đồng Hà Nội năm 1956.
Bác Hồ với các cháu thiếu niên, nhi đồng Hà Nội năm 1956.

Bác Hồ luôn coi trẻ em như người bạn gần gũi, như đứa con thân yêu của mình. Người nói: “Tôi không có gia đình, không có con cái, nhưng tất cả trẻ em Việt Nam đều là con của tôi”. Dù bộn bề công việc đối nội, đối ngoại và trước muôn vàn thử thách hiểm nghèo của lịch sử, Người vẫn dành thời gian quan tâm, chăm lo, hỏi han, lắng nghe các cháu bằng cả tấm lòng, trái tim của người ông, người cha, người anh đằm thắm, ấm áp, thân thương. 

Đất nước chìm đắm trong màn đêm đô hộ thực dân, tim Người đau thắt khi các em “như một bầy nô lệ trẻ con” phải sống trong cảnh cùng quẫn. Kháng chiến bùng nổ, lòng Người day dứt, xót xa: Các em thiếu nhi không được chăm sóc, bảo vệ, không có điều kiện sống, học hành; với sức lực nhỏ bé, non nớt, sống trong cảnh nghèo khổ, lại phải làm công việc cực nhọc như người lớn. Miền Nam chưa giải phóng, ngày đêm Người canh cánh hướng về đồng bào, hướng về các cháu với tâm trạng thương nhớ khôn nguôi “miền Nam đi trước về sau” và “thương các cháu vô cùng”. Người bày tỏ tình cảm với các em không chỉ qua những bức thư, bài thơ, những món quà vật chất đơn sơ, hoặc “một trăm cái hôn thân ái” nhân ngày khai trường, Tết Trung thu, ngày Quốc tế Thiếu nhi…, mà còn là sự hy sinh phấn đấu suốt cả cuộc đời để giải phóng đất nước, mang lại độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, trong đó có các cháu trẻ thơ. Người hứa, lời hứa chứa chan tình cảm và đầy trách nhiệm: “Bác thương các cháu lắm. Bác hứa với các cháu rằng: đến ngày đánh đuổi hết giặc Pháp, kháng chiến thành công, thì Bác cùng Chính phủ và các đoàn thể cùng cố gắng làm cho các cháu cùng được ấm no, đều được vui chơi, đều được học hành, đều được sung sướng”.

 Bác Hồ là người phát hiện tiềm năng to lớn của thiếu niên, nhi đồng. Các cháu là “người chủ tương lai của nước nhà” không chỉ là lực lượng quyết định tiền đồ của dân tộc, mà còn là tương lai của cả thế giới. Người nói: Hôm nay “các cháu là nhi đồng”, “là tiểu quốc dân”, nhưng ngày mai “các cháu sẽ là người chủ của nước nhà, của thế giới”. Người đặt niềm tin và kỳ vọng lớn lao ở  các cháu - thế hệ trẻ của đất nước: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”.

Người khuyên các cháu: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/Tùy theo sức của mình”: Phải ngoan ngoãn, ở nhà nghe lời cha mẹ, đi học phải siêng năng, đối với thầy cô phải kính trọng, lễ phép, đối với bạn bè phải thương yêu đoàn kết, giúp đỡ nhau; “Việc gì có ích cho kháng chiến, cho Tổ quốc thì các cháu nên gắng sức làm. Tuổi các cháu còn nhỏ. Nhiều công việc nhỏ cộng lại thành công việc to”; các cháu phải thi đua: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào/Học tập tốt, lao động tốt/Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt/Giữ gìn vệ sinh thật tốt/Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”. Người luôn “Mong các cháu mai sau lớn lên thành những công dân xứng đáng với nước độc lập, tự do”,  xứng đáng là “Cháu Bác Hồ Chí Minh”.

Người giao trách nhiệm cho toàn Đảng, toàn dân và cả xã hội phải chung tay chăm sóc, giáo dục để các cháu trở thành những “công dân” có ích sau này. “Trẻ em như búp trên cành”, nên hãy biết trân trọng, nâng niu, che chở, dìu dắt các cháu. Đừng quá khắt khe đòi hỏi nhiều ở tuổi thơ, mà chỉ cần ở các cháu “Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”. Ba tháng trước khi về với thế giới người hiền, Bác dặn: “Vì tương lai của con em chúng ta, dân tộc ta, mọi người, mọi ngành phải có quyết tâm chăm sóc và giáo dục các cháu bé cho tốt”. Đó là nhiệm vụ nặng nề và phải thực hiện thường xuyên, lâu dài, kiên trì, bền bỉ. Người yêu cầu: Các gia đình, các Đảng ủy cơ sở, Ủy ban Thiếu niên Nhi đồng, Đoàn Thanh niên, các ngành, các đoàn thể “cần phải có kế hoạch cụ thể chăm sóc, giáo dục các cháu càng ngày càng khỏe mạnh và tiến bộ. Các Tỉnh ủy, Thành ủy cần phải phụ trách đôn đốc việc này cho có kết quả tốt”. Đó vừa là thông điệp, vừa là mệnh lệnh của Người!

Vâng lời và noi theo tấm gương mẫu mực của Người, nước ta là quốc gia đầu tiên ở châu Á và là quốc gia thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Ưu tiên cho trẻ em, chăm sóc trẻ em một cách toàn diện trở thành tư tưởng chủ đạo của Đảng và Nhà nước. Chưa bao giờ cơ sở vật chất dành cho trẻ em đầy đủ, đạt chuẩn như hiện nay và cũng chưa bao giờ chúng ta dành cho các cháu những gì tốt nhất trong khả năng có thể như hiện nay. 

Tấm lòng, tình cảm yêu thương, sự chăm sóc thiếu niên, nhi đồng và những lời Người dặn sẽ mãi là bài học, định hướng suy nghĩ, hành động của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân hướng về trẻ em, nêu cao tinh thần trách nhiệm, làm hết sức mình vì sự phát triển của trẻ thơ -  mầm non tương lai đất nước vươn tới những đỉnh cao của con người Việt Nam với giá trị cao đẹp “chân, thiện, mỹ”.

NGUYỄN QUANG PHI

.
.
.