Những "cây sáng kiến" trong ngành giáo dục
Những năm qua, đội ngũ cán bộ giáo viên tại các trường học trên địa bàn tỉnh đã phát huy tốt vai trò tiên phong, gương mẫu trong thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với đổi mới phương pháp dạy học. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng dạy-học, giúp HS phát triển toàn diện.
Cô Lê Thị Thu Quỳnh, GV tiếng Anh (Trường THPT Võ Thị Sáu, huyện Đất Đỏ) giúp HS nhớ từ vựng qua các trò chơi ô chữ. |
Mặc dù còn trẻ về tuổi đời và cả tuổi nghề song cô giáo Lê Thị Thu Quỳnh (SN 1989) luôn nỗ lực trong công việc, có nhiều sáng tạo trong việc đổi mới phương pháp dạy tiếng Anh tại Trường THPT Võ Thị Sáu (huyện Đất Đỏ).
Cô Quỳnh là đảng viên từ khi còn là SV khoa tiếng Anh Trường ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh (tháng 3-2011), cô Quỳnh luôn ấp ủ dự định thành lập một CLB tiếng Anh trong trường học, giúp HS phát triển khả năng giao tiếp, rèn luyện sự tự tin trong quá trình học. Cuối năm 2011, về công tác tại Trường THPT Võ Thị Sáu, cũng là lúc cô Quỳnh đưa ý tưởng của mình vào thực tế. Thời gian đầu, mỗi tháng CLB sinh hoạt một lần, với sự tham gia của hơn 50 HS đến từ 6 lớp. Trong các tiết sinh hoạt, cô Quỳnh thường tổ chức các trò chơi đoán tên đồ vật bằng tiếng Anh, trò chơi ô chữ (hỏi và trả lời bằng tiếng Anh) hoặc chia nhóm để HS thuyết trình, trao đổi về một chủ đề tự chọn. Em Nguyễn Trường Phong (HS lớp 12A10) chia sẻ: “Giờ học tiếng Anh của cô Quỳnh rất thú vị. Với mỗi từ mới, cô sẽ diễn tả bằng tiếng Anh, gợi ý từ đó được sử dụng trong trường hợp nào để HS tự đoán nghĩa. Nhờ đó, chúng em học và ghi nhớ từ vựng ngay trên lớp”. Bên cạnh việc trau dồi vốn từ vựng cho HS qua các trò chơi, cô Quỳnh còn tự tìm tòi, kết nối, cho HS giao lưu trực tiếp với các GV, nhà khoa học người nước ngoài qua mạng internet, giúp các em mở rộng kiến thức về các lĩnh vực âm nhạc, văn học, địa lý, lịch sử…
“Không chỉ là “cây sáng kiến” của trường, bản thân cô Quỳnh luôn chú trọng tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, hòa đồng, giúp đỡ đồng nghiệp, được phụ huynh, HS yêu mến”, thầy Nguyễn Thừa Lợi, Hiệu trưởng Trường THPT Võ Thị Sáu (huyện Đất Đỏ) cho biết.
Cô Võ Như Ý, GV môn Toán (Trường THPT Châu Thành, TP. Bà Rịa) với tiết hội giảng dạy Toán bằng tiếng Anh. Ảnh: BÙI HƯƠNG |
Là một trong những đảng viên, GV trẻ của Trường THPT Châu Thành (TP.Bà Rịa), 12 năm qua, cô Võ Như Ý (GV môn Toán) đã có nhiều đổi mới trong giảng dạy, được Sở GD-ĐT và BGH nhà trường đánh giá cao. Trong đó, việc sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ chính trong dạy-học môn Toán đối với HS các khối 10, 11 là một ví dụ. Theo cô Ý, việc định hướng cho HS học Toán bằng tiếng Anh không chỉ giúp HS có được tư duy Toán học mạch lạc, tiếp thu ngôn ngữ tiếng Anh một cách chủ động, mà còn giúp các em thấy giờ học Toán thú vị hơn. Qua đó, thầy cô cũng được nâng cao trình độ, thêm giỏi ngoại ngữ.
“Với những tiết dạy này, GV phải dành khá nhiều thời gian để chuẩn bị bài giảng, từ việc đọc SGK song ngữ, các sách nước ngoài có chất lượng đến học cách phát âm chuẩn, soạn giáo án (giáo án đủ các bước theo phương pháp mới, powerpoint, giáo án nói), khâu chuẩn bị giúp HS làm quen với cách diễn đạt các công thức Toán học bằng tiếng Anh… cho một giờ học 45 phút hoàn toàn bằng tiếng Anh. Trên lớp, HS được phân theo nhóm, tham gia các trò chơi ô chữ hay thuyết trình nội dung bài học bằng tiếng Anh, từ đó củng cố được kiến thức Toán, tăng khả năng ghi nhớ các thuật ngữ toán bằng tiếng Anh tại lớp cũng như nâng cao kỹ năng nghe, nói bằng tiếng Anh”, cô Ý cho biết thêm.
Với những nỗ lực của mình, những năm qua cô Ý đã đạt nhiều thành tích như: Danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, GV dạy giỏi cấp tỉnh trong thực hiện chuyên đề đổi mới phương pháp dạy học cấp tỉnh năm học 2018 - 2019.
Cô Nguyễn Thị Phương Dung, GV Sinh học (Trường THCS Vũng Tàu) tổ chức cho HS chơi trò chơi liên quan đến nội dung bài học. Ảnh: KHÁNH CHI |
Còn với cô Nguyễn Thị Phương Dung, GV Sinh học, Trường THCS Vũng Tàu: “Là đảng viên, tôi luôn ý thức đi đầu hoàn thành công việc được giao, cùng đồng nghiệp đổi mới phương pháp dạy học, giúp HS tiếp thu bài nhanh hơn”. Để những phút kiểm tra bài cũ không còn là nỗi “ám ảnh” với HS, bắt đầu giờ học, cô Dung cho HS khởi động với các tiết mục múa, hát, các trò chơi vừa để kiểm tra bài cũ, vừa hướng HS đến nội dung của bài học mới. Ngoài ra, việc cho điểm HS cũng được cô Dung thực hiện trong suốt quá trình dạy (GV đặt câu hỏi để HS giải quyết tình huống, hoạt động nhóm). “Thay vì chỉ dạy và kiểm tra trên SGK với các kiến thức khô khan, tôi luôn tạo cho HS không khí thoải mái trong suốt giờ học. Đối với các bài thực hành, tôi chia lớp thành các nhóm, sau đó các thành viên trong nhóm sẽ tự phân công nhau tìm kiếm thông tin, lập sơ đồ tư duy, thuyết trình nội dung bài học. Như vậy, sẽ tăng khả năng thuyết trình của HS, giúp các em phản biện lưu loát hơn, nhận thức sâu sắc hơn về các vấn đề trong xã hội”, cô Dung nói. Từ năm 2009 đến nay, cô Dung đã được tặng thưởng nhiều giấy khen, bằng khen, là GV dạy giỏi cấp thành phố, cấp tỉnh.
Theo thầy Nguyễn Văn Ba, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, thời gian qua, ngành GD-ĐT tỉnh đã đề ra các giải pháp đồng bộ nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, gắn với sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy và học. Trong đó, đội ngũ đảng viên trong các trường không chỉ là những người tiên phong trong các phong trào mà còn là những thầy cô giỏi, có uy tín, luôn gương mẫu đi đầu hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. “Thời gian tới, Sở GD-DT sẽ tiếp tục phát động đổi mới phương pháp dạy học trong toàn ngành, sao cho không chỉ GV tham gia bồi dưỡng HS giỏi mà tất cả GV đứng lớp đều thay đổi phương pháp dạy học một cách tích cực, thường xuyên cập nhật kiến thức, kỹ năng, phương pháp mới, nhằm bồi dưỡng, phát hiện HS năng khiếu là nguồn cho công tác mũi nhọn”, thầy Nguyễn Văn Ba nói.
XUÂN TRƯỜNG