.
KỲ HỌP THỨ 7, QUỐC HỘI KHÓA XIV:

Điều chỉnh khung giá đất, bảo đảm lợi ích người dân

Cập nhật: 19:02, 27/05/2019 (GMT+7)

Sáng 27-5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.

HOÀN THIỆN PHƯƠNG PHÁP TÍNH GIÁ ĐẤT

Vấn đề giá đất để tính tiền bồi thường cho người có đất bị thu hồi và tính tiền sử dụng đất, cho thuê đất phải nộp ngân sách là nội dung được nhiều đại biểu tập trung phân tích, cho ý kiến tại phiên thảo luận sáng 27-5. 

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng, hiện nay, giá đất còn bất cập, không sát với thị trường, gây thiệt hại cho người dân, gây bức xúc, khiếu kiện, thất thu ngân sách. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần theo sát diễn biến của thị trường để điều chỉnh kịp thời khung giá đất, chấm dứt tình trạng có khu vực đã áp mức giá tối đa của Chính phủ nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với thị trường. Ngoài ra, Chính phủ cần hoàn thiện các phương pháp tính giá đất, các vấn đề liên quan đến xác định giá đất để các địa phương xác định bảng giá đất cụ thể phù hợp thị trường, bảo đảm lợi ích cho người dân và không gây thất thoát ngân sách. “Không tính toán được giá đất sát thị trường, không thể chấm dứt được khiếu kiện, mất an ninh trật tự xã hội và thất thoát nguồn thu từ đất đai”, đại biểu Hoàng Quang Hàm nhấn mạnh. 

Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) nêu quan điểm giá đất, định giá đất là khâu cơ bản để xây dựng hệ thống tài chính đất đai lành mạnh. Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy nguồn thu từ đất bị thất thoát, gây thất thu ngân sách nhà nước và có nhiều điểm bất hợp lý. Theo đại biểu, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các quy định liên quan đến việc định giá đất còn nhiều bất cập. “Hiện nay, chúng ta đang quản lý giá đất theo khung giá đất của Chính phủ và bảng giá đất của UBND cấp tỉnh nhưng có thể thấy là thấp hơn giá trị thật, dẫn đến thất thu ngân sách nhà nước. Trên thực tế, khung giá đất và bảng giá đất này chủ yếu sử dụng để tính thuế, phí về đất đai”, đại biểu Nguyễn Trường Giang phân tích. 

Cũng theo đại biểu, Luật Đất đai quy định rõ, việc xác định giá đất cụ thể phải dựa trên cơ sở điều tra, thông tin về thửa đất, giá đất thị trường và thông tin về giá đất trong cơ sở dữ liệu đất đai. Trong khi đó, các loại thuế liên quan đến đất đai được tính theo bảng giá đất do UBND tỉnh ban hành, không căn cứ vào giá trị thực ghi trong các hợp đồng giao dịch. Việc xác định giá đất sát với giá thị trường là không khả thi và thường thấp hơn giá thị trường rất nhiều. Hơn nữa, việc thẩm định giá đất do hội đồng thẩm định giá đất (do Chủ tịch UBND cấp tỉnh làm Chủ tịch) khó bảo đảm tính khách quan. Từ thực tế này, đại biểu Nguyễn Trường Giang đề xuất, giá đất phải do tổ chức cung cấp dịch vụ giá đất độc lập thực hiện. 

SIẾT CHẶT QUẢN LÝ QUY HOẠCH

Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) cho rằng chất lượng quy hoạch đô thị còn thấp, vẫn tồn tại quy hoạch theo tư duy nhiệm kỳ, thậm chí có dấu hiệu lợi ích nhóm. Đại biểu dẫn chứng, theo báo cáo chưa đầy đủ, trên cả nước có 1.390 dự án điều chỉnh quy hoạch từ 1-6 lần. Quy hoạch được điều chỉnh có xu hướng tăng lợi ích của nhà đầu tư, giảm tối đa các tiện tích công cộng và lợi ích của người sử dụng như: giảm diện tích đất công cộng, tăng diện tích sàn, chia nhỏ diện tích căn hộ, tăng mật độ xây dựng, giảm diện tích cây xanh... Đồng thời, các khu tái định cư cho người dân lại có chỉ tiêu hạ tầng, các tiện ích, chất lượng đô thị thấp. Điều này gây tổn hại về kinh tế, gây bức xúc cho xã hội, cho người dân như tình trạng kẹt xe, ô nhiễm môi trường, mưa là ngập, quá tải điện. “Điều chỉnh quy hoạch tùy tiện đã làm nát quy hoạch, chậm tiến độ, gây đội vốn, thất thoát, giảm hiệu quả đầu tư công, đồng thời gây ra nhiều hệ lụy, bức xúc khác”, đại biểu Đinh Duy Vượt nhấn mạnh và đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo siết chặt quy hoạch, quản lý quy hoạch, đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm trách nhiệm nhằm ngăn chặn những hiện tượng này.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) cho rằng quy hoạch sử dụng đất hiện nay mới chỉ làm được việc chuẩn bị diện tích đất theo nhu cầu sử dụng của các ngành, địa phương, chưa có nội dung phân vùng không gian sử dụng đất. Kết quả giám sát cho thấy, việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn có nhiều khoảng trống pháp lý. Quá trình tham gia của người dân, DN trong quá trình lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch còn nhiều hạn chế. Việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, đặc biệt là điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết còn tùy tiện, phá vỡ quy hoạch ban đầu. Theo đại biểu, một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do chưa có hệ thống thiết chế, đánh giá độc lập để theo dõi quá trình triển khai quy hoạch nói chung, điều chỉnh quy hoạch nói riêng.

Đại biểu đề nghị quy hoạch sử dụng đất được lập phải là kịch bản sử dụng đất cho tầm nhìn ngắn hạn, trung hạn, dài hạn, phản ánh được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và môi trường. Quy hoạch sử dụng đất phải phân tích được chi phí lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường sử dụng nguồn lực về đất đai trong ngắn hạn, trung hạn, dài hạn. 

Quá trình lập quy hoạch, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết phải được công khai từ khâu đề xuất như lấy ý kiến chuyên gia, người dân, DN. Việc điều chỉnh quy hoạch nên giao cho cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch thực hiện.

PHAN PHƯƠNG

 
.
.
.