.

Lữ Đoàn 167: Sáng tạo mô hình học cụ, nâng cao chất lượng huấn luyện

Cập nhật: 14:33, 06/03/2019 (GMT+7)

Lữ đoàn tàu pháo tên lửa 167 (thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân), đứng chân trên địa bàn TP. Vũng Tàu. Thời gian qua, nhiều cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn không ngừng nghiên cứu, sáng tạo mô hình học cụ để nâng cao chất lượng huấn luyện sẵn sàng chiến đấu.

Thượng úy Vũ Ngọc Vịnh (bìa trái, cán bộ Tàu 382, Lữ đoàn 167) giới thiệu về mô hình mô phỏng hoạt động của radar pháo MP-123.
Thượng úy Vũ Ngọc Vịnh (bìa trái, cán bộ Tàu 382, Lữ đoàn 167) giới thiệu về mô hình mô phỏng hoạt động của radar pháo MP-123.

Trong công tác huấn luyện, Lữ đoàn 167 chú trọng việc xây dựng các mô hình học cụ có tính ứng dụng cao trong thực tiễn, giúp cán bộ, chiến sĩ (CBCS) làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật sẵn sàng chiến đấu. Điển hình là mô hình mô phỏng hoạt động radar pháo MP-123 của Thượng úy Vũ Ngọc Vịnh, cán bộ Tàu 382, được giới thiệu tại lễ ra quân huấn luyện năm 2019 vào ngày 1-3 vừa qua. 

Thượng úy Vũ Ngọc Vịnh cho biết, tổ hợp radar MP-123 cùng pháo AK là tổ hợp chiến đấu hiện đại, quan trọng trên tàu tên lửa. Thời gian qua, việc huấn luyện các vị trí sử dụng tổ hợp gặp một số khó khăn về kỹ thuật và chiến thuật, chưa có cái nhìn tổng quan về sự liên hệ giữa tổ hợp radar điều khiển pháo, chưa có mô hình nào để huấn luyện cho CBCS sát với điều kiện thực tế của radar pháo. Từ thực tiễn đó, anh đã nghiên cứu thành công mô hình tổ hợp radar MP-123. Điểm mới của mô hình là huấn luyện được liên tục trong nhiều điều kiện về không gian và thời gian khác nhau; có thể huấn luyện độc lập, cá nhân, không cần phải có đầy đủ kíp huấn luyện và mở tất cả các máy. “Việc áp dụng mô hình này vào quá trình huấn luyện kết hợp lý thuyết giúp CBCS có cái nhìn tổng quan, nắm được nguyên tắc, cách thức hoạt động cơ bản của hệ thống, của radar MP-123, pháo AK. Từ đó, người học dễ hiểu và xây dựng kỹ năng thao tác khi làm việc trực tiếp với trang bị thật, rút ngắn được quá trình làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật”, Thượng úy Vũ Ngọc Vịnh chia sẻ.

Tương tự, Thượng úy Nguyễn Văn Triệu, Ngành trưởng cơ điện Tàu 328 cũng tích cực tìm tòi, nghiên cứu tài liệu và đã có nhiều đóp góp trong công tác huấn luyện làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật trong đơn vị. Đặc biệt, năm 2018, anh đã nghiên cứu, sửa chữa, khắc phục được “Lỗi 65s không có sự cháy nhiên liệu của động cơ trái”. Đây là lỗi kỹ thuật thường xuyên của động cơ từ trước khi bàn giao tàu mà trong các chuyến đi biển thử máy và chuyên gia đã nhiều lần sửa chữa, khắc phục nhưng chưa triệt để. Thành tích của anh Triệu đã được cấp trên ghi nhận và khen thưởng đột xuất.

Trong năm 2018, Lữ đoàn 167 đã thực hiện nghiêm kế hoạch huấn luyện, hoàn thành 100% chương trình và thời gian huấn luyện. Kết quả kiểm tra, 100% đạt yêu cầu, trong đó 89,59% sĩ quan đạt khá, giỏi; 82,46% quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ đạt khá, giỏi. Trong các đơn vị thuộc BTL Vùng 2 Hải quân, Lữ đoàn 167 là đơn vị duy nhất được Bộ Quốc phòng tặng Cờ Đơn vị huấn luyện giỏi năm 2018.  

Thượng tá Lê Bá Quân, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 167 cho biết, Lữ đoàn 167 lấy nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo làm mục tiêu huấn luyện; bám sát phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, lấy thực hành làm chính; kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện quân sự với giáo dục; sát với phương án, đối tượng tác chiến, chiến trường, tổ chức biên chế và vũ khí trang bị. “Trong mùa huấn luyện năm 2019, Đảng ủy, Chỉ huy Lữ đoàn, cấp ủy chỉ huy các đơn vị trực thuộc sẽ tiếp tục chỉ đạo thường xuyên, sâu sát về công tác huấn luyện theo kế hoạch đã được phê duyệt, bảo đảm quân số, thời gian và nội dung huấn luyện với quyết tâm đạt kết quả cao nhất. Bên cạnh đó, đơn vị tiếp tục khuyến khích phong trào nghiên cứu, sáng tạo mô hình học cụ; triển khai và áp dụng các mô hình học cụ mới có tính ứng dụng cao trong thực tế vào công tác huấn luyện”, Thượng tá Lê Bá Quân nhấn mạnh.

Bài, ảnh: PHƯƠNG NAM

 
.
.
.