.
KỶ NIỆM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8-3

Phụ nữ - người xây tổ ấm

Cập nhật: 16:29, 06/03/2019 (GMT+7)

Châm ngôn có câu: Sau người đàn ông thành công bao giờ cũng có bóng dáng của người phụ nữ. Thực tế cuộc sống cũng đã chứng minh: Sau mỗi gia đình hạnh phúc đều in đậm dấu ấn của tình thương, bàn tay vun đắp và sự hy sinh cao cả của những người mẹ, người vợ, người chị.

Cùng nhau chia sẻ việc nhà giúp tình cảm gia đình thêm bền chặt.
Cùng nhau chia sẻ việc nhà giúp tình cảm gia đình thêm bền chặt.

Gia đình là tế bào, nền tảng của xã hội. Ai cũng ước ao có một gia đình êm ấm. Mái ấm gia đình là giá trị của cuộc sống, giúp con người cảm nhận đến tận cùng của hai chữ hạnh phúc và “nếu bạn không tìm được hạnh phúc nơi đây, bạn sẽ không tìm được nó ở nơi nào khác”. Sau một ngày làm việc căng thẳng, mệt nhọc, con người muốn trở về nhà - tổ ấm - nơi có vợ chồng, con cái sum họp, có những tiếng cười vui vẻ. Khi thành công và cả khi gặp sóng gió, gia đình -  bến đỗ mà người ta luôn mong muốn trở về để chung vui hay được nhận sự đồng cảm, sẻ chia, chở che. 

Cha ông ta cũng đã đúc kết: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Dù hôm nay, thời hiện đại, bình đẳng giới, người phụ nữ không chỉ “đảm việc nhà”, mà còn “giỏi việc nước”, nhưng như một thiên chức, tổ ấm gia đình không thể thiếu sự chăm lo, vun vén và không ai thay thế được người phụ nữ trong việc giữ lửa hạnh phúc gia đình. Những công việc “không tên”, thầm lặng mỗi ngày trong mỗi gia đình qua bàn tay của người phụ nữ; sự tần tảo, chịu thương, chịu khó lo cho chồng, con của những người vợ, người mẹ hiền là chất kết dính bền chặt các thành viên, xây đắp nên mái ấm chan chứa của tình yêu thương. 

Xã hội càng hiện đại, sự gắn kết các thành viên trong gia đình càng trở nên lỏng lẻo. Cùng với quá trình công nghiệp hóa là những bữa cơm gia đình thưa dần. Nhiều gia đình hàng tuần bếp không đỏ lửa, thay vào đó là những bữa ăn nhanh hoặc cả nhà kéo nhau ra nhà hàng, quán ăn. Chúng ta đang thực hiện công cuộc giải phóng phụ nữ, trước hết là giải phóng phụ nữ ra khỏi việc bếp núc. Nhưng dù xã hội phát triển đến đâu, vẫn rất cần bàn tay người phụ nữ lo toan bữa cơm gia đình; dù dịch vụ xã hội phát triển đến đâu, thì cánh mày râu vẫn luôn mong người vợ, người mẹ vẫn là “bà nội tướng” của gia đình. 

Sau ngày làm việc vất vả, cả nhà quây quần bên mâm cơm dù đạm bạc hay đầy những món ngon đều là những giây phút sum họp đáng quý. Bữa cơm gia đình là không gian đầm ấm, mọi người cùng chia sẻ những câu chuyện vui buồn, gắn kết tình cảm yêu thương, để rồi mọi thành viên cảm nhận hạnh phúc “sáng sớm muốn đến công sở, chiều chiều muốn trở về nhà”; để lại bao kỷ niệm, với nỗi nhớ đến quay quắt mỗi khi xa tổ ấm “Anh đi anh nhớ quê nhà/Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương/Nhớ ai dãi nắng, dầm sương…”.

Thời hiện đại, mô hình ba bốn thế hệ chung sống với nhau trong một gia đình đang ngày càng thưa hiếm, thay vào đó là gia đình đơn lẻ, gồm hai thế hệ: Vợ chồng và con cái. Trong gia đình, người vợ luôn giữ vai trò điều hòa mối quan hệ tình cảm vợ chồng và giữa cha mẹ với các con. Người vợ trở thành điểm tựa động viên, khích lệ chồng, con làm nên sự nghiệp; là động lực giúp chồng con vượt qua những vấp váp, khó khăn; làm dịu đi bao áp lực, lo toan và cả những lúc mối quan hệ vợ chồng “cơm không lành, canh không ngọt”. Đàn ông không chỉ yêu bằng mắt mà còn yêu bằng tai. Tình thương yêu, sự dịu dàng, khéo léo, với những “câu nói ngọt lọt đến xương” của vợ không chỉ thuyết phục được người chồng vui vẻ, tự nguyện thực hiện nghĩa vụ chăm lo việc nhà, mà còn từ bỏ được những thói quen xấu, tạo dựng không khí gia đình vui vẻ, ấm áp, hòa thuận. Chẳng có người chồng nào có thể giận được lâu, nếu người vợ biết cư xử ở tầm cao văn hóa: “Chồng giận thì vợ làm lành. Miệng cười hớn hở: Rằng anh giận gì?”. Chồng giận thì vợ bớt lời. Cơm sôi bớt lửa một đời không khê”…

Phụ nữ là người xây tổ ấm, giữ ngọn lửa hạnh phúc gia đình, xứng đáng được xã hội tôn vinh và sự tôn vinh ấy phải thể hiện tất cả các ngày trong năm, chứ không chỉ riêng trong những ngày lễ, ngày kỷ niệm. Nhưng cánh mày râu nên nhớ rằng,  không có trái tim yêu thương, không có sự cộng đồng trách nhiệm của tất cả các thành viên trong gia đình thì không thể có tổ ấm trọn vẹn, bền vững. Người phụ nữ sẽ cảm thấy hạnh phúc khi người bạn đời biết tôn trọng, lắng nghe, động viên, san sẻ cùng vợ chăm lo con cái, công việc gia đình; tạo điều kiện cho vợ có thời gian học tập, giải trí, tham gia các hoạt động xã hội, sản xuất, kinh doanh theo khát vọng, đam mê và năng lực của mình. 

Ngọn lửa hạnh phúc sẽ mãi lung linh, gia đình sẽ là tổ ấm đúng nghĩa, chỉ khi người phụ nữ với tư cách là người vợ, người mẹ thủy chung, luôn hết mực vì gia đình, dám vượt qua định kiến, vươn lên làm chủ cuộc đời, cống hiến cho xã hội. Ngược lại, người đàn ông với tư cách người chồng, người cha không chỉ đảm nhận và hoàn thành trọng trách người “xây nhà”, mà còn phải biết sẻ chia, đồng cảm với người bạn đời từ những công việc nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống gia đình.

NGUYỄN QUANG PHI

.
.
.